Thứ năm, 11/12/2014, 21h12

Đổi mới cần đồng bộ, nhất quán

Muốn phát triển năng lực người học, chương trình giáo dục THCS phải hướng tới các năng lực chung cần có như tự học, tự chủ, tự quản lý bản thân... Ảnh: Anh Khôi
Theo các chuyên gia giáo dục, chương trình giáo dục THCS hiện nay vẫn còn bất cập. Cụ thể nhiều môn, nhiều bài học còn nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng thực hành cho học sinh (HS).
Tuy nhiên, một số nội dung lại ôm đồm, thiếu chắt lọc và chưa phù hợp với nhận thức HS nên không khơi gợi được hứng thú học tập của các em. Đáng nói hơn do lượng thông tin gia tăng quá mức nên gây quá tải.
Vận dụng vào thực tiễn còn khó khăn
Chương trình giáo dục THCS tuy đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người thầy vận dụng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa vai trò HS, đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá song để vận dụng vào thực tiễn vẫn còn khó khăn. Nội dung chương trình, sách giáo khoa bị “cắt khúc” không đảm bảo tính liên thông, đồng thời có sự trùng lặp một số kiến thức giữa các lớp học, cấp học và môn học. Điều kiện liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp chưa tốt làm ảnh hưởng đến kết quả phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS.
Trong lúc đó, theo các kết quả điều tra mới nhất, một tỷ lệ khá lớn giáo viên (GV) không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Cụ thể, các thầy cô không bắt kịp yêu cầu đổi mới của chương trình, sách giáo khoa và cả yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Trong khi đó lối dạy học “truyền thụ một chiều” chưa khắc phục được, chưa vận dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực. Đây là hậu quả của nội dung và phương pháp đào tạo cũ tại các trường sư phạm.
Nhìn nhận khách quan, công tác bồi dưỡng chuyên môn hàng năm cho GV hiện còn mang nặng tính hình thức, kém hiệu quả, chưa trang bị tốt kỹ năng thực hiện đổi mới giáo dục… Chính một số giảng viên trường sư phạm không vận dụng phương pháp dạy học tích cực, chưa biết sử dụng phương tiện dạy học hiện đại nên không thể là tấm gương để giáo sinh học tập và làm theo trên con đường thực hiện đổi mới giáo dục. 
Hướng tới phát triển các năng lực chung
Muốn đổi mới theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, theo tôi, chương trình giáo dục THCS phải hướng tới phát triển các năng lực chung cần có trong cuộc sống hằng ngày, gồm: Năng lực tự học; năng lực cá nhân như tự chủ, tự quản lý bản thân; năng lực xã hội; năng lực hợp tác; năng lực giao tiếp; năng lực tư duy; năng lực giải quyết vấn đề… Bên cạnh đó, việc đổi mới chương trình giáo dục THCS phải gắn liền với kế hoạch tổng thể đổi mới giảng dạy, gồm: Mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập. Phải xác định rõ mục đích, chuẩn đầu ra là cơ sở để giảm thiểu các nội dung mang nặng tính hàn lâm, tăng cường khả năng thực hành và hình thành bản lĩnh xử lý các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Song song đó, việc khảo sát, điều tra một cách chuyên nghiệp bài bản về nhu cầu của người học và nhu cầu của xã hội là việc làm cần thiết không thể bỏ qua. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo và vận dụng kiến thức kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Đặc biệt tập trung dạy cách học, cách nghĩ phương pháp tự học, khả năng hợp tác, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn… Đây là yêu cầu cao và mới mẻ. Trên cơ sở đó tạo điều kiện để HS tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng phát triển năng lực. Việc đổi mới đánh giá kết quả đào tạo phải nhằm đánh giá đúng năng lực người học. Thực hiện đánh giá đa dạng HS như quan sát, vấn đáp, kiểm tra trên giấy hay trình bày báo cáo…
Đổi mới chương trình đào tạo sư phạm
Hiện nay giáo trình giảng dạy của nhiều trường sư phạm đã lạc hậu so với đòi hỏi của nền giáo dục hiện đại. Vì thế các trường cần phải tăng cường nghiên cứu, đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo nhằm bảo đảm tính khoa học, tính hiện đại, tính dân tộc và tính thực tiễn. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy - học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức giáo dục. Sự phối hợp và chọn lọc ưu điểm của nhiều phương pháp dạy - học tích cực sẽ mang lại hiệu quả cao trong mỗi bài giảng. Thực tập sư phạm cũng là một vấn đề trong quy trình đào tạo. Sinh viên sư phạm học nghề không chỉ từ những kiến thức trên giảng đường mà còn thông qua tiếp xúc với thực tế, rèn nghề với các hoạt động thực hành, thực tập. Do đó, tôi đề nghị, công tác này cần được tăng thời lượng và nâng cao về chất lượng nhằm giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Tóm lại, cần có sự đồng bộ, nhất quán trong đổi mới phương pháp đào tạo GV, nội dung chương trình giáo dục THCS nói riêng và các cấp học khác nói chung.
TS. Ninh Văn Bình
(Nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Xây dựng cơ chế tuyển sinh riêng
Hiện nay chúng ta cần khắc phục tình trạng phân tán các cơ sở đào tạo GV bằng cách tập trung xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm, hệ thống trường sư phạm theo mục tiêu, kế hoạch đào tạo trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn những người thực sự có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm. Quá trình đào tạo sinh viên sư phạm phải quan tâm đến rèn luyện đạo đức, tăng cường tri thức và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.