Thứ tư, 3/11/2010, 15h11

Diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập: những điều kiện cần và đủ”: Trường chất lượng cao phải hội đủ bốn điều kiện

Trường chất lượng cao phải được xây dựng trong khu vực có môi trường sinh hoạt rộng rãi, tập trung để có sự thu hút học sinh từ nhiều khu vực (ảnh minh họa).  Ảnh: Quang Huy

Nhằm thực hiện đổi mới trong công tác GD-ĐT giai đoạn 2010-2015, xây dựng nhà trường tiên tiến hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập, theo chúng tôi, cần hội đủ 4 điều kiện sau.
1. Đổi mới cơ chế trong hoạt động giáo dục
Thứ nhất, cần đổi mới nội dung chương trình giáo dục. Theo đó cần có một chương trình chuẩn ở các bậc học từ tiểu học đến bậc đại học với yêu cầu thực tế phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước, có sự đóng góp từ nhiều phía, ở các lĩnh vực khác nhau: kinh tế, văn hóa, xã hội… Tạo mọi điều kiện cho các nhà giáo có kinh nghiệm đóng góp cho chương trình chuẩn, đặc biệt là phải phù hợp với từng vùng miền, hải đảo, vùng sâu vùng xa. Nhà giáo được quyền lựa chọn nội dung chương trình ở mọi nguồn khác nhau để truyền tải kiến thức (cần đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong giáo dục). Thực hiện chương trình theo hướng tích hợp, chọn lựa bộ môn học phù hợp trong đó cần chú trọng đến các bộ môn: văn, toán, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, các môn còn lại theo hướng tự chọn. Thứ hai về cơ chế tiền lương cần đảm bảo yêu cầu tối thiểu về cuộc sống, sinh hoạt cho giáo viên đang thực hiện công tác giảng dạy tại các trường chất lượng cao. Thứ ba về cơ chế con người, thì hiệu trưởng nhà trường, hội đồng bộ môn của trường chịu trách nhiệm thực hiện công tác tuyển dụng đội ngũ giáo viên có tay nghề, trình độ sư phạm, tâm huyết (có sự giám sát của cơ quan quản lý cấp trên). Thứ tư là công tác xã hội hóa giáo dục: Mặc dù thực hiện mô hình chất lượng cao có sự đóng góp theo quy định chung về mức học phí, các khoản khác. Tạo điều kiện cho nhà trường có sự phối hợp với các ban ngành đoàn thể, các mạnh thường quân hỗ trợ thêm cho cơ sở vật chất, môi trường sư phạm…
2. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy - học tập của học sinh
Trước hếtvề mặt cơ sở vật chất: Mỗi phòng học cần đáp ứng yêu cầu về diện tích sử dụng cho số lượng học sinh/ lớp = 25-30, mỗi học sinh/ bàn học, dụng cụ học tập. Có đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhằm thực hiện ứng dụng CNTT, lập trang web/ lớp. Ngoài ra còn có dụng cụ, đồ dùng dạy học của tất cả các bộ môn, nhằm giúp cho học sinh, giáo viên có điều kiện thuận lợi trong gảng dạy, học tập tại lớp. Tăng cường cơ sở vật chất ở các phòng học bộ môn: nhạc, mỹ thuật, lý, hóa, sinh, công nghệ, khu TDTT đa năng… Tổ chức thêm phòng nghiên cứu khoa học cho học sinh: hóa học, vật lý, sinh học nhằm giúp cho các em có điều kiện tiếp cận với việc nghiên cứu, phát huy tính sáng tạo của học sinh, áp dụng trong thực tế đời sống. Về trang thiết bị thì phảicó đầy đủ đồ dùng dạy học theo quy định chương trình của Bộ GD-ĐT áp dụng cho tất cả các bộ môn học theo hướng tích hợp. Trang thiết bị dạy và học ứng dụng phù hợp với sự phát triển của khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó là môi trường hoạt động: trường chất lượng cao phải được xây dựng trong khu vực có môi trường sinh hoạt rộng rãi, tập trung để có sự thu hút học sinh từ nhiều khu vực.
3. Công tác giảng dạy - đào tạo
 Về lực lượng giáo viên - cán bộ quản lý: Cán bộ quản lý có đủ điều kiện theo quy định, thực hiện đúng mục tiêu giáo dục của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Năng động, sáng tạo định hướng được lộ trình phát triển nhà trường trong từng giai đoạn. Thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát trong quá trình hoạt động của đơn vị, chịu trách nhiệm về bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ sư phạm nhà trường. Riêng giáo viên giảng dạy cần có đủ số lượng, đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, phương pháp sư phạm, có khả năng hướng dẫn tổ chức việc dạy và học theo yêu cầu dạy học theo hướng hiện đại hóa, phát huy được tính tích cực của học sinh. Nguồn giáo viên hàng năm cần có chế độ chính sách bồi dưỡng nghiệp vụ, tu nghiệp ở các nước tiên tiến để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Cũng cần có lực lượng giảng dạy theo hướng chuyên ở từng bộ môn nhằm đào tạo chuẩn bị nhân tài cho đất nước. Môn đào tạo - thời gian: Chú trọng đến các bộ môn như văn - sử nhằm phát huy các giá trị lịch sử dân tộc, phù hợp với thời kỳ hội nhập đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc. Tăng cường khả năng môn tiếng nước ngoài (Anh - Pháp…) tiến tới việc thực hiện hội nhập, trao đổi văn hóa, khoa học kỹ thuật trong học sinh nhà trường với các nước trong khu vực, thế giới. Thời gian cho mỗi bộ môn 4-6 giờ/ tuần để học sinh và giáo viên có thời gian nghiên cứu học tập, các môn học còn lại tùy theo khả năng, sở thích của học sinh, lựa chọn sao cho phù hợp với sự phát triển trí não của các em.
4. Công tác tài chính, thu - chi
Cần có cơ chế rõ ràng, cụ thể, xây dựng và thay đổi theo từng năm cho phù hợp với tình hình phát triển của xã hội.
Cao Văn Đưa
(Hiệu trưởng Trường THCS Hoa Lư, quận 9)