Thứ ba, 17/4/2012, 14h04

Giảng dạy tiếng Hoa trong nhà trường: Cần sự đổi mới nhiều hơn

Một tiết học tiếng Hoa tăng cường tại Trường Tiểu học Hùng Vương (Q.5)

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành Dự thảo đưa tiếng Hoa vào giảng dạy cho học sinh (HS) tiểu học và THCS. Đây là một tín hiệu vui đối với những ai yêu thích tiếng Hoa, đặc biệt là các em HS người Hoa.
Tuy nhiên, để thực hiện điều này thì có nhiều khó khăn trước mắt cần phải được giải quyết.
Nhu cầu học cao
Q.11 là địa bàn có đông dân cư người Hoa sinh sống, khoảng 45% dân số của quận, trong đó số HS người Hoa cũng chiếm khoảng 45% HS toàn quận. Do đó, trên địa bàn quận có đến 11 trường tiểu học và 4 trường THCS giảng dạy tiếng Hoa. Ngoài ra, quận còn mở thêm 5 trung tâm Hoa văn để đáp ứng nhu cầu học tập của các em. Tương tự, trên địa bàn Q.5 cũng có rất nhiều HS người Hoa nên số lượng tham gia học tiếng Hoa trong trường rất đông. Theo cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, hiện tại Q.5 có 919 em HS tiểu học và 552 HS THCS học tiếng Hoa trong trường. Bên cạnh đó cũng có nhiều trung tâm Hoa văn được mở ra để phục vụ nhu cầu học ngoài giờ cho HS không có điều kiện học trong trường.
Cô Hà Thị Lệ Khanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương (Q.5), cho biết: “Phụ huynh đều mong muốn cho con học tiếng dân tộc mình nhằm giúp các em phần nào biết và không quên ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc... Do đó, hầu hết phụ huynh đều đăng ký cho con em học tiếng Hoa trong trường. Những em không có điều kiện học trong trường thì đăng ký tại các trung tâm Hoa văn trong quận để theo kịp cùng các bạn”.
Việc giảng dạy môn tiếng Hoa trong nhà trường đã được ngành giáo dục thành phố tổ chức khá lâu, dựa trên tinh thần tự nguyện của người học. Chương trình thực hiện tương tự như chương trình tiếng Anh tăng cường, theo đó các em HS được học 8 tiết/tuần, điểm số được đánh giá vào cuối mỗi kỳ học dựa trên bốn kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết và có học bạ riêng. Theo cô Võ Ngọc Thu, kết quả điểm trên trung bình luôn đạt 100%; điểm 9, 10 chiếm đến trên 50%... Hay như Trường Tiểu học Hùng Vương, hàng năm có 5 lớp học với khoảng 200 HS thì hầu hết các em đều đáp ứng yêu cầu bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. “Dự thảo đưa môn tiếng Hoa vào giảng dạy tại các trường tiểu học và THCS là một tín hiệu vui đối với những HS có nhu cầu học tiếng Hoa, đặc biệt đối với HS người Hoa. Chương trình sẽ có sự đồng bộ, có kế hoạch, định hướng rõ ràng, cụ thể và kết quả sẽ tốt hơn nữa”, cô Hà Thị Lệ Khanh chia sẻ.
Đầu tư chưa tương xứng
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, việc dạy và học tiếng Hoa ở bậc tiểu học và THCS nhằm hình thành và phát triển năng lực giao tiếp; giúp HS nắm được những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa. Theo đó, HS bậc tiểu học bước đầu hình thành năng lực giao tiếp, chủ yếu là hai kĩ năng nghe và nói, cũng như được cung cấp kiến thức cơ bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Đối với HS THCS thì sẽ củng cố và phát triển năng lực giao tiếp, trong đó chủ yếu là hai kĩ năng đọc và viết; cung cấp kiến thức cơ sở và đặc trưng, bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách. Thông qua những kiến thức này, các em sẽ có hiểu biết ban đầu về con người, cuộc sống, văn hóa của người Hoa ở Việt Nam… Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều thầy cô dạy tiếng Hoa, hiện nay chương trình giảng dạy còn nhiều khó khăn về sách giáo khoa, dụng cụ phục vụ dạy học, đội ngũ giáo viên… gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.
Cô Hà Thị Lệ Khanh cho biết: “Hiện tại nguồn sách cũng như các thiết bị phục vụ giảng dạy tiếng Hoa tại các trường do Bộ GD-ĐT cấp. Bộ sách giáo khoa đã lâu năm rồi vẫn hai màu trắng đen, kênh hình minh họa cho bài học rất ít, thiếu sinh động, hấp dẫn. Ngoài ra, dụng cụ phục vụ giảng dạy cũng chưa nhiều, thiếu đa dạng, đòi hỏi giáo viên phải tự sưu tầm, tự sáng chế, chưa kể giáo viên và HS vẫn phải học môn nghe bằng băng cassette, điều này không tránh khỏi những trục trặc máy móc, ảnh hưởng không nhỏ đến tiết học… Khi so sánh với chương trình tiếng Anh thì các em hơi thiệt thòi. Nếu như các em có được những điều kiện học tập như môn tiếng Anh, sách giáo khoa có nhiều màu sắc, nhiều hình minh họa sinh động, đồ dùng phục vụ giảng dạy phong phú thì hiệu quả có lẽ tốt hơn”.
Trong khi đó, thầy Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11, cho rằng hệ thống giáo trình giữa bậc tiểu học và THCS chưa có sự liên thông, nguồn đào tạo giáo viên ít, tuyển lại khó vì chưa có sức hút nên đội ngũ vẫn còn thiếu. Thầy Vịnh cho biết thêm, ở bậc tiểu học các em tham gia học rất đông nhưng sang THCS thì số lượng lại giảm. “Năm vừa rồi, có khoảng 30 em HS Trường Tiểu học Âu Cơ được chuyển sang Trường THCS Chu Văn An thì chỉ còn khoảng 20 HS tham gia. Nguyên nhân là do ở THCS các em học nhiều môn hơn nên nghỉ lo học các môn khác. Trước thực trạng này, chúng ta cũng cần có những định hướng cụ thể để các em theo hết chương trình học, tránh tốn kém mọi mặt. Mặt khác, chúng ta cũng cần có những chế độ đãi ngộ, quan tâm đến đời sống tinh thần của đội ngũ giáo viên để tạo thêm động lực cho họ gắn bó với nghề hơn”, thầy Vịnh cho hay.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Bộ GD-ĐT cần có sự đổi mới về sách giáo khoa. Nguồn sách vừa đảm bảo tính kỹ thuật, mỹ thuật, vừa đảm bảo chuẩn quy định tính dân tộc; phải đảm bảo tính hiện đại để cung cấp đầy đủ kiến thức văn hóa, giá trị nhân văn dân tộc đến các em”, theo thầy Lê Nguyên Vịnh - Trưởng phòng GD-ĐT Q.11.