Thứ hai, 21/9/2009, 14h09

Giáo viên “chạy” theo sách giáo khoa: nên hay không?

Cần loại bỏ lối dạy “thầy đọc, trò chép” trong trường học
Chấm dứt tình trạng dạy học theo hình thức “thầy đọc- trò chép” trong các trường THCS và THPT là một biện pháp rất đúng đắn của ngành giáo dục nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học. Rất được sự đồng thuận của nhiều người hiện đang công tác trong và ngoài ngành giáo dục. Những năm gần đây chất lượng giáo dục ngày càng giảm sút thật sự là nỗi lo lắng không chỉ cho các cấp lãnh đạo của ngành giáo dục mà còn là sự trăn trở của thầy cô giáo, những người đã dành hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người mong sao các em học sinh được trang bị kiến thức cần thiết làm hành trang bước vào đời.
Quả thật với cách dạy “thầy đọc- trò chép” thì học sinh hoàn toàn bị động, các em không biết phát huy sự sáng tạo của mình. Với cách dạy này thì trên lớp chỉ có thầy làm việc còn học sinh thì chỉ tiếp thu một cách thụ động, đôi lúc thầy dạy lỡ nói nhầm, nói sai các em học sinh cũng không biết. Cách dạy này khá phổ biến trong trường học vào những thập niên trước đây nhưng càng ngày thì nhiều người càng nhận ra những bất cập trong cách dạy thiếu sáng tạo này. Thật ra nhiều giáo viên đã bỏ lối dạy lạc hậu này từ lâu chứ không phải đợi đến khi Bộ GD-ĐT loại bỏ lối dạy này bắt đầu từ năm học này. Những năm trước đây khi giáo viên chưa dạy theo phương pháp mới “lấy học sinh làm trung tâm” thì nhiều giáo viên đã phát huy tối đa sự tư duy của học trò tại lớp học bằng cách dạy đàm thoại, gợi mở nghĩa là người dạy sẽ đặt nhiều câu hỏi để học sinh trả lời và tự lĩnh hội được kiến thức. Với cách dạy này thì học sinh dễ hiểu bài tại lớp và các em nhớ bài rất lâu.
Nguyễn Thanh Dũng (Long An)
Lấy người học làm trung tâm
Cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về phương pháp dạy-học và cũng có ý kiến có nên áp dụng phương pháp dạy-học tích cực hay không? Nói một cách thật khái quát, có thể xem phương pháp dạy học tích cực là phương pháp khơi dậy, phát huy tính chủ động, sáng tạo và tích cực của cả người dạy và người học, trong đó lấy người học làm trung tâm trên cơ sở phát huy vai trò định hướng, tổ chức của người thầy, vai trò thực hiện, thi công của trò… Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực không phải là công việc dễ dàng. Để việc đổi mới phương pháp này thành phổ biến và có hiệu quả cần vượt qua rào cản hạn chế về nhận thức trong quan niệm về dạy-học. Lâu nay chúng ta cho rằng, dạy học chủ yếu là nội dung, mục đích của dạy-học chủ yếu là rèn trí nhớ chứ không phải rèn trí thông minh. Bên cạnh đó là sự ngại thay đổi thói quen, ngại học tập, ứng dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhất là ở đội ngũ cán bộ cao tuổi. Ngoài ra, về cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện nay còn hạn chế cũng cản trở việc đổi mới cách dạy và học. Do đó, muốn đổi mới phương pháp dạy-học theo hướng tích cực hóa chúng ta phải có lộ trình, giải pháp áp dụng phương pháp dạy-học tích cực: phải đổi mới tư duy. Từ đó tạo nên sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động.
Hoàng Hà