Thứ sáu, 11/2/2011, 15h02

Kiều tiếp tục trên đường đến Lâm Truy

Miêu tả đoạn Thúy Kiều chia tay cha mẹ lần cuối lên đường theo Mã giám sinh, Thanh Tâm Tài Nhân (TQ) viết: “Lại nói, vợ chồng cha con Vương viên ngoại đứng sững trông theo hồi lâu, mãi đến khi không còn thấy hút đâu nữa, mới khóc một chập, rồi bất đắc dĩ phải cùng nhau quay về. Mã Qui từ biệt vợ chồng Vương viên ngoại rồi, liền bảo bọn phu xe đi mau. Dọc đường đói ăn khát uống, đêm ngủ ngày đi, chừng mấy bữa đã đến địa giới Lâm Thanh”…
Nguyễn Du viết: Đùng đùng gió giật mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay/ Trông vời giọt lệ phân tay/ Góc trời thăm thẳm ngày ngày đăm đăm/ Nàng thì cõi khách xa xăm/ Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây/ Vi lô san sát hơi may/ Một trời thu để riêng ai một người…
Thanh Tâm Tài Nhân để tâm đến chuyến đi vội vã, gấp gáp và nỗi cực nhọc trên đường xa vạn dặm, Nguyễn Du chỉ gói gọn trong mấy chữ Một xe trong cõi hồng trần như bay. Thay vì nói chuyện đêm ngủ ngày đi, đói ăn khát uống Nguyễn Du chú ý đến tâm trạng của Thúy Kiều. Thúy Kiều đau xót cho thân phận chiếc lá rời cành, dấn thân vào cõi xa xăm thăm thẳm góc bể chân trời. Càng đi, càng xa cha mẹ, xa quê hương, gia đình. Cái buồn đến tê tái cõi lòng nên cụ Nguyễn tả cảnh mùa thu u buồn và tất cả nỗi buồn của trời đất ấy dồn vào cho Thúy Kiều!
Càng buồn Thúy Kiều càng nhớ người yêu, nhớ cha mẹ. Trong Truyện Kiều, nhiều lần Thúy Kiều đau lòng vì những nỗi nhớ. Mỗi lần, Nguyễn Du diễn đạt khác nhau, trình tự nhớ cha mẹ - nhớ người yêu theo thời gian xa cách mà thay đổi. Đây là nỗi nhớ đầu tiên: Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi/ Thấy trăng mà thẹn những lời non sông/ Rừng thu từng biếc chen hồng/ Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.
Cụ Hồ Đắc Hàm chú: “Còn nàng Kiều đi đường thì cảnh vật âu sầu, trời thu tẻ ngắt, thấy trăng mà thẹn những lời non sông thề với Kim Trọng, nghe chim mà nhớ tới tấm lòng hôm sớm ở với hai thân”. Có lẽ nên thêm nghĩa cho rõ hai chữ thần hôn. Thần là buổi sáng, hôn; buổi chiều (hoàng hôn). Con có hiếu tối đến sửa soạn giường chiếu cho cha mẹ đi ngủ, sáng ra hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Nghe tiếng chim kêu trong đêm tối, Thúy Kiều bỗng nhớ đến bổn phận đứa con đối với cha mẹ.
Ở đây có hai vấn đề cần để ý.
Thứ nhất: Sao Nguyễn Du không nói đến việc Thúy Kiều nhớ Kim Trọng mà nhớ đến lời thề? Bởi Thúy Kiều theo Mã về Lâm Truy đi trong đêm tối, có ánh trăng. Chỉ cần thấy trăng là Kiều nhớ đến cái đêm Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai mặt một lời song song. Như vậy thấy trăng Kiều nhớ đến lời thề. Đó là luận lí trong văn chương. Hay nói như nhà thơ Tản Đà: “Văn lí” phải vậy.
Thứ hai: Tại sao Thúy Kiều nhớ lời thề với Kim Trọng trước khi nhớ đến cha mẹ. Kiều có phần nào trái với chữ hiếu? Theo chúng tôi đấy cũng là văn lí. Thúy Kiều mới xa cha mẹ, dẫu thương dẫu nhớ nhưng là sự việc gần gụi. Còn chàng Kim, ngày xa nhau ấy rồi Kiều trải qua bao sự cố, bao biến động. Kỷ niệm ngày xa nhau như đi vào dĩ vãng xa xôi. Phải chăng, Nguyễn Du đã để nỗi nhớ theo trình tự thời gian? Hơn nữa, ngồi trong xe đi vạn dặm Kiều nhìn qua cửa xe, Kiều thấy gì? Thấy trăng! Như vậy, thấy trăng đến trước mới đến chuyện nghe chim hót. Cảnh gợi tình, Kiều nhớ đến lời thề rồi mới nghĩ đến nghĩa vụ của một đứa con đối với cha mẹ. Cả hai nỗi nhớ đều nhớ, đều xuất phát từ trái tim, từ một chữ tình. Hơn nữa, Thúy Kiều đang đi theo Mã giám sinh, tức Kiều đi lấy chồng. Vì vậy, lẽ đương nhiên trong sâu thẳm của trái tim Kiều phải nhớ đến người yêu, người tình của mối tình đầu và cao hơn là lời nguyện ước khi có vầng trăng chứng giám!
Lê Xuân Lít