Thứ ba, 19/10/2010, 17h10

Giáo dục bằng trực quan - biện pháp hiệu quả nhất

Xã hội thực sự lo ngại trước thực trạng số lượng học sinh, sinh viên (HSSV) vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Theo số liệu của Bộ GDĐT, từ năm 2002-2009 có 1.110 HSSV vi phạm pháp luật.
Mới đây, Đà Nẵng đã tổ chức cho 285 em ở độ tuổi từ 12 đến 17 đã từng vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự đến tham quan Trường Giáo dưỡng số 3 và Trại tạm giam Hoà Sơn. Chuyến đi dã ngoại rất thực tế này chính là biện pháp thực tế nhất, tác động nhanh nhất đến nhận thức của các em. Diễn đàn Lao Động đã nhận được bài viết dưới đây của bạn đọc Tôn Nữ Phương Khanh (Đà Nẵng) - một người mẹ có con trai “nằm” trong danh sách “được” đi dã ngoại đầy thú vị này. Bài viết này khép lại diễn đàn với nhiều ý kiến trăn trở trước một thực trạng nhức nhối về đạo đức, lối sống của HSSV.
Dưới con mắt của mọi người, con trai tôi là một đứa trẻ hư. Là cha, là mẹ - chúng tôi thật đau lòng và đã làm mọi cách để hướng con phục thiện mà vẫn hoài công vô ích. Đã có lúc chúng tôi nghĩ quẩn chấp nhận buông xuôi, mặc cho nó cuốn theo dòng đời của cuộc sống. Bất ngờ, anh công an khu vực đến thông báo con tôi có tên trong danh sách chuyến đi dã ngoại, tham quan Trường Giáo dưỡng số 3 và Trại tạm giam Hoà Sơn.

Chuyến đi này đã thực sự làm thay đổi cách sống trong con trai tôi, điều làm tôi ngạc nhiên nhất. Mãi sau, nghe cháu tâm sự mới thấy ý nghĩa vô cùng thiết thực của chuyến đi dã ngoại này, tận mắt nhìn thấy cuộc sống sau song sắt, sau những bức tường và sự kiểm soát chặt chẽ của các chú công an và được nghe những lời thú nhận đầy muộn màng của những người đã sa chân vào vòng lao lý mới thấm thía được lỗi lầm do chính mình đã gây ra.

Trò chuyện với các cháu sau chuyến đi dã ngoại đó, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng - đã nói: “Trừng phạt là biện pháp cuối cùng, bất đắc dĩ. Vì vậy, tôi tin rằng, qua chuyến đi này có nhiều em sẽ thay đổi tâm tính, sáng suốt lựa chọn con đường đi cho mình. Đó là con đường hướng thiện, làm lại cuộc đời, đi học, đi lao động để kiếm tiền bằng mồ hôi và công sức của chính mình...”.
Tôi thấy đây là một kinh nghiệm hay, rất mới, rất hiệu quả để giáo dục trẻ chưa ngoan, nhiều địa phương nên học cách làm này của Đà Nẵng.
Những vụ nữ sinh đánh nhau với hành vi rất côn đồ và dã man, phải nhận thức rằng tính bạo lực đã nhen nhóm trong tâm tính các em, nếu chỉ là đánh nhau kiểu học trò thì không thể có hành vi đánh đập dã man và làm nhục bạn bằng cách lột áo. Các em không phải là không ý thức được hành vi của mình.
Hiện nay, trong chương trình các lớp ở cấp học phổ thông thường tổ chức cho HS đi dã ngoại tham quan các di tích, thắng cảnh là rất cần thiết, nhưng những chuyến đi dã ngoại mà điểm đến là các trường giáo dưỡng, trại tạm giam (đối với HS từ 14 tuổi trở lên) cũng cần thiết không kém. Các em sẽ có ngay những bài học thực tế từ cuộc sống; ý thức và có trách nhiệm với chính mình, với xã hội, với cộng đồng. Tôi tin, những bài học được rút ra từ những chuyến dã ngoại mà điểm đến là các trường giáo dưỡng, trại tạm giam sẽ... giảm dần con số vi phạm pháp luật trong HSSV. Các sở GDĐT nên làm theo mô hình của Đà Nẵng.
Theo Lao Động