Thứ ba, 25/9/2012, 11h09

Các trường ngoài công lập “đói” thí sinh

Nhiều trường ngoài công lập đang rất chật vật trong việc tuyển sinh khi mà vào thời điểm hiện tại chỉ mới đạt được 40-50% chỉ tiêu được giao. Mặc dù Bộ GD-ĐT luôn khẳng định nguồn tuyển cho khối trường này là dồi dào nhưng trên thực tồn tại không ít rào cản.

Kéo dài xét tuyển: Giải pháp “cụt”

Mùa tuyển sinh năm 2012, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép các trường được xét tuyển bổ sung nhiều đợt cho đến cuối tháng 11/2012. Tuy nhiên với nguồn tuyển “cạn kiệt” nên việc kéo dài này gần như không có nhiều ý nghĩa.

Giải thích về việc cạn kiệt nguồn tuyển, GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng chia sẻ: “Ở Hải Phòng tồn tại 4 trường ĐH trong đó có đến 3 trường công. Năm nay, các trường công này điểm chuẩn trúng tuyển đều ở mức cận sàn đồng nghĩa với việc đã “vét” toàn bộ thí sinh ở khu vực. Ở các tỉnh lân cận cũng tình trạng tương tự. Như vậy nguồn tuyển sẽ không còn, nên có kéo dài thời gian xét tuyển bổ sung cũng như không”.
GS Trần Hữu Nghị cũng cho biết thêm, nếu như các năm trước đây đến thời điểm hiện tại, Trường ĐH Dân lập Hải Phòng có thể gọi được 80-90% thí sinh (TS) đến nhập học thì năm nay mới chỉ đạt được ở mức 50%. Với đà này thì việc tuyển đủ chỉ tiêu là quá xa vời.

Cùng chung quan điểm này, GS Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình cho rằng, nguồn tuyển cạn kiệt cũng có thể xuất phát từ việc Bộ GD-ĐT xây dựng mức điểm sàn chưa chuẩn xác. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT thì có đến 70% TS có mức điểm trên sàn đã trúng tuyển NV1, như vậy chỉ còn 30% cho các nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên khi xây dựng điểm sàn lại không tính đến trong con số 30% này sẽ có một lượng lớn TS quyết ôn thi lại để dự thi năm sau.

Sự khó khăn của các trường ngoài công lập càng được thể hiện rõ nét hơn đối với vùng Tây Nam Bộ. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT thì khi xây dựng điểm sàn thì độ dôi của TS ở vùng này là lớn nhất chính vì thế sẽ tạo điều kiện cho công tác xét tuyển bổ sung. Nhưng trên thực tế mặc dù đã gần hết tháng 9, các trường ngoài công lập thuộc vùng này chỉ mới tuyển được 30-40%.

Theo giải thích của một cán bộ tuyển sinh, sở dĩ vùng này có độ dôi nhưng không đầu đơn vào các trường ngoài công lập là bởi chi phí học tập cao trong khi thu nhập bình quân ở vùng này còn khá thấp. Bên cạnh đó sự xuất hiện của các trường công lập bên cạnh với chỉ tiêu tương đối lớn nên đã “hút” hết TS.

Trước thực trạng này, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT về việc xem xét áp dụng điểm chênh lệch khu vực trong tuyển sinh cho TS vùng ĐBSCL. Mặc dù nói là sẽ xem xét nhưng với quy định “cứng” trong quy chế tuyển sinh là xóa bỏ điều 33 chắc chắn Bộ GD-ĐT không thể “xé rào”.

Khó càng thêm khó

Với lợi thế được nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo nên khi các trường công lập lấy điểm chuẩn ngang sàn, chắc chắn nhiều TS sẽ đầu đơn vào đăng ký xét tuyển. Bên cạnh đó, hàng loạt các hệ đào tạo như CĐ, TCCN, thậm chí là hệ nghề các trường này cùng có những chính sách để hút TS bởi các hình thức trọn gói: tổ chức đào tạo liên thông, được hỗ trợ học tập như chính quy… khiến nguồn tuyển các trường ngoài công lập ngày thêm cạn kiệt.

“Nếu như các năm trước Bộ GD-ĐT quy định điểm chuẩn NV sau không được thấp hơn trước nên các trường công lập chỉ tuyển được TS ở mức độ khá, giỏi trở lên, thậm chí là đành chấp nhận tuyển thiếu chỉ tiêu (do hết nguồn TS đạt mức điểm nhận hồ sơ trở lên - PV) thì năm nay lại hoàn toàn trái ngược. Chính vì điều này mà trường công lập không ngại ngần hạ điểm chuẩn xuống sát sàn để tuyển bằng đủ chỉ tiêu thì thôi” - GS Trần Hữu Nghị buồn rầu nói.

GS Nghị cũng cho rằng, xã hội hiện nay vẫn luôn có tâm niệm trúng tuyển vào trường công thì danh tiếng hơn trường tư. Bên cạnh đó, trường tư thì phải tự thân vận động nên chắc chắn chi phí đào tạo sẽ cao hơn trường công. Đây chính là “rào cản” khiến các trường ngoài công lập khó phát triển.

“Cùng là TS trúng tuyển nhưng có sự phân biệt khá lớn về chi phí đào tạo giữa trường tư và trường công. Chính vì thế tôi hi vọng sẽ có chính sách cải thiện tình trạng này để cho các trường ngoài công lập phát triển. Chẳng hạn như cần phải hỗ trợ chi phí đào tạo cho các sinh viên dù học trường công hay tư là như nhau” - GS Nghị đề xuất.

Trong khi đó GS Đặng Ứng Vận khẳng định, việc có ý kiến cho rằng trường ngoài công lập đào tạo chưa tốt nên khó tuyển được TS là hoàn toàn đúng bởi có rất nhiều đơn vị đã và đang phấn đấu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… như các trường công lập nhưng vẫn rơi vào tình trạng “bi đát”. Ở đây cần phải đánh giá lại nguồn tuyển khi xây dựng điểm sàn đã đáp ứng đủ cho các trường hay chưa.

“Một ông bố đã sinh ra những đứa con ngoài công lập thì cần phải tạo điều kiện để phát triển chứ không thể đưa ra lời nhận xét do khâu đào tạo yếu kém nên TS không đầu đơn” - GS Vận nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng

(Dân trí)