Chủ nhật, 16/2/2014, 22h02

Có phải vì học sinh quá dốt(?!)

Nhà trường cần phải làm việc với giáo viên bộ môn để hướng dẫn học sinh nào nên học thêm. Ảnh: Anh Khôi
Vừa qua, đọc bài Phải dạy thêm vì học sinh quá dốt, chúng tôi là những giáo viên đã về hưu không những không đồng tình mà còn bất bình, phẫn nộ với nội dung lý giải phải dạy thêm và một số vụ việc để phục vụ cho việc dạy thêm của Trường THPT Cao Thắng (Huế). Những việc làm này không xác đáng, thiếu trách nhiệm.
Học sinh phải học thêm vì nhiều lẽ: Vì sự phát triển không đồng đều về thể chất (có em khỏe mạnh, thông minh, tiếp thu nhanh; có em ốm yếu, thường tiếp thu chậm; có em ham chơi lơ đãng trong giờ học, nên mất kiến thức căn bản ngay từ những lớp đầu cấp, cứ thế học lực kém dần). Nếu không học bổ sung kiến thức sẽ không lên được lớp. Mặt khác, có trường, có lớp sĩ số học sinh quá đông, có em phải ngồi cuối lớp, không nghe rõ, thiếu tập trung, do đó khó lòng nắm bắt được đầy đủ bài giảng. Và phải thừa nhận rằng, trình độ và nhiệt tình, lòng tận tâm giảng dạy của giáo viên nói chung và giáo viên bộ môn nói riêng, không đồng đều. Mặt khác một số em có khả năng vượt trội, phụ huynh muốn cho con em mình học thêm để phát triển năng khiếu. Một lý do khác, phụ huynh không quản lý được việc học của con em nên tin tưởng và gửi gắm cho nhà trường...
Như vậy, việc dạy thêm của nhà trường phải xuất phát từ yêu cầu học thêm của học sinh, quyết không phải vì lợi ích vật chất - vì lợi nhuận của nhà trường và không phải vì “học sinh quá dốt”.
Tuy nhiên, học sinh học thêm phải có giới hạn, là những học sinh yếu, kém hoặc học sinh có năng khiếu vượt trội. Không thể và không nên để học sinh học đại trà theo kiểu “đánh trống ghi tên”.
Nhà trường phải coi “việc dạy thêm” bổ sung kiến thức cho học sinh yếu kém là một phần nhiệm vụ chính khóa của trường, là nhà trường phải tiếp tục hoàn thành, hoàn thiện nhiệm vụ năm học của mình.
Học sinh không hiểu, không nắm được bài, yếu kém, có một phần trách nhiệm của giáo viên, của nhà trường. Chúng ta không nên nặng lời và không thể đổ lỗi một cách thiếu chính xác vì “học sinh quá dốt”.
Mọi người chẳng thường nói: “Thầy nào trò nấy đấy!” sao? Thầy có giỏi, học sinh mới giỏi!
Nhà trường phải làm việc với giáo viên chủ nhiệm từng lớp, giáo viên từng bộ môn để lựa chọn, chỉ định, hướng dẫn, động viên một cách chính xác những học sinh nào phải học thêm. Và phải lựa chọn, động viên giáo viên có năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình giảng dạy phụ trách các lớp có học sinh yếu kém. Có lẽ, chính xác hơn, chúng ta nên gọi đây là “các lớp phụ đạo” đúng hơn là “các lớp dạy thêm”.
Các lớp phụ đạo, học sinh theo học phải được giới hạn, chỉ 10-15 em hoặc tối đa là 20 em, như vậy việc dạy và học phụ đạo mới có kết quả.
Một trường, ở một khối lớp 11 mà có đến 6 lớp với 200 học sinh phải học thêm, chúng tôi thiết nghĩ phải xem lại chất lượng giảng dạy của giáo viên và cả công tác quản lý chuyên môn của ban giám hiệu nhà trường. Không thể đổ lỗi cho “đầu vào”. Vì đây là trường phổ thông, không phải trường đại học, không phải là trường trung cấp chuyên nghiệp.
Các lớp phụ đạo học sinh yếu, kém nên chăng học phí thu phải có chừng mực, có giới hạn. Học phí của các lớp phụ đạo phải dành tối đa cho giáo viên trực tiếp đứng lớp. Vì ngoài giờ dạy chính khóa, giáo viên phải dành giờ nghỉ ngơi để dạy; giáo viên phải mất nhiều thời gian đầu tư cho bài soạn. Bài soạn giảng dạy cho học sinh yếu kém phải khác với bài soạn giảng chung ở lớp.
Không nên và không thể lấy học phí của các lớp học thêm làm “tiền phúc lợi” cho cả trường và san sẻ, cào bằng cho tất cả các đối tượng trong trường. Thiếu cân nhắc, thận trọng trong việc thu học phí, sử dụng học phí của các lớp học thêm sẽ làm mất hết ý nghĩa và tác dụng giáo dục của nhà trường.
Hiện nay, đây đó trong ngành giáo dục cũng như việc “dạy thêm, học thêm” có lắm điều tiêu cực, làm bức xúc, đau lòng xã hội, đau lòng giáo viên…
Chúng tôi, những giáo viên đã về hưu, những giáo viên giảng dạy lâu năm cũng như những giáo viên trẻ mới vào nghề mong mỏi và kỳ vọng ngành giáo dục mãi mãi phấn đấu và giữ vững sự thánh thiện, trong sáng của ngành.
Tôn Tuyết Dung
Nhà trường phải coi “việc dạy thêm” bổ sung kiến thức cho học sinh yếu kém là một phần nhiệm vụ chính khóa của trường, là nhà trường phải tiếp tục hoàn thành, hoàn thiện nhiệm vụ năm học của mình.