Thứ sáu, 12/11/2010, 14h11

Học cụ quan sát thiên văn

Bản đồ sao di động

Nhằm theo kịp với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, từ năm 2002, Bộ GD-ĐT đã bắt đầu cho dạy thử nghiệm chương trình Thiên văn ở lớp chuyên lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Và gần đây, môn thiên văn đã có mặt trong chương trình tự chọn các lớp thuộc ban khoa học tự nhiên. Lúc đầu những người trực tiếp phụ trách bộ môn này đã gặp rất nhiều khó khăn trong giảng dạy nhưng đã khắc phục được nhờ sáng kiến ra những học cụ. Đó là những giáo cụ không thể thiếu như bản đồ sao (dựa theo bản đồ của Tạp chí khoa học Mỹ National Geographic), đồng hồ mặt trời, mô phỏng thiên cầu, chương trình vi tính minh họa cho chuyển động của trái đất quanh mặt trời và của mặt trời trên 12 cung hoàng đạo.
Bản đồ sao do nhóm HS chuyên lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên hưu trí Nguyễn Thành Tương. Thầy Nguyễn Thành Tương cho biết, sở dĩ phải làm bản đồ sao di động vì bản đồ sao gốc vốn có tính chuyên nghiệp cao nhưng lại rất khó sử dụng. Dựa vào hướng dẫn trong sách bài tập thiên văn, chúng tôi đã thực hiện một bản đồ sao di động dùng cho TP.HCM và một số địa phương lân cận. Tiện dụng của bản đồ sao di động là bất cứ ai yêu thích khám phá thiên văn cũng có thể sử dụng, dù chưa hiểu biết gì về lĩnh vực này.
Bản đồ sao di động có kích thước nhỏ gọn, được chia thành hai phần: phần ruột và phần vỏ. Phần ruột là một đĩa tròn hai mặt có in hình các chòm sao trên bầu trời đêm của thiên cầu Bắc và thiên cầu Nam. Đĩa này có thể xoay quanh một trục quay đi qua hai thiên cực Bắc và Nam. Phần vỏ ngoài là một vỏ bọc hình vuông có khoét lỗ hổng để lộ ra bầu trời đêm có thể quan sát được vào một thời điểm nào đó và ban đêm trong bất kỳ ngày, tháng, năm nào.
Người sử dụng chỉ cần xoay đĩa di động sao cho vạch chỉ ngày, tháng, năm cần quan sát trùng với vạch chỉ giờ cần quan sát ghi trên phần bìa. Sau đó đưa bản đồ lên đối diện trước mặt. Nếu là mặt Bắc của bản đồ ta quay mặt (bản đồ) về hướng Bắc, nếu là mặt Nam thì ta quay mặt về hướng Nam.
Tác giả của đề cương tóm tắt bản đồ sao di động được Ban tổ chức Hội nghị Thiên văn quốc tế IAC-International Astronautical Congress (trụ sở tại Paris) mời báo cáo tại IAC lần thứ 58 được tổ chức tại Hyderabad - Ấn Độ vào năm 2007.
Phương Đan