Chủ nhật, 19/10/2014, 22h10

Để học sinh thích tập đọc hơn

Học sinh lớp 1 Trường TH Bình Triệu (Q.Thủ Đức, TP.HCM) trong tiết tập đọc. Ảnh: D.Bình
Trong các môn học ở tiểu học, tập đọc là môn học sinh (HS) ít yêu thích. Bởi tâm lý lứa tuổi, các em thích hoạt động, thích những bài học mà kênh hình nhiều hơn kênh chữ…, còn tập đọc chỉ là công việc đọc lặp đi lặp lại nhàm chán.
Chính vì vậy, việc đổi mới trong giảng dạy tập đọc, nhất là phần luyện đọc là điều hết sức cần thiết.
Ở khối lớp 2, 3, mục tiêu trọng tâm của tập đọc là luyện HS đọc đúng, đọc trôi chảy. Vì vậy, thời lượng luyện đọc khá dài. Thời gian gần đây, để đổi mới trong giảng dạy tập đọc, giáo viên (GV) thường cho HS đọc nối tiếp (mỗi HS đọc một câu cho đến hết bài) hay cá nhân đọc trong nhóm đôi, nhóm bốn…, hoặc đọc đồng thanh theo nhóm. Những đổi mới này, thực tế cũng chưa thỏa mãn được đúng nhu cầu tâm lý HS ở phần nhìn hay được hoạt động nhiều hơn. Vì thế, khi dạy tập đọc cho HS lớp 2, 3, ở phần luyện đọc GV có thể sử dụng nhiều hình thức để thu hút các em hơn, đó là chú ý phần trực quan khi luyện đọc và tăng cường hoạt động khác. Chẳng hạn, thay vì phải nhìn sách giáo khoa (SGK) để đọc cả bài, GV có thể in (viết) 1 đoạn của bài tập đọc trên tờ giấy A0 (nếu sử dụng trên bảng lớp) hoặc giấy A3, A4 (sử dụng cho nhóm hay cá nhân). Tờ giấy này có vẽ tranh (hoặc cắt dán hình ảnh) minh họa theo nội dung phù hợp với đoạn GV chọn (không giống tranh ảnh trong SGK). Nhìn vào tờ giấy có hình minh họa lạ mắt, các em sẽ hào hứng đọc hơn. (Các tờ giấy này nên bọc nhựa để có thể sử dụng cho nhiều năm học sau).
Khi luyện đọc từ khó đọc hay câu có từ khó đọc, GV thường viết từ, câu đó trên bảng để HS đọc. Thầy cô hãy thay 1-2 từ trong câu bằng hình ảnh thay thế để các em đọc. Ví dụ như câu: “Bóng tre rợp mát vai người/ Vầng trăng như lá thuyền trôi êm đềm” (Về quê ngoại - Tiếng Việt 3 - tập 1), GV gắn hình ảnh vầng trăng, thuyền thay thế chỗ viết các từ “vầng trăng”, “thuyền” trong câu. Sau đó GV bảo: “Đố các em đọc được câu này?”, các em (kể cả những em đọc yếu) sẽ tranh nhau giơ tay để được gọi đọc “câu có hình ảnh lạ lùng” ấy. Lúc này, GV sẽ rèn HS đọc đúng từ, đọc trôi chảy câu trên dễ dàng. Với những bài tập đọc có nhân vật là con người, con vật, cây cối, đồ vật…, GV có thể vẽ vài nhân vật chính, sau đó gắn từng nhân vật chính trên bảng, yêu cầu các em nêu những từ ngữ trong bài nói về nhân vật ấy. HS nêu được từ nào đúng GV ghi lên bảng quanh hình vẽ (hình thức sơ đồ mạng) và sau đó cho HS luyện đọc các từ ấy hay câu có từ ấy. Ví vụ như bài: Cậu bé thông minh (Tiếng Việt 3 - tập 1), GV gắn hình 2 nhân vật chính là “Ông vua” và “Cậu bé” trên bảng. HS tìm các từ ngữ liên quan đến 2 nhân vật ấy: “Ông vua: Tìm người tài, hạ lệnh, bật cười, thầm khen, thử tài, trọng thưởng… Cậu bé: Bình tĩnh, kêu khóc om sòm…”, GV cho HS luyện đọc các từ ấy, rồi các câu có các từ ấy.
Để luyện HS đọc đúng từ, câu, GV cũng có thể tổ chức như một hình thức trò chơi. Chẳng hạn muốn luyện HS phát âm đúng âm S, GV yêu cầu: “Các em (các nhóm) hãy tìm trong bài các từ có âm đầu S”, ai (nhóm) nào tìm đúng, nhanh là thắng. Chắc chắn, HS sẽ phải đọc bài thật kĩ và phải tăng tốc độ đọc để tìm. Sau đó, thầy cô sẽ luyện các em đọc từ có âm S vừa tìm, đọc câu có từ vừa tìm.
Với HS khối lớp 4, 5, mục tiêu luyện đọc có cao hơn là đọc trôi chảy và có biểu cảm. Chính vì vậy, GV cần dành vài phút để dẫn dắt cảm xúc HS trước khi vào phần luyện đọc. Tùy từng nội dung bài học, GV cố gắng sáng tạo nên những hình thức khác nhau để dẫn dắt cảm xúc HS vào bài tập đọc. Chẳng hạn khi dạy bài: Thư gửi các học sinh (Tiếng Việt 5 - tập 1), GV cần nhắc đến việc học của người Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 để HS cảm nhận được niềm hạnh phúc, tự hào về năm học đầu tiên “được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Hay với bài Ê-mi-li, con…, GV cần kể về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ đã gây ra ở Việt Nam và nhiều người dân trên thế giới đã chống đối cuộc chiến tranh này, kể cả người Mỹ. Với bài Những con sếu bằng giấy (Tiếng Việt 5 - tập 1), trước ngày dạy, GV có thể dành thời gian cuối buổi học dạy các em xếp con sếu, dặn về nhà xếp 1 con sếu thật đẹp. Hôm sau, khi bắt đầu tiết tập đọc GV hãy cho HS đem con sếu ấy để trước mặt. Bài tập đọc sẽ thật sự tạo nên xúc động đến từng em. Với bài tập đọc Lòng dân (Tiếng Việt 5 - tập 1), GV có thể chuẩn bị 1 chiếc khăn rằn, 1 cái áo bà ba của nam giới màu đen hay nâu để HS đọc vai “Bà Năm” thì quấn khăn rằn, HS đọc vai “Cán bộ” thì mặc áo bà ba. Các em sẽ tích cực đọc và đọc thật hay trước lớp khi được “hóa trang” như thế...
LÊ PHƯƠNG TRÍ
(GV Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Đổi mới phương pháp ở tiết tập đọc rất khó nhưng với sự sáng tạo, yêu nghề, nắm bắt được tâm lý HS…, GV tiểu học sẽ “vượt lên chính mình” để có được tiết tập đọc sinh động, hấp dẫn lôi cuốn như những môn học khác.