Thứ bảy, 2/4/2011, 09h04

Để dạy học theo hướng cá thể hóa có hiệu quả

 Trong giờ học theo định hướng cá thể hóa, ngoài vai trò của GV, các em HS cũng phải có cách học mới. Trong ảnh là tiết học tại Trường Tiểu học Đông Ba (Phú Nhuận)

Dạy học theo hướng cá thể hóa là dạy theo năng lực của từng đối tượng học sinh (HS) nhằm giúp các em học tập tốt hơn, phát huy hết khả năng của mình.

Theo tôi, dạy học cá thể hóa là việc hết sức cần thiết vì trong một lớp hiện nay khả năng tiếp thu và trình độ của HS không đồng đều. Tuy nhiên việc dạy theo xu hướng này không dễ dàng, nhất là ở những lớp có sĩ số HS đông.
1. Để thực hiện dạy cá thể hóa đạt hiệu quả, giáo viên (GV) cần có sự đầu tư kĩ lưỡng chu đáo ngay từ khi nhận lớp và chuẩn bị bài dạy. Bởi vì, dạy học cá thể hóa là phương pháp giảng dạy yêu cầu người thầy phải quan tâm đến từng đối tượng HS, dạy cho từng cá nhân nên không có một khuôn mẫu, một trình tự lên lớp, một giáo án chuẩn để làm theo, mà nó tùy thuộc vào từng cá nhân HS ở lớp mình đang giảng dạy, tùy vào nội dung kiến thức cần truyền đạt của từng bài học. GV cần hiểu rằng việc dạy học theo định hướng này là việc làm trong thời gian dài xuyên suốt năm học, phải từng bước thực hiện, không thể làm tốt được ngay trong những ngày đầu. Để dạy học cá thể hóa có hiệu quả, theo tôi, trước tiên, người thầy cần nắm chắc năng lực tiếp thu, trình độ kiến thức của mỗi HS ở từng bộ môn vì rất nhiều HS giỏi toán mà yếu tiếng Việt hay yếu toán và tiếng Việt nhưng lại tiếp thu tốt các môn tự nhiên, xã hội... Việc nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý, hiểu được cá tính của từng cá nhân là điều hết sức quan trọng. HS mạnh dạn, tự tin hay rụt rè, nhút nhát đều là điều cần lưu ý để có phương pháp phù hợp. Kế tiếp, khi thiết kế giáo án, GV nhớ bám sát mục tiêu bài để không sa đà vào các hình thức muốn thể hiện dạy theo hướng cá thể hóa. Các thầy cô cũng cần lưu ý đến chuẩn kiến thức bài dạy, tránh dạy dưới chuẩn đối với HS yếu kém, phải nhớ chuẩn kiến thức là lượng kiến thức bắt buộc phải truyền thụ đến HS và HS phải tiếp nhận đúng, đủ lượng kiến thức đó. Hệ thống câu hỏi phải chặt chẽ, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp để đảm bảo được HS yếu cũng có thể tham gia tìm hiểu nội dung bài và kích thích được khả năng tư duy của HS khá giỏi. Thầy cô cũng nên lưu ý các ví dụ trong sách giáo khoa đôi khi khá phức tạp, nhất là phân môn luyện từ và câu, ví dụ thường là những câu được trích từ các tác phẩm văn học, vì vậy phân tích theo yêu cầu bài học rất khó cho HS. GV cần mạnh dạn đổi các ví dụ đơn giản hơn cho các em yếu dễ tiếp thu kiến thức mới, rồi sau đó cho HS khá giỏi phân tích các ví dụ trong sách giáo khoa. Như vậy là chúng ta đã dạy học theo từng đối tượng. Sau đó, GV tùy điều kiện thực tế phòng học, sĩ số HS, phương tiện dạy học hiện có… mà lựa chọn, phối hợp phương pháp đặc trưng của từng bộ môn với các phương pháp kĩ thuật dạy học hợp tác cho phù hợp để giảng dạy.
2. Điều mà rất nhiều GV hiện nay đang băn khoăn là khi dạy cá thể hóa có phải chia nhóm theo trình độ HS hay không? Thực tế, chia nhóm theo trình độ chỉ là một trong những biện pháp, cách thức tổ chức lớp để thực hiện dạy cá thể trong tiết dạy. Không phải chia nhóm theo trình độ HS là dạy học theo hướng cá thể hóa. Tùy theo nội dung bài dạy, chúng ta chia nhóm hay không. Chẳng hạn như ở bộ môn toán, mục tiêu là HS phải biết cách cộng số đo thời gian và chuẩn kiến thức yêu cầu là mỗi cá nhân phải làm được các bài tập trong sách, vậy chia nhóm để làm gì? GV sau khi hướng dẫn xong chỉ cần cho các em HS yếu nhất thực hiện ngay trên bảng lớp để GV theo dõi, hướng dẫn lại nếu các em không làm được, các HS khác thì làm trong vở, GV sửa chữa sau đó, như thế vừa không mất thời gian mà chúng ta đã kèm sát đối tượng yếu kém. Việc chia nhóm theo trình độ cũng tránh hình thức biểu diễn. Vấn đề không khó, mà tổ chức chia nhóm, HS giỏi nhận hoa đỏ, HS yếu nhận hoa xanh…, rồi di chuyển về nhóm, thảo luận, trình bày bảng phụ, trình bày trước lớp… chỉ làm mất thời gian. Ở các lớp có sĩ số đông, nếu cần thiết phải chia nhóm, có thể chia nhóm ngay từ đầu buổi học hoặc ra chơi vào để HS không phải di chuyển khó khăn trong tiết học.
Mỗi cá thể đều có tư duy, khả năng tiếp thu, cá tính… khác nhau, vì thế để có thể thực hiện tốt việc dạy học theo hướng cá thể hóa đòi hỏi rất nhiều ở giáo viên thời gian, công sức, sự kiên nhẫn và cả sự sáng tạo. Nhưng với phương châm “thầy dạy tốt, trò học tốt”, tôi tin rằng tất cả các thầy cô sẽ luôn sẵn sàng đổi mới phương pháp giảng dạy theo chủ trương của ngành GD-ĐT TP.HCM.
Lê Phương Trí
LTS: Giáo Dục TP.HCM số ra ngày 25-2 có đăng bài phỏng vấn TS. Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhan đề “Dạy học theo định hướng cá thể hóa: Một quan điểm sư phạm tiên tiến”. Sau khi bài báo đăng tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của bạn đọc. Để làm rõ hơn phương pháp dạy học tiên tiến này, Giáo Dục TP.HCM mở diễn đàn “Dạy và học như thế nào để đúng định hướng cá thể hóa?”. Giáo Dục TP.HCM mong nhận được ý kiến chia sẻ của bạn đọc (mặt thuận lợi, khó khăn và các giải pháp thực hiện khi áp dụng phương pháp dạy học này). Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ: Báo Giáo Dục TP.HCM, số 300 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, TP.HCM hoặc email: tantruc_tg@yahoo.com.
Trong số này, tòa soạn xin giới thiệu ý kiến đầu tiên của thầy Lê Phương Trí - GV Trường Tiểu học Đống Đa (quận 4, TP.HCM).