Thứ ba, 4/8/2009, 16h08

Giáo dục ĐBSCL: Bao giờ thoát khỏi “vùng trũng”? - Bài 1

Giáo dục ĐBSCL vẫn là “vùng trũng” so với mặt bằng cả nước. Vấn đề này đã được đề cập cách đây gần 10 năm. Sau đó, Chính phủ đã có những cơ chế, chính sách đầu tư cho ngành giáo dục ĐBSCL, với mong muốn sẽ đuổi kịp các vùng, miền khác. Bộ mặt giáo dục ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những chuyển biến đó vẫn chưa đưa ngành giáo dục ĐBSCL thoát khỏi “vùng trũng”!? Cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên và tình trạng học sinh bỏ học vẫn là những vấn đề trăn trở của vùng!
Đến nay, tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học của ĐBSCL vẫn cao hơn bình quân cả nước. Có nhiều lý do để HS bỏ học như: hoàn cảnh gia đình, học lực kém, chương trình giảng dạy nặng… Song, khi đi vào thực tế vẫn còn nhiều lý do khác, một số vấn đề phải bàn để truy tìm “gốc” của việc HS bỏ học?

Học sinh ở U Minh Hạ - Cà Mau vất vả đến trường

Học sinh ngồi “nhầm” lớp
Theo báo cáo từ các địa phương về số HS phổ thông bỏ học trong năm học 2007-2008 ở vùng ĐBSCL là 3,1%, trong khi tỷ lệ bình quân chung cả nước là 1,37%. Tình trạng đáng báo động ở đây là HS “học càng cao, bỏ học càng nhiều”.
Năm học 2008-2009, Trường Trung học phổ thông (THPT) Đức Trí, thị trấn Tân Châu – An Giang ghi nhận HS bỏ học: 58/638 HS, tỷ lệ: 9,09%. Trong đó, khối 10: 47 HS, tỷ lệ: 14,24%.
Nguyên nhân nghỉ học được nhà trường “đúc kết”: Lượng kiến thức trong chương trình nặng, giáo viên còn ít thời gian để củng cố kiến thức cho HS. Đa số HS nghỉ học thuộc diện gia đình ít quan tâm việc học của con em mình, không cương quyết cho con đi học, bản thân HS thiếu ý chí học tập. Phần lớn HS “hổng” nhiều kiến thức - mất căn bản từ các lớp dưới, không theo kịp chương trình nên chán nản bỏ học. Một số giáo viên thiếu linh hoạt trong giảng dạy, chưa quan tâm lôi cuốn HS trong tiết dạy, còn để HS yếu kém “ngồi bên lề lớp học”!?
Cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi về Hồng Ngự (huyện biên giới vừa mới chia tách của tỉnh Đồng Tháp) cùng thời điểm nước lũ đang lên. Bà Lê Thị Yến - Trưởng Phòng Giáo dục huyện cho biết: “Lo ngại nhất vẫn là tình trạng HS trung học cơ sở (THCS) bỏ học giữa chừng, luôn cao hơn ở bậc tiểu học. Nguyên nhân chính là do gia đình nghèo khó, HS học yếu kém. Không ít phụ huynh quan niệm: Con cái đến tuổi lao động, đi làm việc phụ giúp gia đình, không cần đi học đến nơi đến chốn. Năm học 2008-2009, toàn huyện có 159 HS bỏ học. Nếu ngành giáo dục huyện và các trường học, địa phương không nỗ lực vận động tạo điều kiện, số HS bỏ học sẽ nhiều hơn. Xã cù lao Phú Thuận - Hồng Ngự trong năm học 2008-2009 có 27 HS bỏ học (cao nhất huyện). Lần theo danh sách tìm hiểu gia cảnh các HS này nhưng rất tiếc chúng tôi không gặp được 1 trường hợp nào. Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - Cao Quý Bình xác nhận: Tất cả các trường hợp này có gia cảnh nghèo khó ở địa phương và đã theo gia đình đi làm công nhân, cắt lúa mướn!? 
Đường, đò cách trở
Thật chua xót khi chứng kiến cảnh HS càng học lên cao, càng bỏ học nhiều. Tại huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp: tỷ lệ HS tiểu học bỏ học là 0,73%; THCS là 3,31%, trong khi THPT là 4,47%. Tình trạng này cũng xảy ra trên phạm vi rộng của nhiều tỉnh, thành ĐBSCL.
Ông Trần Tấn Thời, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hậu Giang cho biết: năm học 2008-2009, cả tỉnh có 2.676 HS bỏ học, chiếm 2,17%.
Kiên Giang, số HS bỏ học năm học 2008 - 2009 ở cấp tiểu học và THCS đều giảm so với năm học trước. Tuy nhiên, tỷ lệ HS bỏ học ở cấp THPT là 7,12%, tăng 0,17%. Trong tỉnh còn có trường họp HS bỏ học do không có trường!?
Tại huyện Kiên Hải, học kỳ 1 năm học 2008-2009, toàn huyện có 109 HS bỏ học. Nguyên nhân HS bỏ học do nhà nghèo, đi làm ăn xa. Tuy nhiên, dù gia đình có đủ điều kiện cho HS đi học, nhưng phải bỏ học vì… không có trường. Kiên Hải có 23 đảo, nhưng chỉ có duy nhất 1 trường cấp 3 đặt tại thị trấn Hòn Tre. Nhiều em HS ở các xã đảo như: Nam Du, An Sơn khi học hết cấp 2 phải ra đảo Hòn Tre học tiếp cấp 3.
Ông Nguyễn Khải Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Kiên Hải cho biết: “Trong số 23 đảo thì 14 đảo có người sinh sống. Ở một số đảo chỉ có vài hộ dân nên việc mở trường sẽ tốn kém. Nên các em ở những nơi này sẽ gặp khó khăn về việc đi lại vì xa trường”.
Còn tại Cà Mau, nhiều gia đình nghèo không tiền để lo cho con em đi học, trong đó có chi phí tiền đò khá lớn buộc nhiều HS phải nghỉ học nửa chừng, bỏ dở dang con đường học vấn. Trong năm học 2008 - 2009, hơn 400 HS phổ thông bỏ học vì gia đình nghèo không lo nổi tiền đò cho các em.
Đò là phương tiện đến trường của học sinh vùng lũ ở ĐBSCL.
Bỏ gì thì bỏ nhưng không bỏ... game!
Những nguyên nhân bỏ học phổ biến được đúc kết: HS có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu, đường đi học trắc trở… Song, gần đây lại xuất hiện một nguyên nhân bỏ học mới cũng đáng lưu tâm là nghiện game!
Xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có nhiều HS bỏ học vì nghiện game là một điển hình! Trường hợp em C.T.D học đến lớp 11 phải nghỉ học. Khi gia đình phát hiện, em này đã chơi game suốt 1 học kỳ mà không đến lớp! Tương tự một số HS tại Trường THCS Long Bình phải nghỉ học do nghiện game. Theo lời kể của một gia đình có con học đến lớp 6 nghỉ học, gia đình giận và dùng đến biện pháp “trấn nước” nhưng em này vẫn “lì đòn tuyên bố”: Bỏ gì thì bỏ nhưng không thể bỏ game!
Hiệu trưởng Trường THCS Long Bình, Võ Văn Tài lo lắng: Hiện bán kính khoảng 2 km có đến 5 điểm chơi game. Có HS vừa thi một môn xong đã chạy ra điểm chơi game. Đến môn thi thứ 2, đích thân thầy hiệu trưởng phải ra điểm chơi game “lôi” cậu HS này vô thi!?
Theo thầy Tài, T. là một HS chăm ngoan từ lớp 6 nhưng đến lớp 8 nghiện game nặng. Gia đình phải cho em T. (dù là con 1, gia đình khá) nghỉ học vì sợ em này sinh tật “trộm cắp” để lấy tiền chơi game!?
Một nguyên nhân được đưa ra khi lý giải về tình trạng HS bỏ học hiện nay, có yếu tố môi trường xung quanh trường học: Hàng quán và các dịch vụ ngoài nhà trường lôi kéo HS trốn học, ảnh hưởng kết quả học tập, dẫn đến bỏ học. Song, cũng có ý kiến cho rằng: Một trong những nguyên nhân “góp phần” làm HS bỏ học là do “căn bệnh thành tích” kéo dài nhiều năm và hiện nay là một phần hệ lụy…! 
C.PHONG – B. ĐẠI – L. CHINH (SGGP)