Thứ sáu, 31/8/2012, 09h08

Chấn chỉnh lạm thu

Chiều 30-8, tại cuộc họp báo của Bộ GD-ĐT về chuẩn bị cho năm học mới, nhiều vấn đề dư luận còn băn khoăn, bức xúc đã được đề cập, chất vấn lãnh đạo Bộ GD-ĐT.

Phụ huynh xếp hàng đóng học phí cho học sinh tại một trường

tiểu học ở TP.HCM - Ảnh: N.H.

Ghi nhận thông tin PV cung cấp về việc tái diễn tình trạng lạm thu đầu năm học ở nhiều trường, ông Lê Khánh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ GD-ĐT đã có các văn bản đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo các trường thực hiện đúng quy định về hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (đã ban hành năm học trước), thực hiện quy định về ba công khai, trong đó có công khai các khoản thu, chi và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Sẽ có hướng dẫn việc thu tự nguyện
"Khắc phục tình trạng giáo viên yếu về chất lượng chủ yếu phải bằng con đường tự bồi dưỡng và bồi dưỡng thường xuyên. Cùng với đó, công tác quản lý cần làm tốt việc định kỳ đánh giá, phân loại, xử lý, trong đó có cả xử lý bằng đào thải những người yếu kém mà không có tiến bộ qua thời gian"
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Giải quyết khó khăn về tài chính cho các trường như thế nào để tránh việc thu thêm vì eo hẹp nguồn ngân sách, trong khi học phí thì không thể tăng? Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Khánh Tuấn thừa nhận thực tế ngân sách chi cho hoạt động giáo dục hạn chế là một nguyên do dẫn đến “lạm thu” gia tăng. Nhưng “trong bối cảnh hiện tại chưa thể điều chỉnh tăng học phí bậc phổ thông, chỉ có thể cố gắng điều chỉnh nguồn ngân sách để đảm bảo tỉ lệ 80% ngân sách cấp chi cho con người, 20% chi cho hoạt động thường xuyên” - ông Lê Khánh Tuấn cho biết.

Trong năm học 2012-2013, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn việc thu tự nguyện và quy định cho phép các trường tổ chức dịch vụ giáo dục chất lượng cao được thu học phí cao. Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định đây cũng là động thái tích cực nhằm tiếp tục chấn chỉnh lạm thu.
Việc hướng dẫn thu tự nguyện sẽ cụ thể hóa những quy định về xã hội hóa giáo dục, tránh việc lợi dụng xã hội hóa để lạm thu, thu, chi thiếu minh bạch, bóp méo chủ trương xã hội hóa giáo dục, gây bức xúc cho dư luận. Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết hướng dẫn này sẽ cụ thể hóa phương thức thu tự nguyện, quản lý, dự toán, quyết toán các khoản chi như thế nào.
Giải thích về dịch vụ giáo dục chất lượng cao và làm thế nào để tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” khiến phụ huynh mất tiền oan nhưng học sinh không được hưởng dịch vụ giáo dục tương xứng, ông Lê Khánh Tuấn cho biết: “Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 49 về cho phép thực hiện chương trình giáo dục chất lượng cao. Vì đây là vấn đề khó nên hơn một năm vẫn chưa thể ban hành. Nhưng về nguyên tắc đã được thống nhất, người học được hưởng dịch vụ giáo dục nào thì trả tiền dịch vụ đó với mức tiền tương xứng với chất lượng và việc sử dụng dịch vụ phải trên tinh thần tự nguyện. Các trường thực hiện dịch vụ chất lượng cao vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về giáo dục cơ bản, tạo điều kiện cho người học ở diện đại trà”.
Đổi mới việc bồi dưỡng giáo viên là giải pháp đột phá
Giáo viên ở nhiều địa phương đang khủng hoảng thừa ở một số bộ môn, bậc học, nhất là bậc THCS nhưng chất lượng giáo viên vẫn còn yếu. Điều này khiến nhiều địa phương lúng túng, có nơi đưa ra những giải pháp cực đoan để “sàng lọc”. Trả lời PV việc này, ông Hoàng Đức Minh, cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, giải thích: Hiện nay ở một số môn, bậc học vẫn còn thiếu giáo viên nhưng không nhiều. Ngược lại có những bộ môn, bậc học thừa giáo viên do chuyển đổi cơ học, số học sinh giảm đi theo từng năm. “Chất lượng giáo viên, nếu lấy thước đo chuẩn trình độ đào tạo thì cả nước có tới trên 98% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhưng thực tế vẫn có những giáo viên còn yếu, một số chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục hiện nay” - ông Minh nhận xét.
Theo ông Minh, Bộ GD-ĐT đang thảo luận về những quy định mới trong việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Coi việc tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên là giải pháp đột phá, là nhiệm vụ mang tính trọng điểm để khắc phục tình trạng “thừa số lượng, yếu chất lượng” còn rải rác ở đâu đó. Để giải quyết vấn đề “thừa số lượng” hiện nay, các tỉnh thành đang có chung giải pháp là giãn số học sinh/lớp.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá
Việc đổi mới phương pháp dạy học không đạt hiệu quả như mong muốn do chưa đổi mới được việc kiểm tra, đánh giá học sinh và tâm lý “học gì thi nấy” khiến thầy cô giáo và học sinh không thể dứt ra được với cách dạy và học cũ. Nhìn nhận điều này, ông Vũ Đình Chuẩn, trưởng phòng giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cho rằng năm học mới sẽ đẩy mạnh hơn việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường hướng dẫn đến từng giáo viên về việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng “đánh giá trong suốt quá trình học tập, ghi nhận sự chuyển biến tích cực của học sinh”.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng điểm mô hình trường học đổi mới đồng bộ, đổi mới cả phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Ở cả hai bậc tiểu học và trung học sẽ áp dụng mô hình phát huy khả năng tự học, tự làm thí nghiệm, tự nghiên cứu của học sinh. Đồng thời sẽ mở các cuộc thi kiểm tra khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn bằng kiến thức chuyên môn, các cuộc thi nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông. Đây sẽ là những “sân chơi” hỗ trợ việc đổi mới dạy học trong nhà trường.
VĨNH HÀ (TTO)

 

Dự báo năm học 2012-2013 cả nước có 4.146.000 học sinh bậc mầm non; 15.000.000 học sinh bậc phổ thông, trong đó tiểu học có 7.250.000 học sinh, THCS có 4.980.000 học sinh, THPT có 2.770.000 học sinh; bậc THCN có 610.000 học sinh; bậc cao đẳng có 801.000 sinh viên; bậc đại học có 1.481.000 sinh viên.
(Nguồn: Bộ GD-ĐT)