Thứ ba, 7/10/2014, 22h10

Đổi mới chương trình ngữ văn: Chưa thoát khỏi phương pháp truyền thống

Giờ học môn ngữ văn của học sinh Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi
So với trước đây, chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn (NV) hiện nay đã có một số đổi mới đáng kể như tích hợp các nội dung dạy học văn học, tiếng Việt và tập làm văn vào một chỉnh thể. Không dạy các tác phẩm văn học theo trình tự thời gian mà theo thể loại (ở bậc THCS), đưa vào chương trình cả những văn bản phi hư cấu và chú trọng đến hoạt động đọc hiểu văn bản...
Tuy nhiên, những thay đổi đó chưa vượt ra khỏi triết lí và phương pháp giáo dục truyền thống để thích ứng với bối cảnh mới.
1. Trước hết cần phải xác định mục tiêu căn bản và đặc thù của môn NV ở trường phổ thông. Thế nhưng, trên thực tế chỉ có vài mục tiêu đạt được ở mức rất khiêm tốn. Vấn đề đặt ra hiện nay là thứ tự ưu tiên và con đường đi đến những mục tiêu đó. Đưa việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp lên đầu tiên không chỉ vì nó là mục tiêu quan trọng và đặc thù của môn NV mà còn vì đó là mục tiêu “mở đường” cho các mục tiêu khác. Nếu mục tiêu này không đạt được thì không có hi vọng thành công ở bất kì mục tiêu nào. Học sinh (HS) phải có kỹ năng và hứng thú đọc thì qua hoạt động đọc đó, văn học mới thật sự có tác động đối với người học. Nếu không giúp HS phát triển được kỹ năng giao tiếp thì việc dạy học NV không có tác dụng gì đáng kể. Hiện nay, chương trình NV của Việt Nam chủ yếu tập trung vào nội dung kiến thức. Việc dạy học văn học vẫn nặng về giảng giải nội dung tác phẩm, lịch sử văn học và tác giả; dạy học tiếng Việt vẫn tập trung vào cấu trúc ngôn ngữ. Chương trình quy định chi tiết nội dung cho từng cấp học và lớp học, chi tiết đến từng tác giả và tác phẩm. Và sách giáo khoa, tài liệu cụ thể hóa chương trình, như một cuốn cẩm nang dẫn đường cho tất cả: Từ các cấp chỉ đạo chuyên môn đến thầy cô giáo và HS. Tác giả và tác phẩm đã được quy định. Hệ thống các câu hỏi và những điều cần ghi nhớ đã được in sẵn trong sách giáo khoa. “Miếng cơm đã được nhai sẵn”, HS chỉ việc “đưa vào miệng”. Các em được ăn, nhưng không cảm nhận được vị ngon của món ăn. Nói theo cách của các nhà giáo dục Phần Lan: Như những con cá chết trôi theo dòng chảy của con suối.
Theo nguyên lí của giáo dục, dạy là một hoạt động làm cho quá trình học được diễn ra. Nói nhiều trong lớp mà HS không nghe, nghe mà không hiểu, hiểu mà không cảm thấy thích thú, tức là người giáo viên đang nói vào thinh không.
2. Cách dạy học NV lấy sách giáo khoa làm “khuôn vàng thước ngọc” của chúng ta chỉ tạo ra những sản phẩm được đúc từ một khuôn. Ngay cả khi cái khuôn đó có hoàn hảo đi chăng nữa thì đó cũng không phải cách dạy học đúng đắn theo quan niệm giáo dục hiện đại, vì nó biến những cá thể sinh động, đa dạng thành những con cá chết.
HS có thể học thuộc những ghi nhớ về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm văn học cùng tiểu sử của các nhà văn trong sách giáo khoa, nhưng không mấy khi được đọc kỹ lưỡng toàn bộ một tác phẩm văn học, nhất là văn xuôi và có cảm xúc thực sự khi đọc. HS có thể viết lại đúng các định nghĩa, nhận diện và phân loại chính xác các đơn vị và hiện tượng ngôn ngữ, nhưng không có thời gian thực hành các hoạt động giao tiếp. Các em không mấy khi được thảo luận (nói và nghe) về một tác phẩm mà mình yêu thích (đọc). Các bài làm văn phần lớn được HS viết theo ý tưởng gợi ý của giáo viên và các loại sách tham khảo mà các em học thuộc lòng. Giáo viên cũng không có thời gian chấm và sửa bài cho kỹ lưỡng. Kỹ năng viết một cách sáng tạo, thể hiện năng lực đánh giá, phê phán một cách độc lập của người viết bị biến thành kỹ năng học thuộc ý tưởng và cách diễn đạt của người khác và chép lại…
Việc xây dựng chương trình NV trong 12 năm học dựa trên các trục chính là những kỹ năng giao tiếp là một thách thức lớn đối với các nhà chuyên môn Việt Nam, vì xây dựng chương trình theo kiểu liệt kê các tác giả và tác phẩm văn học cần học và dàn đều các nội dung liên quan đến cấu trúc ngôn ngữ cho từng lớp là cách làm đơn giản hơn nhiều. Rõ ràng đó là một lựa chọn khó khăn cho ngành giáo dục Việt Nam, nhưng có lẽ đó là con đường duy nhất để môn NV hoàn thành được sứ mạng cao cả của nó.
3. Vậy chương trình và sách giáo khoa NV sắp tới phải cải cách theo hướng nào? Đó phải là chương trình và sách giáo khoa dành cho HS cơ hội được học trong môi trường tương tác để đạt đến những mục tiêu căn bản của môn học, chứ không phải đến lớp để nghe giáo viên giảng bài. Muốn vậy, chương trình và sách giáo khoa phải được thiết kế và biên soạn theo cách: Phần kiến thức về ngôn ngữ và văn học là hai trục bổ trợ. Những nội dung trọng tâm của việc dạy học NV đều được thực hiện thông qua các hoạt động thực hành bốn kỹ năng đó. Sự tiến bộ của HS qua từng cấp học và lớp học được thể hiện qua năng lực đọc, viết, nghe, nói ở các mức độ phức tạp và tinh vi khác nhau, chứ không phải qua hiểu biết về các giai đoạn văn học sử, tác giả, tác phẩm hay thể loại văn học.
Vì thế, các tác phẩm và đề tài được học phải làm cho HS thấy được tính thiết thực của việc học hay khơi gợi được hứng thú của các em. Muốn vậy, sách giáo khoa phải xác định một tỉ lệ thích hợp giữa các tác phẩm văn học cổ điển và văn học cách mạng với những tác phẩm đương đại, phản ánh những gì gần gũi với nhu cầu và tâm lí của tuổi trẻ ngày nay.
Như vậy, chương trình phải rất mở, có thể làm cơ sở cho việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Để nội dung dạy học thực sự gần gũi với đối tượng HS, chương trình chỉ nên quy định những nội dung tương đối tổng quát và chuẩn kiến thức, kỹ năng mà HS cần đạt sau khi học xong chương trình, không quy định chi tiết đến từng tác phẩm văn học cụ thể phải được dạy và học. Quyền lựa chọn tác phẩm văn học thuộc về tác giả sách giáo khoa, mỗi nhóm tác giả có những lựa chọn riêng của mình và tất cả đều được một hội đồng cấp quốc gia phê duyệt.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng
(Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Thay đổi chương trình giảng dạy phải đi đôi với thay đổi chương trình đào tạo
Để đào tạo giáo viên NV, từ hàng thập kỉ nay, về phương pháp giảng dạy bộ môn chỉ có những môn như: Phương pháp giảng dạy văn học sử, phương pháp giảng dạy lí luận văn học, phương pháp giảng văn, phương pháp giảng dạy tập làm văn, phương pháp giảng dạy từ vựng tiếng Việt, phương pháp giảng dạy ngữ pháp tiếng Việt. Tên gọi những môn học này đã cho thấy khoa NV của các trường ĐH sư phạm ở Việt Nam chủ yếu đào tạo những người thầy dạy kiến thức cho HS phổ thông. Sinh viên không hề được đào tạo để dạy cho HS các kỹ năng giao tiếp cơ bản, chẳng hạn họ không được học để biết dạy đọc, viết, nói, nghe khác nhau ở chỗ nào; làm thế nào để tổ chức cho HS thành các nhóm để rèn luyện các kỹ năng đó; làm thế nào để xây dựng một môi trường giúp HS có sự tin cậy lẫn nhau để mạnh dạn thảo luận những gì các em đọc được, những gì các em viết ra; làm thế nào để giúp một HS nhút nhát tự tin để phát biểu ý kiến trước các bạn trong nhóm, trước lớp học, để sau này ra đời các em có thể hùng biện trước đám đông và có khả năng thích ứng với môi trường giao tiếp quốc tế… Nếu chỉ thay đổi chương trình NV phổ thông mà không thay đổi chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm thì dù các ý tưởng thiết kế có hoàn hảo bao nhiêu cũng không thể mang lại kết quả như ý muốn vì thiếu những người thi công có đủ năng lực.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng