Thứ sáu, 11/2/2011, 15h02

Kênh hình là “phương tiện dẫn lối” tri thức

GV phải thiết lập hệ thống câu hỏi để HS biết cách “mổ xẻ” hình ảnh trong sách giáo khoa. Ảnh: T.B
Kênh hình thường được ví như một “hình chiếu” có đầy đủ về nội dung kiến thức trong sách giáo khoa (SGK). Vì thế, nếu người dạy và người học biết khai thác triệt để lợi thế này thì hệ thống tranh ảnh, biểu đồ, bản đồ có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình truyền thụ tri thức.
“Giải mã” kiến thức
Tuy nhiên không phải cứ “có gì dùng nấy” mà khi dạy học, người thầy phải biết “đãi cát tìm vàng” chọn lọc những “ngôn ngữ” điển hình nhất của hệ thống hình ảnh này. Trước hết, chúng ta phải coi đó là một nguồn kiến thức chứ không phải vẽ để xem chơi… cho đẹp hay dùng chúng để “trang điểm” cho bài dạy của mình. Muốn thế, ngay ở khâu chuẩn bị, giáo viên (GV) phải có kế hoạch từ trước chứ không phải đợi đến khi vào lớp cả thầy và trò mới làm việc với kênh hình. Có đồ dùng rồi GV phải biết phân loại, chọn lựa cách sử dụng cho phù hợp như đã nói ở trên.
Ngoài lời giới thiệu, GV phải thiết lập được hệ thống câu hỏi khoa học để học sinh (HS) biết cách “mổ xẻ” hình ảnh trong SGK. Cũng không quên cho các em nắm được các thao tác cần thiết khi song hành với hệ thống kênh hình.
Ở đây chúng tôi muốn đi sâu vào phương pháp tổ chức cho HS khai thác kênh hình trong dạy học địa lý. Muốn khai thác kiến thức địa lý trên bản đồ, HS phải được trang bị kiến thức và kỹ năng tối thiểu về bản đồ vì tri thức bản đồ chính là “người dẫn lối” giúp các em giải mã các ký hiệu, xác lập được mối quan hệ giữa chúng. Tranh ảnh địa lý trong SGK cũng không phải là những bức vẽ vô hồn mà luôn chuyển tải được sức nặng của tri thức nên GV phải biết khai thác chứ không được bỏ qua hay xem thường. Các loại tranh ảnh này chính là “đầu mối” của những biểu tượng cụ thể về địa lý.
Và những “bằng chứng” sống
Tranh ảnh minh họa có thể được “trải rộng” ngay từ khi bước vào bài mới nhưng phải đến khâu lĩnh hội tri thức nó mới được phát huy hết tiềm năng. Tranh ảnh có thể là người-dò-đường đi trước rồi sau đó quy nạp kiến thức, rút ra kết luận. Nhưng cũng có thể GV đi ngược lại, dùng tranh ảnh để củng cố bài giảng, bổ sung kiến thức sau khi kết thúc mỗi bài học. Con đường nào cũng có mặt hay của nó, quan trọng là ở sự sắp xếp trình tự của người GV.
Mở SGK địa lý ra, HS sẽ nhìn thấy có rất nhiều biểu đồ như: hình cột, hình tròn, đường, miền… Biểu đồ không phải là “anh em sinh đôi” mà mỗi cái có một đặc tính riêng, một “đời sống” độc lập và có khả năng thể hiện một đặc điểm nào đó của đối tượng. GV biết khai thác chúng thì phát huy hết vai trò của biểu đồ. Cũng nên lưu ý, sử dụng biểu đồ có thể diễn ra dưới nhiều hình thức như: quan sát, phân tích rồi rút ra nhận xét theo yêu cầu, so sánh giữa các biểu đồ rồi “gút” lại kết luận.
Nếu lược đồ cung cấp kiến thức vị trí, giới hạn các vùng kinh tế trọng điểm thì biểu đồ đem đến kiến thức sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu các ngành công nghiệp. Trong lúc đó các sơ đồ lại chuyển tải vai trò của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống ngành giao thông vận tải và rèn luyện kỹ năng đọc, phân tích sơ đồ cho HS. Kiến thức về tình hình phát triển các ngành nghề thì được rút tỉa từ các bảng thống kê. Ảnh địa lý lại mang thông điệp minh họa như những bằng chứng sống về hoạt động của các ngành kinh tế.
Nguyễn Thị Phương Trinh
(GV Trường THCS Phú Mỹ, Bình Thạnh)

Tranh ảnh địa lý trong SGK cũng không phải là những bức vẽ vô hồn mà luôn chuyển tải được sức nặng của tri thức nên GV phải biết khai thác chứ không được bỏ qua hay xem thường.