Chủ nhật, 16/6/2013, 22h06

HS đánh giá GV: Nên không?

Câu hỏi đưa ra phải thật khéo

Việc học sinh đánh giá giáo viên ở cấp học nào cũng cần nhưng phải tùy theo từng mức độ khác nhau (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: A.Khôi
Đừng nên coi học sinh (HS) đánh giá giáo viên (GV) là việc xúc phạm đến người thầy. Trong quá trình dạy học thầy sẽ hiểu trò hơn và ngược lại trò cũng biết thầy nhiều hơn. Đây sẽ là một trong những căn cứ để GV nhìn lại mình, nhất là về phương pháp giảng dạy và tác phong đạo đức.
Giáo Dục TP.HCM đã ghi lại ý kiến của GS.NGND Hoàng Như Mai xung quanh vấn đề này:
Theo tôi, việc HS đánh giá GV ở cấp học nào cũng cần, điều quan trọng là tùy theo từng mức độ khác nhau. Ở các trường công lập hoạt động này chưa phổ biến nhưng trong hệ dân lập, tư thục hầu như trường nào cũng thực hiện. Để tìm hiểu kỹ tình hình dạy học của GV, ban giám hiệu nhà trường đưa ra phiếu điều tra đánh giá từng GV một. Thường một năm tổ chức hai lần, mỗi lần vào cuối học kỳ trong năm học. Các câu hỏi đặt ra dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm để các em lựa chọn và đánh dấu phù hợp vào. Ví dụ như: Mức độ hiểu bài là bao nhiêu phần trăm? Có các đáp án lựa chọn như: 30%, 50%, 70% và 100%. Ngoài ra có thể có những câu hỏi hay đề mục các em tự ghi lại ý kiến của mình. Bất kỳ câu hỏi nào cũng phải đưa ra thật khéo léo để HS trả lời dễ dàng, chứ đừng đưa ra những câu hỏi mà các em không trả lời được hoặc trả lời theo ý chủ quan.
Có hai điều lưu ý cần tránh đối với người đặt câu hỏi đánh giá. Thứ nhất, HS sợ thầy nên không dám trả lời. Thứ hai, trả lời ẩu làm thầy tự ái có khi xúc phạm đến GV dù cho câu trả lời đó có thể đúng hoặc có thể sai. Phải làm sao để cho câu trả lời của các em luôn được khách quan, trung thực và chính xác. Muốn vậy chúng ta nên có những câu hỏi dạng câu này kiểm tra câu kia, câu sau đánh giá độ chính xác của cả câu trước. Phải dựa vào tình hình lớp và đối tượng để đặt câu hỏi. Câu hỏi đưa ra cũng tùy thuộc vào từng bộ môn, từng cấp học. Để giúp HS trả lời thành thực thì câu hỏi đánh giá phải dễ hiểu, tránh các câu hỏi tuyệt đối hóa, có nhiều cách hiểu khác nhau. Cũng không cần các em trả lời hết những câu hỏi mà có thể bỏ trống những câu trả lời các em khó đánh giá. Thường phiếu đánh giá có thể để các em tự ghi tên hoặc không ghi tên HS trả lời giúp các em bớt ngại ngùng. Phiếu thăm dò HS chỉ là một cơ sở để nhà trường tham khảo chứ không phải dựa hoàn toàn vào đây. Bởi vì có những câu trả lời hoặc ý kiến chưa hẳn là các em đánh giá đúng thực chất của vấn đề. Có khi HS trả lời không hiểu bài là không phải do GV trình độ yếu mà dạy kiến thức quá cao, nặng tính hàn lâm, chưa phù hợp với đối tượng người học. Cũng có thầy dạy đúng trình độ HS nhưng phương pháp truyền thụ thiếu sinh động, không gắn kết với đời sống nên làm cho các em khó hiểu, chưa hứng thú học tập. Qua các kênh thông tin này, GV biết được hạn chế của mình để điều chỉnh lại phương pháp dạy học tốt hơn và có hiệu quả cao hơn.
Không phải bao giờ có phiếu điều tra cũng nên xử lý ngay các tình huống mà tốt nhất là để cho GV suy nghĩ và tự đánh giá lại mình. Cũng có những câu trả lời của HS làm GV tự ái nhưng ban giám hiệu nhà trường không nên hoàn toàn dựa vào căn cứ đó để đánh giá GV, phải tìm hiểu những lý do khách quan khác. Những trường hợp đó là do cách đưa ra câu hỏi không khéo léo hoặc các em trả lời vô thưởng vô phạt.
Cũng không loại trừ trường hợp GV quá nghiêm khắc nên HS đánh giá không đúng thực chất người thầy nhưng chắc chắn số lượng đó không nhiều. Phải làm sao để các em có được câu trả lời đúng nhất và thực chất. Muốn vậy - như trên đã nói - các câu hỏi đưa ra phải thật khéo, cân nhắc lựa chọn kỹ. Có như vậy việc HS đánh giá GV mới có tác dụng theo chiều hướng tích cực.
Phan Ngọc Quang (ghi)
LTS: Sau bài viết HS đánh giá GV: Còn đó chút băn khoăn đăng trên số báo ngày 7-6-2013, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Để rộng đường dư luận, Giáo Dục TP.HCM mở diễn đàn về vấn đề này với tên gọi HS đánh giá GV: Nên không?. Kính mời bạn đọc tham gia ý kiến chia sẻ về vấn đề này. Bài viết xin gửi về địa chỉ: 300 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3 (TP.HCM) hoặc email: tantruc_tg@yahoo.com.