Thứ hai, 7/5/2012, 15h05

Cần sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình

Vừa rồi đi dự hội thảo về “Vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và công dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, tôi được nghe những câu chuyện nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn với trẻ từ những người có con cháu “cưng”. Có một người bà kể rằng đứa cháu hơn 3 tuổi kêu nội làm trò, bé làm cô giáo; cô giáo đút cháo cho trò ăn, trò giả đò không ăn, cô giáo tát vào má, lấy muỗng cạy miệng và đòi dắt trò vào nhà vệ sinh cho ma cắn. Một bà khác thì kể bà ở gần trường, hay nghe tiếng khóc thét của nhiều trẻ trong nhà vệ sinh rất lâu vì các bé không ngoan; bà kể thêm các phụ huynh kháo nhau phải có bao thư các cô mới chăm sóc tốt hơn… Và như thế có lẽ họ quy trách nhiệm cho nhà trường. Phủ nhận việc quy trách nhiệm cho nhà trường trên, một phụ nữ làm công tác trẻ em của một phường kể 5 trường hợp, tôi xin ghi lại 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Một bà mẹ sinh ra 3 đứa con cách nhau vài tuổi, đứa nào cũng biếng ăn. Bà mẹ phải bồng bế từ đầu trên xóm dưới để dụ cho bé ăn, nhưng khi đưa các bé vào trường học một thời gian, thì: “Con tôi đã tự giác ăn vì không cô nào có thể bồng đi khắp nơi…”, bà khoe. Vậy lỗi không chăm sóc các bé đúng cách là tại ai? Tại gia đình.
Trường hợp 2: Hai học sinh nam, nữ ở một trường cấp 3, yêu nhau và ôm nhau trong trường, bị thầy cô nhắc nhở; sáng hôm sau, phụ huynh lên trường làm khó thầy cô. Vậy tại ai? Tại gia đình bênh con…
Là thầy cô giáo, ai cũng mong muốn giáo dục trẻ nên người, với các biện pháp đa dạng và phong phú; song các biện pháp cần bảo đảm tính sư phạm, không vi phạm nhân cách trẻ. Các thầy cô đều trải qua lớp nghiệp vụ sư phạm, khi đã công tác đều được trau dồi thêm kiến thức, tham gia các lớp bồi dưỡng về giải quyết tình huống sư phạm, các biện pháp giáo dục tích cực… Song trong quá trình giáo dục, cũng có những trường hợp cá biệt khi thầy cô có cách giáo dục bộc phát “không giống ai, không ai dạy, không ai đồng tình”; họ thực hiện và thấy được hiệu quả tức thì nên áp dụng như một kinh nghiệm.
Là một người quản lí, tôi cũng luôn tự rèn luyện mình để tỉnh táo giải quyết các mâu thuẫn, lỗi sai của học sinh sao cho công bằng, và tạo cho các em sự tin tưởng. Tôi luôn chia sẻ với đồng nghiệp rằng thầy cô giáo là những người trực tiếp giáo dục học sinh, dù các em ngoan nhưng trong quá trình học cũng có những va vấp, những thiếu sót; còn về các em chưa ngoan dĩ nhiên là có làm cho thầy cô mệt mỏi, song nếu chúng ta nóng lòng giải quyết mà chưa tìm hiểu kĩ nguyên nhân cũng như biện pháp xử lí thích hợp sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lí của các em…
Cũng là tôi - với vai trò là phụ huynh - nghe những câu chuyện về cách giáo dục không hay, tôi cũng thật sự lo, không phải tôi không tin tưởng nhà trường; song  trong một thời gian tích tắc nào đó, nhà trường “không thấy”, “không biết” đến một cô thầy nào đó ở xa phòng ban giám hiệu, vội vàng “xử lí” con tôi… Khi ban giám hiệu biết thì sự việc cũng xong rồi.
Tuy nhiên, nếu biện pháp giáo dục mạnh mẽ mà thiếu sự phối hợp của gia đình và nhà trường thì khó có thể giáo dục các em nên người.
Lệ Quyên (Thủ Đức)