Thứ hai, 2/3/2015, 08h03

Cần chấm điểm kết hợp với lời phê

Một tiết dạy của cô Trương Hoàng Oanh tại Trường Tiểu học Bình Thủy (Q.Bình Thủy)
Trường Tiểu học Bình Thủy (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) có 50 lớp với 1.974 học sinh (HS). Năm học này, trừ khối 1, các khối còn lại đều tổ chức lớp theo mô hình trường học mới (VNEN). Đây là trường đã triển khai thông tư 30 (TT 30) thành công, được Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ chọn báo cáo điển hình trong Hội nghị sơ kết học kỳ I.
Khi đến thăm trường, cảm nhận của chúng tôi là kỷ cương, nền nếp trường có phần chặt chẽ hơn. Ở lớp 5A2, cô Trương Hoàng Oanh đang hướng dẫn HS bài Sử dụng năng lượng gió và năng lượng nước chảy. Mỗi tổ đều có dụng cụ thí nghiệm. HS làm thí nghiệm để chứng minh: Năng lượng gió có thể dùng để chạy thuyền buồm, làm quay tuabin của máy phát điện… Trong phần bài tập, các nhóm làm bài sôi nổi; những em chưa hiểu kỹ bài được các bạn, nhất là nhóm trưởng, tận tình hướng dẫn. Trong sổ theo dõi, cô Oanh ghi cụ thể năng lực học tập, điểm mạnh và điểm yếu của từng HS.
Nhà trường và phụ huynh ủng hộ
Cô Oanh bộc bạch: “Làm theo TT 30 vất vả hơn so với cho điểm và ghi nhận xét như trước đây. Nhưng vì tương lai HS, vì trách nhiệm của người thầy nên tôi cố gắng làm tốt. Muốn nhận xét chính xác thì hàng ngày tôi phải theo dõi, giám sát việc học tập, sự tiến bộ của từng em, rồi tập hợp lại, ghi nhận xét”.
Về phía phụ huynh, đến nay số người đồng thuận cũng khá nhiều. Anh Võ Thiên Ân, có con học lớp 2A10 Trường Tiểu học Bình Thủy, chia sẻ: “Tôi ủng hộ TT 30 vì không tạo áp lực cho HS, HS không so bì điểm số với nhau. Nhìn vào bài làm, phụ huynh biết con còn hạn chế chỗ nào để từ đó hướng dẫn thêm. Phương pháp dạy và đánh giá này đã giáo dục đạo đức, rèn luyện HS có ý thức cộng đồng, biết yêu thương, giúp đỡ bạn bè trong học tập; biết vui với niềm vui và buồn với nỗi đau của người khác”.
Cô Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, cho biết: “Để có được sự đồng thuận và đi vào nền nếp như hiện nay, nhà trường tổ chức nhiều buổi họp, giúp phụ huynh nắm được ý nghĩa của việc đổi mới cách đánh giá HS theo TT 30; đồng thời photo gửi mỗi phụ huynh một bộ TT 30. Ban Giám hiệu tăng cường dự sinh hoạt tổ chuyên môn và kiểm tra việc thực hiện TT 30 của giáo viên, thành lập tổ công tác hỗ trợ; từ đó có sự hỗ trợ kịp thời, hướng dẫn giáo viên cách đánh giá, ghi nhận xét trên vở HS, nhận xét tháng trên sổ theo dõi chất lượng giáo dục, hướng dẫn cách ghi học bạ…”.
Lãnh đạo nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.Cần Thơ thừa nhận: Thay chấm điểm bằng nhận xét, tổ chức dạy học theo phương pháp tương tác, gợi mở và hình thành các kỹ năng cho HS… khiến giáo viên cực hơn so với trước. Do vậy rất cần những thầy cô giáo có năng lực, có tâm huyết. Cô Nguyễn Bùi Thị Mỹ, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Q.Ninh Kiều), trao đổi: “Một trong những điều quan trọng khi triển khai TT 30 là phải làm chuyển biến nhận thức của thầy cô giáo bởi không phải ai cũng sẵn lòng chịu cực, chịu học hỏi nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chúng tôi hỗ trợ và động viên ý thức trách nhiệm của thầy cô. Hàng ngày chúng tôi đi qua các lớp xem giáo viên dạy có khó khăn gì thì vào lớp hỗ trợ ngay”.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Q.Ninh Kiều), Ban Giám hiệu cũng hỗ trợ giáo viên trong cách ghi nhận xét, đánh giá HS. Thầy Trương Hoài Phong, Hiệu trưởng nhà trường, đích thân duyệt sổ theo dõi chất lượng giáo dục các lớp và góp ý với giáo viên nếu ghi nhận xét còn chung chung… Thầy Phong nhận xét: “Ưu điểm của TT 30 là giúp giáo viên gần gũi, theo dõi trình độ từng HS và kịp thời phụ đạo, uốn nắn các em. Nhưng muốn làm tốt việc đánh giá HS, giáo viên còn cần sự phối hợp của phụ huynh, trong học tập cũng như tiến bộ của các em về năng lực và phẩm chất đạo đức”.
Cần giảm bớt các loại sổ sách
Những năm học trước, các trường đều tổ chức sơ kết học kỳ I và khen thưởng HS học tốt. Nhưng năm học này chỉ vài trường tổ chức vì các trường lúng túng trong việc ghi giấy khen. Trường Tiểu học Võ Trường Toản phải họp Hội đồng sư phạm đến 3 lần mới thống nhất được mẫu ghi giấy khen và các hình thức khen… Trong tình hình hầu hết các lớp đều có sĩ số từ 40-50 HS, vấn đề “làm khó” thầy cô nhất là việc ghi quá nhiều loại sổ sách với nhiều chi tiết. Nhất là những giáo viên bộ môn, do dạy nhiều lớp nên rất khó nhớ đặc điểm cũng như sự tiến bộ từng mặt của HS để viết nhận xét ở các lĩnh vực kiến thức kỹ năng, năng lực, phẩm chất. Cô Nguyễn Hoàng Minh Trang, Tổ trưởng Tổ âm nhạc Trường Tiểu học Bình Thủy (dạy 1.200 HS), cho biết: “Mỗi tháng tôi nhận xét ít nhất 50% HS, tương đương 600 em, viết rất mỏi tay, phải mang về nhà làm mới kịp nhưng ngán nhất là khâu nhớ đặc điểm từng em để nhận xét cho chính xác”. Trong khi đó cô Văn Thị Thanh Xuân, Tổ trưởng Tổ Anh văn Trường Tiểu học Võ Trường Toản, cho biết mỗi giáo viên trong tổ dạy 200 HS. Cuối học kỳ phải nhận xét tất cả HS nên rất đuối. Cô Xuân băn khoăn: “Chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT giảm bớt các loại sổ sách. Riêng môn Anh văn, trước đây HS chăm chỉ học bài, từ khi áp dụng TT 30 đa số HS lơ là trong học tập. Chúng tôi rất lo vì đây là môn học dùng để đánh giá, xếp loại HS”.
Các phụ huynh chưa đồng thuận với TT 30 thì cho rằng: “Không có điểm, họ không biết con mình học như thế nào?”. Một giảng viên ĐH Cần Thơ có con học lớp 5 Trường Tiểu học Ngô Quyền (Q.Ninh Kiều) lo âu: “Trước đây con tôi rất chăm học. Hàng ngày về nhà ăn cơm tối xong nghỉ ngơi một chút là tự giác lấy bài ra học hoặc giải bài tập. Bây giờ về nhà cháu chỉ chơi, có khi chơi game đến khuya; tôi động viên hết lời nhưng cháu không nghe, còn nói: Cô giáo không cho bài tập về nhà. Tôi lo con rồi sẽ bị nghiện game, tới đây vào lớp 6 không biết cháu còn ý thức học tập tích cực như trước không?...”. Nhiều phụ huynh đề nghị Bộ GD-ĐT nên đánh giá HS bằng điểm số kết hợp nhận xét, mỗi tháng 1 bài... Thầy Nguyễn Hữu Thanh, dạy lớp 5A1 Trường Tiểu học Thị trấn Thới Lai I (huyện Thới Lai), bày tỏ: “Bỏ chấm điểm giúp HS không còn áp lực, những em yếu không còn tự ti. Nhưng phần nào làm giảm động cơ học tập của các em. Theo tôi, cần chấm điểm kết hợp lời phê để góp phần động viên tinh thần học tập của HS. Thí dụ một em được điểm 9 sẽ phấn khởi và cố gắng học tốt để vươn lên điểm 10. Còn em được điểm 10 thì hãnh diện và chăm chỉ hơn để giữ thành quả của mình”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
“Em thấy không chấm điểm cũng được vì cô đã ghi nhận xét vào bài để em biết chỗ nào chưa tốt thì cố gắng rèn luyện hơn. Như bài tập toán mới đây, em làm sai một câu trắc nghiệm, cô phê “Cần tính toán cẩn thận””, em Trần Ngọc Hiền (học lớp 5A1Trường Tiểu học Bình Thủy) bày tỏ.
 
Phụ huynh không đặt nặng điểm số của HS
Ông Trần Thanh Tài, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ), cho biết: Đội ngũ giáo viên tiểu học trên địa bàn đã vượt qua những bỡ ngỡ lúc đầu để cố gắng làm tốt TT 30. Qua lời phê trong bài làm, HS biết mình mạnh - yếu ra sao? và có ý thức giúp nhau trong học tập. Đông đảo phụ huynh đã thay đổi nhận thức, không đặt nặng về điểm số mà quan tâm đến sự tiến bộ của con, trong học tập cũng như rèn luyện.