Thứ năm, 31/7/2014, 09h07

Học trung cấp chuyên nghiệp ra không có việc làm?

Thực trạng các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) không tuyển sinh được đã trở thành điểm nóng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chuyên nghiệp năm học 2014 - 2015 diễn ra ngày 30-7 tại Hà Nội.

Học viên hệ trung cấp khoa CNTT Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm trong giờ học về Photoshop. Ảnh: MAI HẢI

Khó tuyển sinh

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng một trong nguyên nhân khiến những năm gần đây, hệ TCCN khó tuyển sinh là vì nằm cùng trên địa bàn, có quá nhiều cơ sở TCCN, đồng thời có nhiều trường trung cấp nghề có ngành đào tạo gần với ngành của TCCN. Trong khi đó, tâm lý của đại đa số phụ huynh đều muốn con em mình được học đại học hoặc cao đẳng. Do vậy tuyển sinh của các trường không đạt chỉ tiêu, chỉ chiếm 68% số chỉ tiêu được giao. Do không tuyển sinh được người học nên các trường không có kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên, xây dựng giáo trình…

Còn ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM lý giải, số lượng và quy mô các cơ sở đào tạo TCCN ở TPHCM năm vừa qua có tăng nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Chưa có chính sách thu hút các nhà đầu tư an tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại có tình chiến lược lâu dài, cơ sở đào tạo của các trường ngoài công lập phần lớn phải đi thuê, chắp vá nên tính hấp dẫn người học chưa cao. Ngoài ra, có một nguyên nhân quan trọng mà các địa phương cũng chỉ ra, đó là công tác phân luồng học sinh sau THCS chưa tốt, đầu tư cho TCCN chưa tương xứng… Thêm vào đó, do yếu tố khách quan, do khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp trong những năm vừa qua gặp nhiều khó khăn về sản xuất nên không có nhu cầu tuyển dụng. Học sinh sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm nên công tác tuyển sinh TCCN gặp rất nhiều khó khăn.

Giải thích về tình trạng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, việc khó tuyển sinh TCCN trong những năm vừa qua đòi hỏi phải có sự đổi mới ở hệ học này. “Hiện nay, không có cơ chế chính sách hoặc văn bản nào gây khó khăn cho các hoạt động và tuyển sinh của các trường TCCN. Một số trường TCCN cho rằng vì mở rộng các trường ĐH-CĐ nên làm cạn nguồn tuyển sinh TCCN, điều đó không đúng vì vẫn còn một số lượng rất lớn học sinh có nhu cầu học TCCN sau khi tốt nghiệp THCS mà các trường chưa tiếp cận được”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường đại học đến năm 2017 kết thúc đào tạo TCCN. Đến năm 2015 một số trường đại học bắt đầu chấm dứt tuyển sinh hệ TCCN. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cũng không nên hy vọng khi các trường đại học không tuyển sinh TCCN thì số lượng học sinh đó sẽ vào TCCN nếu các trường TCCN không có cải thiện chất lượng học tập.

Có việc làm sẽ thu hút người học

Nhu cầu học TCCN là rất lớn nhưng cần quan tâm đến vấn đề việc làm sau khi ra trường, để thu hút học sinh theo học TCCN. Ngoài ra, các trường TCCN không chỉ nhắm vào học sinh THPT vì nếu thế thì sẽ trùng đối tượng tuyển sinh với các trường ĐH-CĐ mà cần tập trung vào số lượng lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có nhu cầu tìm việc làm ngay. Ngoài ra, cần phải gắn kết với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để giúp học sinh sau khi tốt nghiệp có được việc làm. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: “Nếu có việc làm ngay thì người học sẽ tự tìm đến trường đó, bất kể là trung cấp hay cao đẳng, đại học”. Dẫn chứng cho điều này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Trường Trung cấp Y tế của Bệnh viện Bạch Mai, sau khi ra trường các em đều có việc làm nên số lượng đăng kí vào trường này rất đông, tỷ lệ chọi còn cao hơn cả Đại học Y Hà Nội. Như vậy, việc gắn kết với doanh nghiệp, với các cơ sở sản xuất là sự sống còn của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp.

Với thực tế khó tuyển sinh hiện nay, nên nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm học 2014 - 2015 là tập trung mọi nỗ lực để thu hút học sinh vào các trường chuyên nghiệp, kể cả đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Đồng thời đổi mới quản lý ở các cấp trong hệ thống, xây dựng và hoàn thiện chương trình, giáo trình theo hướng phát triển năng lực, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương phải sắp xếp lại hệ thống các trường TCCN, cần đầu tư trọng điểm để phát triển một số trường, tạo những thương hiệu uy tín.

LÂM NGUYÊN

(SGGP)