Thứ ba, 26/8/2014, 22h08

Đừng để văn mẫu lại “lên ngôi”

Cuối năm học 2013-2014 vừa qua, quận X. đã cho đề kiểm tra môn tập làm văn ở lớp 5 như sau: “Tả một người em mới gặp 1 lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc”. Đề kiểm tra đã làm tất cả giáo viên dạy lớp 5 bất ngờ và hết sức lo lắng. Mặc dù theo người ra đề, đây là đề có trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 - tập 2 ở tuần 33 - nhưng tất cả giáo viên dạy lớp 5 đều khẳng định đây là đề văn không phù hợp với lứa tuổi tiểu học.
Trong sách giáo khoa, bài tập làm văn ở tuần này yêu cầu học sinh được chọn lựa một trong 3 đề, đây là đề thứ 3, cũng là đề khó nhất. Thực tế, không học sinh nào chọn đề bài này và cũng không một giáo viên nào định hướng yêu cầu các em chọn đề này bởi nó quá khó. Học sinh tiểu học không thể nào nhớ nổi ngoại hình hay cử chỉ, hành động… thể hiện tính cách của một người mà các em “chỉ mới gặp 1 lần” để tả lại. Và các em phải tìm điều gì đó đặc biệt mà mình có được “những ấn tượng sâu sắc” về người được tả ấy. Các em thường chọn 2 đề còn lại rất gần gũi là “tả cô giáo hoặc thầy giáo đã từng dạy dỗ em” hay “tả một người quen ở nơi em sinh sống”. Thế nhưng, có một số giáo viên dù khẳng định đề khó nhưng vẫn “ung dung” vì đã cho học sinh chép bài tham khảo tả cô bán hàng thật thà, anh công an bắt cướp… Đến lúc sinh hoạt đáp án, giáo viên càng ngỡ ngàng hơn khi các bài văn mẫu tả cô bán hàng thật thà, anh công an bắt cướp… thì được điểm tối đa, còn những bài văn khác lại được “soi xét” từng chi tiết nhỏ để đảm bảo yêu cầu đề bài “mới gặp 1 lần” và “để lại ấn tượng sâu sắc”. Trong các bài văn được đưa ra chấm thử, bài văn của một học sinh có nội dung tả ca sĩ Mỹ Tâm khi lần đầu em được ba mẹ dẫn đi xem ca nhạc đã được tranh luận “dữ dội” giữa những chuyên viên môn tiếng Việt của phòng GD-ĐT và giáo viên khối lớp 5. Chuyên viên môn tiếng Việt chấm bài văn cho 2 điểm, còn giáo viên chấm bài cho 4,5 điểm (điểm tối đa là 5). Chuyên viên cho rằng bài văn này không đúng đáp án là “mới gặp lần đầu” bởi em ấy viết “đã từng xem nhiều lần ca sĩ Mỹ Tâm hát trên truyền hình”. “Thấy là gặp” - chuyên viên môn tiếng Việt đã khẳng định máy móc như thế. Cả hội đồng chấm thi đã phải mất nhiều thời gian để tranh luận về “thấy là gặp”. Đến độ có giáo viên phải nói: “Tuần này, tôi gặp Thủ tướng Chính phủ 3 lần. Ai hỏi gặp ở đâu, tôi trả lời gặp trên truyền hình”, câu nói ấy đã làm nhiều người đồng tình bật cười. Cuối cùng thì bài văn ấy đã đạt đúng 4,5 điểm. Đề và đáp án kiểm tra môn tập làm văn như thế khiến giáo viên băn khoăn lo lắng, vì như vậy văn mẫu vẫn là lợi thế cho học sinh khi làm bài kiểm tra. Bởi chỉ cần học bài văn tham khảo là chắc chắn bài viết đảm bảo yêu cầu của đề bài và đáp án. Tôi nghĩ, với cách ra đề và đáp án không đúng thực tế, không phù hợp với lứa tuổi tiểu học như đề văn trên, văn mẫu mãi mãi không bao giờ triệt tiêu được.
Lê Phương Trí