Thứ sáu, 5/11/2010, 14h11

Diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Những điều kiện cần và đủ?”

Mô hình trường chất lượng cao theo hướng hội nhập

Thư viện ngoài trời của Trường Tiểu học Hồ Văn Huê đã giúp cho HS được đọc sách thoải mái, không bị gò bó bởi không gian chật hẹp trong phòng. (Ảnh trường cung cấp)

Trường chất lượng cao theo tinh thần Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ là nhà trường cung cấp dịch vụ giáo dục cao, không phải là nhà trường chỉ đơn thuần chọn học sinh (HS) đầu vào cao và nâng cao cường độ lao động của thầy và trò để nâng cao chất lượng.
Dịch vụ giáo dục cao thể hiện ở thiết chế nhà trường về sĩ số ít trong lớp; tăng thời lượng học tập của HS trong trường để HS có điều kiện hoạt động, thấm nhuần và rèn luyện nhân cách, đảm bảo được 6 bậc thang tri thức trong quá trình học tập; và về phương thức đầu tư, hiệu quả giáo dục của tập thể sư phạm. Dựa vào những đặc điểm nêu trên, trường chất lượng cao có thể hiểu là trường đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về học tập, sĩ số ít HS, thời gian HS học tập… đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dựa trên các thiết chế chuẩn đó, ngành GD-ĐT Phú Nhuận đang tiến hành xây dựng mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao theo hướng hội nhập quốc tế ở hai trường đạt chuẩn quốc gia là Trường Tiểu học Hồ Văn Huê và Mầm non Sơn Ca 11.
1. Trường Tiểu học Hồ Văn Huê có sĩ số theo qui định của trường chuẩn quốc gia là 35 HS/lớp và thực hiện học 2 buổi ngày. Phòng học được trang bị bàn ghế một chỗ ngồi, bảng từ, quạt, đèn, tủ, đồng hồ và bàn ghế giáo viên. Lớp học trang trí đúng quy định. Trường có 10 lớp tiếng Anh tăng cường, để tạo điều kiện cho các lớp tiếng Anh học tốt trường đã từng bước trang bị đầy đủ ti vi, đầu đĩa, cassette và gắn máy điều hòa cho các lớp. Trường đã xây dựng 1 phòng máy vi tính với 36 máy tính tiến hành dạy tin học cho toàn thể HS từ khối 1 đến khối 5, từng bước trang bị đầy đủ máy tính phục vụ cho bộ phận văn phòng (6 bộ máy tính và có kết nối mạng ADSL giúp tra cứu thông tin cũng như đảm bảo thông tin nhanh chóng giữa phòng GD-ĐT và các đơn vị bạn). Trường đã thành lập một tổ GAĐT, có tổ trưởng triển khai lại những vấn đề đã học được tại câu lạc bộ cho các thành viên cùng nắm, cùng chia sẻ. Có bảng thông báo về hoạt động của tổ GAĐT tại trường, GV luôn xác định GAĐT chỉ là phương tiện hỗ trợ tích cực cho GV trong vận dụng phương pháp giảng dạy, không là phương pháp duy nhất để đổi mới phương pháp giảng dạy. Việc tổ chức cho HS tự tích cực tham gia các hoạt động học tập, giải quyết vấn đề để tự tìm ra kiến thức là vấn đề cốt lõi trong tiết dạy. Do đó bản thân mỗi GV phải tự nâng tầm về trình độ tin học, khả năng sử dụng trang thiết bị CNTT thành thạo để chủ động xử lý kĩ thuật, đảm bảo xuyên suốt, hợp lí cho tiến trình tiết dạy. Nhà trường thường xuyên tổ chức hội giảng, thao giảng nhằm nâng cao chất lượng giờ lên lớp; cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “tự nhiên - nhẹ nhàng - hứng thú - hiệu quả”, có thư viện ngoài trời và khu vui chơi giúp cho HS được đọc sách thoải mái, không bị gò bó trong không gian chật hẹp trong phòng. Sức chứa của 2 nhà đọc sách và khu vui chơi được khoảng 80 em. Ngoài ra sau khi đọc sách, các em có thể thư giãn bằng các trò chơi như ngồi xích đu, chơi cầu bập bênh, chơi máng trượt hoặc tập thể lực qua dàn đa năng... Qua đó các em càng yêu thích giờ ra chơi hơn, phát triển được trí lực và thể lực. Năm học 2009-2010, tỷ lệ HS khá giỏi đạt 96,9%, trong đó số HS giỏi đạt 79,1%.
2. Trường Mầm non Sơn Ca 11 mới xây dựng, khang trang, thoáng mát, kiến trúc hiện đại đẹp mắt, kiên cố, có tường bao quanh, thuận lợi cho việc đưa đón trẻ... Các phòng học được trang bị đủ đồ dùng đồ chơi, trang trí đẹp mắt, phù hợp lứa tuổi và chương trình chăm sóc giáo dục mầm non mới. Sĩ số 35 cháu/lớp theo qui định trường chuẩn quốc gia. Trường xây dựng “Trường học thân thiện - học sinh tích cực” theo tiêu chí do Sở GD-ĐT TP.HCM phổ biến, gồm: xây dựng môi trường tâm lý - xã hội, môi trường thiên nhiên, môi trường vật chất trong đó môi trường tâm lý xã hội là quan trọng nhất. GV chú trọng lắng nghe, quan sát những biểu hiện của trẻ trong khi thực hiện chế độ sinh hoạt. Tạo bầu không khí thân thiện trong nhà trường (giữa BGH - GV - CNV; GV - GV; GV - trẻ - phụ huynh). Tổ chức hoạt động thư viện của trẻ tại trường: tổ chức hoạt động vườn nghệ thuật, vẽ trang trí, trang bị bổ sung mới kệ hoạt động, sách theo chủ đề. Tổ chức cho trẻ được xem, đọc, nghe theo hứng thú bản thân. Biết thể hiện cảm xúc qua hoạt động vẽ tranh sáng tạo. Trang bị nguyên vật liệu để trẻ tái tạo nhân vật câu chuyện mà trẻ thích. Phân chia giờ hoạt động thư viện cho các lớp hợp lý. Hình thành ở trẻ thói quen lễ phép, mạnh dạn tự tin, biết cách giao tiếp và hành vi vệ sinh văn minh trong sinh hoạt, học tập và vui chơi, tự giác chào hỏi, biết quan tâm đến mọi người xung quanh, có kỹ năng hoạt động nhóm: chia sẻ, phân công phối hợp, bàn bạc... Ngoài ra còn được bổ sung cơ sở vật chất nhằm tạo cho trẻ có điều kiện tham gia các hoạt động như: vườn hoạt động nghệ thuật, vận động, sân chơi, tiểu cảnh, vườn cây của bé, góc chơi cát, nước, khu chơi vận động ngoài trời…
Qua mô hình hoạt động của hai trường trên cho thấy những điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ sư phạm, nội dung chương trình, công tác quản lý nhà trường và sự phối hợp ba môi trường giáo dục đều đạt để xây dựng trường hiện đại, chất lượng cao.
TS. NINH VĂN BÌNH
(Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận)