Thứ ba, 22/4/2014, 22h04

Cách ra đề mới sẽ xóa được học vẹt?

Tiết dạy học môn ngữ văn tại Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM). Ảnh: ANH KHÔI

Vừa qua, các phương tiện thông tin đã đăng tải quan điểm của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển về nguyên nhân của tình trạng học vẹt: Từ trước đến nay, việc dạy và học tại trường phổ thông vốn quen với việc dạy tác phẩm nào thì kiểm tra, đánh giá tác phẩm đó. Điều này dẫn đến học sinh (HS) chỉ học vẹt, chưa kiểm tra, đánh giá được năng lực ngữ văn của các em.
Như vậy, Bộ GD-ĐT cho rằng nguyên nhân dẫn đến chuyện HS học vẹt môn ngữ văn là do dạy tác phẩm nào thì kiểm tra, đánh giá tác phẩm đó! Trong thực tế, không chỉ môn ngữ văn mà hầu hết các môn, HS đều học vẹt. Vậy thì, đâu mới là nguyên nhân thực sự của tình trạng này?
1. Đó là do sự độc quyền học vấn. Trong hoạt động dạy học ở trường phổ thông, giáo viên (GV) và HS đều chỉ sử dụng duy nhất một quyển SGK (riêng GV còn có thêm quyển sách GV với một số gợi ý, định hướng triển khai bài học). Nếu như GV phải hoàn toàn dựa theo nội dung được trình bày trong SGK để chuẩn bị giáo án và dạy học trên lớp thì HS cũng chỉ tiếp nhận tri thức từ bài giảng của GV và từ SGK. Quan điểm “SGK là pháp lệnh” đã chi phối hoạt động dạy học dẫn đến việc GV không được mở rộng bài giảng vượt khỏi phạm vi SGK và HS càng không được có ý kiến khác với quan điểm của GV và SGK. Thậm chí, những bài thi môn toán có cách giải khác với SGK hoặc chưa được GV dạy trên lớp đôi khi còn phải đối mặt với nguy cơ bị mất điểm (dù đáp án đúng!). Do vậy, để “an toàn” trong học tập, HS chỉ còn cách là học thuộc lòng những câu chữ trong SGK hoặc phần tóm tắt SGK được GV đọc cho chép. Khi tư duy phê phán và tư duy sáng tạo không có điều kiện thể hiện thì HS chỉ còn là những con-vẹt-thuộc-lòng các vỏ kiến thức rỗng.
2. Do “bệnh thành tích”. Kết quả học tập của HS vừa là cơ sở để đánh giá trình độ, năng lực dạy học của GV, vừa được dùng để làm tiêu chí xem xét các danh hiệu thi đua và quan trọng hơn, kết quả này phải đáp ứng các chỉ tiêu thi đua được cấp trên đề ra. Để bảo vệ quyền lợi của mình, các GV buộc phải từ bỏ giá trị thực sự của hoạt động dạy học nhằm tìm cách đạt được những chỉ tiêu đó. Vì thế, trường học không còn là nơi diễn ra các hoạt động học thuật đúng nghĩa mà trở thành “lò luyện thi” để HS có được kết quả thi cử tốt nhất, còn HS đạt được những gì sau quá trình học tập mệt mỏi đó lại không phải là mối quan tâm hàng đầu. Trong hoàn cảnh này, kiểu dạy học tốt nhất sẽ là “đọc-chép” và kiểu học tập hiệu quả nhất sẽ là học thuộc lòng. Cần lưu ý rằng, sự độc quyền học vấn và bệnh thành tích là hai hệ quả của cơ chế quan liêu bao cấp trong giáo dục.
Như vậy, căn nguyên tình trạng học vẹt của HS (và cả kiểu dạy học “đọc-chép” của GV) chính là cơ chế quản lý giáo dục hiện hành. Do đó, phải bắt đầu sửa đổi từ cơ chế quản lý nếu muốn xóa bỏ nạn học vẹt ở trường phổ thông.
Các vấn đề thuộc về giáo dục phải được giải quyết dựa trên các nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại chứ không phải theo cảm tính chủ quan, hay các “giải pháp tình thế” nhằm xoa dịu dư luận. Khi căn nguyên của nạn học vẹt chưa được giải quyết thỏa đáng thì mọi sự thay đổi vội vàng, vụn vặt ở thời điểm này sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn, trái lại có thể sẽ gây thêm nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
3. Những năm gần đây, đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh của dư luận. Phát huy thành quả này, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT dự định có thêm một đột phá mạnh mẽ nữa trong đề thi. Cụ thể, đề ngữ văn năm nay cần thay đổi thiết kế theo hướng giúp HS chủ động vận dụng những kiến thức, hiểu biết, tình cảm, năng lực của mình thể hiện vào bài thi, qua đó đánh giá toàn diện nhất năng lực của các em (…) Điểm mới ở đây là chuyển từ việc yêu cầu HS học thuộc lòng những nội dung đã đọc hiểu của các tác phẩm có trong SGK sang việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện, phát triển vào việc đọc hiểu các tác phẩm khác không có trong SGK nhưng có kết cấu nội dung, độ khó tương đương những tác phẩm đã học. Như trên đã chỉ rõ, sự độc quyền học vấn và áp lực thi cử đã dẫn đến kiểu dạy học “đọc-chép” nên HS rất ít khi được rèn luyện các kỹ năng học tập, càng hiếm có điều kiện rèn luyện tư duy và việc đưa những tác phẩm ngoài SGK vào dạy học trên lớp là điều không có (hoặc có rất ít) trong thực tế. Lâu nay, cả GV và HS đã quen thuộc phương châm “học gì thi đó”, “thi gì học đó”, đột nhiên, phương châm này chuyển thành “học một đằng thi một nẻo” (chúng tôi chỉ giới hạn trong phạm vi tác phẩm văn học). Kế hoạch học tập đã được vạch ra từ đầu năm học, được triển khai suôn sẻ trong 8 tháng qua nhưng đến thời điểm gần cuối chặng đường, tức là chỉ còn hai tháng nữa là diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì Bộ GD-ĐT lại công bố dự định đổi mới cả cấu trúc và nội dung đề thi. Đây quả là thách thức đối với GV và HS!
Hồ Thanh Tâm 
 
Box: Các vấn đề thuộc về giáo dục phải được giải quyết dựa trêncác nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại chứ không phải theo cảm tính chủquan, hay các “giải pháp tình thế” nhằm xoa dịu dư luận. Khi căn nguyên của nạnhọc vẹt chưa được giải quyết thỏa đáng thì mọi sự thay đổi vội vàng, vụn vặt ởthời điểm này sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn, trái lại có thể sẽ gâythêm nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
 
>
(Giáo viên Trường THPT Gia Định, TP.HCM)
 
Box: Các vấn đề thuộc về giáo dục phải được giải quyết dựa trêncác nguyên lý của khoa học giáo dục hiện đại chứ không phải theo cảm tính chủquan, hay các “giải pháp tình thế” nhằm xoa dịu dư luận. Khi căn nguyên của nạnhọc vẹt chưa được giải quyết thỏa đáng thì mọi sự thay đổi vội vàng, vụn vặt ởthời điểm này sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn, trái lại có thể sẽ gâythêm nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
>

Tỷ lệ điểm phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu 
Trong hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT và các trường THPT lưu ý: Đề thi gồm hai phần: Đọc hiểu và viết (làm văn), trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu. Để làm tốt phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu... Các câu hỏi tập trung vào một số khía cạnh như: Hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản; những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản; một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng. Còn để làm tốt phần thi viết, giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết vận dụng những kĩ năng viết đã học để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc/và tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng mở và tích hợp trong môn và liên môn, tập trung vào một số khía cạnh như: Các kĩ năng viết (đúng chính tả; ngữ pháp, viết theo phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong bài viết; lập dàn ý và phát triển ý; bộc lộ quan điểm, tư duy một cách độc lập)... Về viết nghị luận văn học, vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình và SGK nhưng đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề nhằm khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép nguyên si tài liệu.

 
PV