Thứ hai, 4/10/2010, 16h10

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học: “Làm sao tránh đọc - chép?”: Giáo viên phải gây hứng thú học tập cho học sinh

Bí quyết thành công của mọi tiết lên lớp thời @ chính là gây hứng thú để học sinh thấy việc học không gò ép, bắt buộc, mà hoàn toàn là sự say mê thích thú. Với toán học - môn thuần tính lô gíc, khô khan, dễ nhàm chán nên việc gây hứng thú cho học sinh càng cần lắm.
Để kích thích việc tự tìm tòi suy nghĩ của học sinh trước một kiến thức mới hay tìm ra cách giải một bài toán khó rất cần đến sự tập trung suy nghĩ của tập thể, vì vậy tôi thường cho các em thảo luận theo nhóm lớn.
- Chia lớp thành 6 nhóm (mỗi nhóm 2 bàn, mỗi bàn gồm 4 em), sau khi suy nghĩ trong thời gian cho phép, các em cử một bạn lên thuyết trình. Để động viên những học sinh yếu mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ tôi thường cộng điểm cho những nhóm có em chưa giỏi lên nói. Như vậy các nhóm phải giúp bạn này tự nâng trình độ và tự tin thêm mỗi lần được lên thuyết trình. Với những bài tập rèn kĩ năng vẽ hình hay kĩ năng giải một dạng toán cơ bản, tôi cũng cho các em thảo luận nhóm. Song để việc kiểm tra sâu sát, tôi chỉ cho các em thảo luận nhóm đôi. Để việc học nhóm có kết quả tôi luôn xếp em học yếu cạnh em học giỏi. Chính phương pháp này đã giúp các em bổ sung lẫn nhau những hiểu biết cũng như những khó khăn khi làm bài. Từ đó, học sinh có thể giải mã những thắc mắc của mình chưa cần sự giúp đỡ của thầy cô.
- Đối với lý thuyết đại số 8, tôi thường dùng phương pháp nêu vấn đề, giúp học sinh nhận thức và có hướng tìm tòi để rồi tự tin. Đôi khi có những kiến thức phải nhớ kĩ tôi cho các em luyện qua trò chơi “Luyện trí nhớ”. Ví dụ: Khi học xong bảy hằng đẳng thức đáng nhớ, để kiểm tra tư duy nhạy bén và kĩ năng áp dụng của học sinh tôi đã viết chúng ra 14 tấm bìa. Mỗi tấm bìa là một vế của đẳng thức. Sau đó mỗi dãy cử 7 em, mỗi em cầm một tấm bìa úp mặt xuống dưới. Khi có hiệu lệnh các em phải tự tìm bạn còn lại cầm vế kia của hằng đẳng thức để ghép lại cho đúng. Cứ như vậy cho đến khi cả lớp đều được chơi. Khi các em đã nắm vững, tôi thay đổi 14 tấm bìa đó bằng những bài tập vận dụng theo hai chiều xuôi ngược. Khi giải bài toán bằng cách lập phương trình để kiểm tra kĩ năng biểu diễn các đại lượng của bài toán qua ẩn và đại lượng đã biết tôi cho các em giải bài toán đố vui trong 2 phút, nếu nhóm nào làm nhanh và đúng sẽ được thưởng.
- Đối với phân môn hình học 8: đây là những kiến thức nền tảng cho việc giải các bài tập hình học lớp 9, vì vậy rất cần thiết cho mỗi học sinh. Song việc nhớ tính chất và dấu hiệu nhận biết của mỗi hình các em thường xuyên nhầm lẫn. Khắc phục vấn đề này tôi đã dùng những mô hình thực tế để hướng dẫn các em tìm ra những tính chất, dấu hiệu nhận biết. Đặc biệt khi học loại hình nào tôi đều yêu cầu các em chuẩn bị sẵn mô hình đó và mang theo. Từ các mô hình đã chuẩn bị, các em thảo luận tự tìm ra tính chất. Sau đó các nhóm cử đại diện trình bày và chứng minh. Với cách này mỗi học sinh đều học rất nhanh, hiểu rất kĩ tính chất, dấu hiệu nhận biết các hình như: bình hành, chữ nhật, hình thoi, hình vuông, và vận dụng khá nhanh vào giải các bài tập. Khi hướng dẫn các em giải bài tập hình học tôi thường dùng phương pháp phân tích đi lên, gợi mở để các em tự tìm ra nhiều hướng giải khác nhau, sau đó chọn cách giải nào ngắn nhất. Đặc biệt tôi không tiếc 1ời khen và cho điểm cộng thích đáng cho những nhóm có lời giải hay, ngắn gọn. Chính vì vậy các em rất thích khi tự chứng minh được bài tập hình tôi cho và từng bước ham thích bộ môn hình học.
Nguyễn Thị Ngọc Ánh
(GV toán Trường THCS Phạm Văn Chiêu, Q. Gò Vấp)