Thứ sáu, 11/2/2011, 15h02

Diễn đàn “biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Học sinh cần được tạo dựng niềm tin

Giáo viên phải xây dựng được ý thức, tạo dựng niềm tin cho học sinh. Ảnh: N.Anh
Muốn có được kết quả giáo dục như mong muốn thì phải có quá trình, người thầy phải kiên trì, nhẫn nại chứ không thể “đốt cháy giai đoạn” trong một sớm một chiều. Sự nóng giận rất dễ hỏng việc, vì vậy thầy cô luôn bình tĩnh và đặc biệt là không đánh mắng học trò, bởi đó là điều cấm kỵ nhất.
Quan niệm HS tiểu học hay THCS có thể trách phạt bằng roi để cho các em sợ cũng là một suy nghĩ sai lầm. Chúng ta giáo dục phải tùy thuộc vào từng đối tượng vì mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Do đó, giáo viên chủ nhiệm là linh hồn của cả lớp nên phải hiểu các em hơn ai hết, làm sao để các em tâm sự trò chuyện, trải lòng với mình. Kinh nghiệm cho thấy giáo viên nào hay la mắng, chửi rủa thì các em lại càng tránh xa, hố khoảng cách giữa thầy và trò khó có thể lấp đầy. Tâm lý của các em là “ai thương mình thì mình thương lại hết mình” và ngược lại. Nhất là các em cá biệt thường hay mặc cảm, tự ti và sống khép kín. Đuổi học là chuyện ngoài ý muốn của nhà trường nhưng đó không phải là giải pháp cuối cùng vì có em “được nghỉ học” lại rất mừng. Thầy cô phải tìm cơ hội và dìu dắt các em vượt qua những lần vấp ngã để cố đứng dậy theo kịp bạn bè. Không chỉ phê bình hay khiển trách, giáo viên cần lấy dư luận tốt để tuyên dương giúp các em tự khẳng định được mình. Ai cũng biết có 12 phương pháp giáo dục HS cá biệt nhưng chúng ta phải biết “tùy cơ ứng biến” chứ không nên theo “giáo trình” một cách cứng nhắc.
Hiện nay đúc kết lại, HS có hai vấn đề chưa xác định được. Thứ nhất là giá trị cuộc sống. Đó là mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội thể hiện qua tình cha con, tình mẹ con, tình bạn... Rộng hơn là tình đời, lòng nhân ái, tính nhân đạo. Thứ hai là niềm tin cuộc sống. Có em không xác định được năng lực của chính bản thân mình, chưa tìm được chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời mình, thiếu xác định tương lai, lý tưởng và tiền đồ mà nguyên nhân chính là do cha mẹ không tạo dựng được cho con cái. Các em như cây non mới lớn thiếu ánh sáng mặt trời thì làm sao đủ sức vươn lên để chống chọi với sương gió. Những gia đình cha mẹ ly tán thì các em lại chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Nếu không có thầy cô định hướng các em dễ bị thất vọng, hoài nghi trước cuộc đời. Do suy nghĩ bồng bột nhất thời nên các em dễ bị vi phạm và nhanh chóng trở thành HS cá biệt.
Giáo viên chủ nhiệm như người thuyền trưởng phải xây dựng ý thức, tạo dựng niềm tin và giá trị cuộc sống cho HS. Trên nền tảng đó, chúng ta mới “họa” được phương pháp mục tiêu giáo dục. Đôi lúc trên đường đi chúng ta phải dừng chân lại nhìn xem kết quả tới đâu, dù thành công hay thất bại cũng nên đi tiếp chứ không được buông xuôi. Bài học này cũng phải được gieo vào lòng HS. Các em đang thiếu kỹ năng sống. Vì thế thầy cô phải thường xuyên giáo dục và rèn luyện phẩm chất quan trọng này. Không để kiến thức nằm im trong sách vở mà phải được cọ xát trong thực tiễn. Đó cũng là cách để giúp các em thoát ra được những hành vi tiêu cực và những tệ nạn ngoài xã hội.
ThS. Nguyễn Công Quốc Cường
(Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm, Phú Nhuận)

Giáo viên chủ nhiệm như người thuyền trưởng phải xây dựng ý thức, tạo dựng niềm tin và giá trị cuộc sống cho HS.