Thứ năm, 6/5/2010, 09h05

Cô giáo trẻ ở bản Dao

Trong bản chỉ cần có một đám cỗ (hiếu, hỉ, cúng bái…) là tất cả lũ trẻ con bỏ học đi ăn cỗ. Những ngày mưa hay vào mùa đói lớp học chỉ có lèo tèo vài em, đó là một thực trạng không vui tại điểm trường Tiểu học Khe Mạ nằm tại thôn Khe Mạ, xã Tô Mậu - Lục Yên - Yên Bái (thuộc trường TH và THCS Tô Mậu).
Tuy vậy, Khe Mạ vẫn cứ tràn ngập tình yêu thương của các cô đối với những học trò nghèo.
Dù khó khăn, cô Lương Thanh Tuyền và các cô giáo trẻ vẫn cặm cụi gắn bó với học trò - Ảnh: Triệu Huấn
Chưa buổi học nào lớp đông đủ
Theo chỉ dẫn của cô Đoàn Thị Thảo - phó hiệu trưởng khối tiểu học nhà trường, chúng tôi đi từ điểm trường chính vượt dốc Thắm xuôi theo tuyến đường Lục Yên - Khánh Hòa. Đi được chừng 5 km, rẽ vào một con đường đất mịt mù bụi đá, trước mắt chúng tôi điểm trường Khe Mại bắt đầu hiện ra với một dãy nhà cấp 4 với 5 phòng học, nằm cheo leo giữa lưng chừng đồi.
Dựng xe bên một bụi rậm, chúng tôi leo dốc để đến với các phòng học. Vừa cất những bước chân mệt nhoài cô Thảo nói: “Đây là điểm trường khó khăn nhất trong 3 điểm trường ở Tô Mậu với học sinh ở 3 thôn bản”.
Cuộc sống của bà con nơi đây rất khó khăn nên theo cô Thảo, “vận động các em đến lớp vất vả lắm trong khi học sinh nghỉ học lại khá thường xuyên”.
Trong những phòng học là những gương mặt học trò lấm lem, những đôi chân trần đầy bùn đất…
“Lớp hôm nay vắng mấy hả cô?” - Đưa ánh mắt trĩu buồn hướng về những chỗ trống trong lớp học, cô Thảo cất lời hỏi cô giáo đứng lớp.
“Lớp hôm nay vắng năm em, chị ạ. Hôm nay không mưa đấy, chứ mấy hôm trước mưa lớp vắng nhiều lắm” - cô Vũ Thị Kim Linh, chủ nhiệm lớp 1C trả lời, giọng buồn buồn.
 Vẫn cùng một câu hỏi đó, lần lượt đi các lớp và vẫn là những con số vắng mặt: 6, 7….  Năm lớp vắng gần 30 em/114 học sinh.
Vừa giảng bài, vừa ân cần nắm những bàn tay nhỏ nhắn uốn nắn theo từng nét chữ, rồi lại nhẹ nhàng sắn từng tay áo, bẻ cổ áo, chỉnh trang lại những bộ áo quần cũ kỹ, xộc xệch cho từng em nhỏ, Cô Lương Thị Ngụy, lớp 5C  bộc bạch: “Đối với giáo viên chúng tôi, hạnh phúc nhất là khi thấy học trò đến lớp đông đủ. Ấy vậy mà hơn 20 năm qua tôi gắn bó ở đây chưa một buổi nào lớp đi đủ cả. Có lẽ tại cuộc sống của người dân nơi đây quá khó khăn”.
Hơn 20 năm gắn bó, có lẽ cô Ngụy là người thấu hiểu hơn bất cứ ai về những khó khăn của sự học nơi này.
Hiện nay tại điểm trường Khe Mạ có 5 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5) với 114 học sinh, 100% là dân tộc Dao. Đây là vùng khó khăn nhất trong huyện bởi cái ăn của người dân chỉ biết trông chờ vào cây lúa và những thứ hái lượm được trên rừng.
Các cô bảo: những ngày mưa rất nhiều học sinh không có quần áo mặc đi học vì phơi không kịp khô; còn có lúc các em phải cùng cha mẹ vào rừng kiếm măng, chít, đào củ mài… Và trong bản có đám cỗ là tất cả lũ trẻ con lại bỏ học đi ăn cỗ. Những ngày đó lớp học gần như vắng tanh.
Đặc biệt các cô còn khó khăn hơn do bất đồng ngôn ngữ. Hầu hết các em khi mới vào lớp 1 đều không biết tiếng phổ thông. Chính vì vậy mà Khe Mạ luôn phải duy trì một nhân viên trợ giảng ở lớp 1 với nhiệm vụ phiên dịch tiếng dân tộc và đưa các em đến lớp.
Vì quá khó khăn, mà nhiều năm qua chất lượng học tập ở đây đạt rất thấp. Năm học 2009 vừa qua, kết quả cuối năm học đạt: Loại giỏi 0%, khá chiếm gần 10% còn lại là học sinh trung bình và yếu kém.
Triệu Thị Kậy, nhân viên trợ giảng tích cực và không thể thiếu đối với lớp một - Ảnh: Triệu Huấn
Lên nương rước trò trở lại lớp
Cô giáo nào ở đây cũng bảo: đã đến và gắn bó với Khe Mạ đều mang trong mình những kỷ niệm không thể nào quên.
Tốt nghiệp Sư phạm năm 1998 cô giáo trẻ Đoàn Thị Thảo đã tình nguyện về Lục Yên và gắn bó với Khe Mạ. Ký ức những ngày đầu đến với nghiệp giáo của cô Thảo là “buổi đầu lên lớp, trời rét căm căm nhìn thấy các em chỉ mặc phong phanh một áo, mặt mày tím tái. Đến trưa nhiều em nằm lả đi vì đói, lúc đó đứng trên bục giảng mà nước mắt mình cứ rơi”. Xen giũa những lời giảng, cô Thảo vừa đến từng bàn vuốt lại những mái tóc còn bù rối của học trò.
 Không chỉ có vậy, nhiều cô giáo trẻ như cô Thanh Tuyền, khi mới tới đây đã không khỏi ngỡ ngàng khi tất cả các em học sinh lên lớp mà không hề có sách, vở, bút mực…
Có cô giáo lại nhớ mãi những buổi cắt tóc cho các em vì đầu tóc quá rậm; có cô lại nhớ đôi má nhọ nhem của học trò. Khi chúng tôi đến, có một tiết học phải ngưng lại giũa chúng để cô giáo múc nước rửa sạch mặt mũi, chân tay mấy học trò rồi mới tiếp tục tiết học.
Học trò  không đến lớp thì đôi chân cô giáo lại lặn lội cả chục km rừng núi vào bản, gặp phụ huynh để vận động, khuyên nhủ đưa các em đến lớp; lên tận nương rẫy đưa các em đến lớp. 
“Đến bản thấy nhà nào cũng lụp xụp, rách nát tả tơi. Và khi nhìn thấy lũ trẻ con chia nhau từng củ sắn, củ khoai hay những mẩu cơm nguội lòng chúng tôi như xát muối. Nhưng rồi chị em lại động viên nhau, tích cực đến bản hơn”.
Để có được sách vở, bút mực và quần áo cho các em, các cô về điểm trường chính quyên góp từng quyển vở, manh áo để mang về cho học trò Khe Mạ của mình.
“Nhìn thấy các em tíu tít bên những bộ quần áo hay những quyển vở mà mình quyên góp được, lòng thầy cô nào không vui và hạnh phúc” – cô Thảo bảo thế khi nhìn đám học trò nghèo của mình hồn nhiên nô đùa trong phút giải lao.
Chia xa Khe Mạ, trong mắt chúng tôi là hình ảnh cô Tuyền bỏ cả giờ ra chơi nhẹ nhàng vuốt phẳng những quyển sách nhàu nhĩ; là cô Ngụy cặm cụi “gia cố” lại những chiếc bút bi mất nắp bằng giấy… Lặng lẽ mà ngập tràn yêu thương.
TRIỆU HUẤN / TTO