Thứ năm, 27/6/2013, 21h06

Đề thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Thí sinh phấn khởi trước đáp án môn văn

Thí sinh trao đổi sau buổi thi môn văn tại HĐT THCS Đống Đa (Q.Bình Thạnh)

Ngay sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố đáp án môn văn của kỳ thi tuyển vào lớp 10, giáo viên và thí sinh đều rất phấn khởi trước một đáp án mở, đặc biệt là ở câu 2 và câu 3.
Nhiều ý kiến cho rằng đề thi năm nay rất hay nhưng vẫn có không ít những tranh luận...
Cô Lê Thị Kiều Nga (giáo viên môn văn, Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3): Thí sinh đạt điểm không cao
Đáp án môn văn Sở GD-ĐT đưa ra rất mở, không rập khuôn, cứng nhắc, đặc biệt là ở câu 2 và câu 3 nên đã đáp ứng mong mỏi của giáo viên và thí sinh. Tuy nhiên, ở câu 1 các em khó đạt điểm tối đa bởi đề thi của những năm trước thường yêu cầu xác định người kể, ngôi kể hay tình huống truyện còn năm nay hỏi chi tiết trong một tác phẩm nên chỉ những thí sinh hiểu, thấm nhuần tác phẩm mới làm trọn vẹn. Câu 2 đưa ra hai đáp án là thí sinh có thể trả lời theo hai hướng sau: Vi phạm phương châm lịch sự (0,5 điểm), nguyên nhân: Do thiếu hiểu biết (cách dùng từ ngữ không phù hợp đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp…) hoặc không tôn trọng đối tượng giao tiếp (thiếu lịch sự, tôn trọng đối tượng giao tiếp...); vi phạm phương châm cách thức (0,5 điểm), nguyên nhân: Nói không rõ ràng, rành mạch. Đáp án này khiến thí sinh rất phấn khởi vì khi vừa thi xong các em đã tranh cãi khá nhiều giữa hai đáp án. Tuy nhiên, theo tôi, câu hỏi này vẫn chưa chuẩn xác bởi ngôn ngữ chat chỉ dùng trên văn bản chứ khi hội thoại, mọi người vẫn phát âm bình thường chứ không thể biến dạng để nói rằng học sinh đó đã vi phạm phương châm hội thoại nào được. Câu 4b làm tôi phân vân bởi hình ảnh “trái tim” trong bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính khi chúng tôi giảng dạy cho học sinh thường cho rằng đó là hình ảnh hoán dụ bởi ẩn dụ và hoán dụ đều là mượn sự vật này để nói sự vật khác nhưng hoán dụ thường lấy một bộ phận để chỉ cái toàn thể hay giữa sự việc được mượn và hình ảnh được nói đến có quan hệ gần gũi với nhau. Vì vậy, nhiều học sinh cho rằng “trái tim” là một hình ảnh hoán dụ nên đã không đưa ra hình ảnh này.
ThS. Nguyễn Thị Thùy Nhiên (giáo viên môn văn, Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1): Đáp án rất mở - cơ hội cũng mở
Ban đầu, xem một số đáp án của giáo viên, học sinh của tôi rất hoang mang, lo lắng vì các em làm chưa đúng với đáp án. Tuy nhiên, khi Sở GD-ĐT đưa ra đáp án chính thức, các em đều thở phào nhẹ nhõm vì đúng như mong muốn của các em là đề mở, đáp án cũng rất mở, rất thoáng với yêu cầu của đề thi.
Ở câu 2, đề yêu cầu xác định phương châm hội thoại đã vi phạm và nêu nguyên nhân vi phạm. Sau khi rời khỏi phòng thi, các em mang tâm trạng lo lắng vì có em làm vi phạm phương châm hội thoại lịch sự, em lại cho ra vi phạm phương châm cách thức, có em ghi cả hai đáp án. Ngay cả giáo viên cũng có tranh cãi sôi nổi về hai phương châm này bởi nếu nhìn về hình vẽ minh họa với một ông bố tỏ ra không hiểu khi con dùng ngôn ngữ chat để nói chuyện sẽ hướng về vi phạm phương châm cách thức, còn nếu nhìn về nội dung câu hỏi là một học sinh giao tiếp với người lớn thì lại vi phạm phương châm lịch sự. Khi đáp án của Sở GD-ĐT đưa ra là thí sinh có thể trả lời theo một trong hai hướng trên thì có thể nói các em rất vui và phấn khởi.
Câu 3 là một câu hỏi thuộc văn nghị luận xã hội rất hay, xúc động lòng người, mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, đề thi khá mở, đề cập khá nhiều khía cạnh. Mỗi thí sinh tùy vào khả năng nhận thức, phân tích, cảm nhận mà có thể tự do trình bày suy nghĩ của mình. Đáp án đưa ra rất thoáng, linh hoạt chứ không cứng nhắc, rập khuôn đó là cho phép thí sinh có thể lựa chọn các vấn đề khác nhau để bàn luận nhưng cần gắn với văn bản đề bài đã cho. Điều này làm cho người chấm thi khá thoải mái, không bị gò bó bởi cho điểm cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cách lập luận, diễn đạt, triển khai ý tưởng và phải bảo đảm đúng bố cục của một bài nghị luận xã hội.
Ở câu 4, thí sinh có thể chọn một trong hai câu a hoặc b. Ở câu 4a, đáp án cũng rất thoáng, chỉ cần các em tập trung phân tích hình ảnh, từ ngữ, các biện pháp nghệ thuật trong hai khổ thơ của Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) và Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)để làm nổi bật tình cảm yêu nước của con người Việt Nam trong chiến đấu với ý chí quyết tâm và niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tươi sáng; lòng nhiệt thành cống hiến xây dựng đất nước khi hòa bình… Hoặc các em có thể tổng hợp những điểm giống và khác nhau giữa hai khổ thơ về nội dung và nghệ thuật. Câu 4b, đáp án đòi hỏi thí sinh phải biết chọn lọc và phân tích để làm rõ tính đa nghĩa, hàm súc của các hình ảnh ẩn dụ đặc sắc trong hai khổ thơ trên. Với đáp án này, cơ hội điểm cao cho các em có kỹ năng làm bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ tốt sẽ rất nhiều.
Bài, ảnh: Dương Bình