Thứ bảy, 7/3/2015, 10h03

Ì ạch tự chủ khoa học - công nghệ

10 năm kể từ khi có nghị định 115 về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đến nay vẫn còn 154/642 tổ chức chưa được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ. 

Một nhóm khởi nghiệp làm việc tại Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM, một trong các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động tự chủ theo nghị định 115 - Ảnh: N.A.Thi
Ngày 6-3, Ủy ban Khoa học và môi trường Quốc hội phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết trong 488 tổ chức được phê duyệt đề án tự chủ có 295 tổ chức thuộc loại hình tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, 193 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước được ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động phương thức khoán.
Không dám tự chủ vì ngại
Năm 2014, một số tổ chức có toàn bộ doanh thu từ hợp đồng nghiên cứu như Viện Dầu khí VN đạt doanh thu 601 tỉ đồng, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp với 712 tỉ đồng...
Do nguồn thu cao nên thu nhập của những đơn vị này cũng cao hơn mức lương tối thiểu Nhà nước quy định khá nhiều, thu nhập bình quân ở Viện Dầu khí VN là 22,7 triệu đồng/người/tháng, thu nhập trung bình của nhân viên Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn chất lượng 3 là 18 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, nét sáng trong bức tranh tự chủ này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Theo các chuyên gia, thực tế có rất nhiều khó khăn.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, một số bộ ngành, địa phương chưa nhận thức đúng, thậm chí chưa nắm rõ nên áp dụng không đúng đối tượng thực hiện cơ chế tự chủ.
Có nơi bắt đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp phải tự chủ trong khi các đơn vị này không phải là tổ chức KH&CN.
Nhiều tổ chức không thật sự được tự quyết về quản lý nhân lực vì cơ quan chủ quản sợ bị mất hoặc bị giảm quyền lực đối với các tổ chức này, cũng có những tổ chức được phân cấp quản lý bộ máy và nhân lực thì lại ngại tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Có những địa phương như Hải Phòng, Bắc Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng... thậm chí cả Hà Nội chưa phê duyệt được đề án nào về thực hiện cơ chế tự chủ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam:
Đừng lo chết
Các bộ trưởng phải chỉ đạo xuống dưới, nơi nào chưa tự chủ phải quyết ngay.
Đừng lo tự chủ là chết, sẽ không ai chết được vì vẫn từng ấy tiền nhưng với cơ chế quản lý tiền khác.
Câu chuyện vô cùng quan trọng vẫn là Bộ Tài chính làm sao để doanh nghiệp dành tiền cho hoạt động nghiên cứu, đầu tư cho khoa học mà có lợi ích về thuế, về hạch toán doanh nghiệp.
Làm sao không chỉ doanh nghiêp nhà nước có lợi ích thật mà cả các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng có lợi.
Theo các chuyên gia tại hội nghị, một số cơ quan nhà nước chưa nhận thức và thực hiện đúng quy định về chính sách ưu đãi đối với tổ chức KH&CN trong việc vay vốn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tại Ngân hàng Phát triển VN... làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức KH&CN khi thực hiện cơ chế tự chủ.
Đó là chưa kể việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định 115 rất chậm, mất bốn năm mới có thông tư hướng dẫn xây dựng quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí trong khi đây là vấn đề sống còn để tổ chức có thể tự chủ, đến nay còn chưa có hướng dẫn về định mức và phương thức cấp tiền lương, tiền công và chi hoạt động bộ máy, chưa có hướng dẫn tổ chức KH&CN công lập góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động sản xuất kinh doanh, vay vốn...
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN, nghị định 115 cho phép tổ chức KH&CN được dùng quyền sử dụng đất cho sản xuất kinh doanh nhưng thực tế không được, vì theo Luật đất đai các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Ông Trần Việt Hùng, phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN, nêu thực trạng nhà khoa học làm ở viện nghiên cứu sẽ được đối xử khác với nhà khoa học làm việc ở doanh nghiệp. Khi làm ở doanh nghiệp, nhà khoa học không được tính điểm để nâng học hàm làm nhiều người cũng ngại khi ra làm doanh nghiệp.
Không tự chủ sẽ sáp nhập hoặc giải thể
Đó là đề xuất của Bộ Tài chính tại hội nghị, theo đó các tổ chức KH&CN công lập chưa chuyển đổi sang hình thức tự chủ theo nghị định 115 phải hoàn thành trong năm 2015. Nếu tổ chức nào không đủ điều kiện sẽ sáp nhập hoặc giải thể. Sau năm 2015, Nhà nước sẽ không cấp ngân sách cho tổ chức này.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng lý do, mục đích việc áp dụng cơ chế tự chủ không phải để giảm chi cho KH&CN. Ông Đam nhấn mạnh tổng chi của VN không kém so với các nước cùng cấp độ, dù chưa thống kê hết được các khoản đóng góp từ doanh nghiệp và xã hội cho KH&CN nhưng mức chi nay hiện đã đạt hơn 1% GDP.
“Tại sao 10 năm nay vẫn không hoàn thành những bước ban đầu? Bây giờ phải làm thật quyết liệt, không gia hạn, hết năm nay nếu tổ chức nào không chuyển đổi thì cắt ngân sách” - ông Đam nhấn mạnh.
Theo ông Đam, lỗi của người lãnh đạo là không giải thích rõ về cơ chế tự chủ cho các tổ chức, nếu giải thích rõ thì các tổ chức sẽ đăng ký tự chủ ngay, anh em khoa học chưa làm hoặc không làm nhiệt tình cũng một phần do Nhà nước. Vì thế, phần nào Nhà nước sai thì phải làm trước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân kiến nghị Quốc hội quan tâm về việc ban hành đạo luật mới bảo đảm hài hòa giữa các đạo luật và không phủ quyết tư tưởng mới của Luật KH&CN 2013.
Theo ông Quân, với sự tham mưu của hai viện hàn lâm, trong năm nay bộ sẽ ra nghị định mới tháo gỡ các khó khăn cho thực hiện cơ chế tự chủ.
“Tự chủ không phải là cắt bầu sữa ngân sách nhà nước mà là làm tốt hơn và Nhà nước vẫn chăm lo cho tổ chức KH&CN công lập hoạt động hiệu quả hơn” - ông Quân nêu rõ.
HỒNG NHUNG
(TTO)