Thứ năm, 17/4/2014, 22h04

Làm thế nào để dạy thật - học thật?: Cần cái tâm của người thầy

Học sinh Trường PTCS Trấm ăn trưa tại trường. Ảnh: V.Yên
Dạy thật - học thật là mục tiêu của không chỉ riêng một cá nhân nào. Đó là nỗ lực của toàn xã hội để hướng đến một nền giáo dục toàn diện, chất lượng.
Lâu nay khi nhắc đến khái niệm dạy thật - học thật, nhiều người nghĩ ngay tới vấn đề: Muốn thực hiện điều này thì người giáo viên phải có phương pháp như thế nào trên bục giảng? Còn học sinh thì phải làm gì? Phụ huynh muốn con mình học hành có chất lượng thì đầu tư cái gì và nên tránh vấn đề gì?... Gần như chung quy là nhiều người nghĩ đến việc làm thế nào để điểm nằm trong học bạ của học sinh là “con điểm” đánh giá đúng chất lượng kiến thức các em thu được từ giáo viên. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc thầy cô giáo dạy như thế nào ở trường.
Vậy nhưng, có một điều ít ai biết đến, đó là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, việc dạy thật - học thật thể hiện ở một góc nhìn hoàn toàn khác. Ở Trường PTCS Trấm (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), hàng chục năm nay, cứ đến đầu năm học mới hoặc sau Tết Nguyên đán, chuyện thầy cô giáo xuôi ngược trên những chuyến đò đến tận nhà vận động học sinh trở lại trường không còn là điều xa lạ. Ở đây do địa hình gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, đa phần phụ huynh là dân kinh tế mới và một bộ phận khác làm nghề chài lưới trên sông. Cuộc sống không mấy dư dả nên quanh năm họ mải mê với kế mưu sinh. Khi thấy con ra sông quăng mẻ lưới, đem về xâu cá bán đổi được vài lon gạo là kết quả thực chất nhất đối với họ. Sự học vì thế bị lơ là, lãng quên, thậm chí nhiều bậc cha mẹ nói học cũng được, không học thì kiếm việc mà làm, miễn làm ra tiền phụ giúp gia đình. Đến cả sự quan tâm động viên con tới trường còn bị phụ huynh lãng quên thì việc chạy theo thành tích là hoàn toàn không xảy ra ở vùng xa xôi, hiểm trở này.
Với học sinh ở chốn thâm sơn cùng cốc này, các em chịu nhiều thiệt thòi. Việc kiếm tìm tài nguyên trên mạng internet là điều xa xỉ. Hầu như chỉ có thể tìm hiểu hoặc tranh thủ đọc một vài tài liệu ở mạng máy tính của trường trong giờ học bộ môn tin học. Còn lại thế giới của các em chỉ là núi rừng, sông nước và kiến thức chỉ vỏn vẹn trên những trang sách giáo khoa. Trung bình mỗi năm Trường PTCS Trấm có 20% học sinh THCS và hơn 30% học sinh tiểu học đạt danh hiệu học sinh giỏi. Số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 thi đỗ vào các trường THPT công lập chiếm hơn 80%, đứng trong tốp 3 toàn huyện, hơn hẳn nhiều trường ở đồng bằng có điều kiện thuận lợi.
Trong khi sự giao lưu với bên ngoài bị hạn chế, điều kiện ăn ở, công tác của cán bộ - giáo viên nhà trường còn gặp không ít khó khăn thì kết quả đó rất đáng ghi nhận. Ngoài mỗi dịp hè, các cán bộ - giáo viên được tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thì cứ hàng tháng nhà trường luôn duy trì các buổi trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tổ chức các chuyên đề, hội thảo để giáo viên có điều kiện bồi bổ kiến thức chuyên môn, chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Để làm được điều đó đối với các giáo viên ở thành phố, thị xã là điều không khó. Nhưng với giáo viên Trường PTCS Trấm quả là một nỗ lực không ngừng nghỉ. Bởi bên cạnh việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, làm tốt chuyên môn, mỗi cán bộ - giáo viên ở trường còn kiêm thêm việc vận động học trò tới trường. Tìm hiểu nguyên nhân các em nghỉ học rồi tìm cách động viên các em, động viên luôn cả phụ huynh…
Vì thế câu chuyện dạy thật - học thật ở đây thể hiện tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ của người giáo viên; là nỗ lực của thầy cô giáo cùng học sinh; là cái tâm của người giáo viên đứng lớp; là khát khao thoát khỏi cảnh sống cơ cực đời bố mẹ của chính các em học sinh chân đất đầu trần sinh ra vốn chịu nhiều thiệt thòi sau cánh cổng làng bùn lầy, nước đọng. Sự chạy theo thành tích từ hai phía nhà trường và phụ huynh mà chính xác hơn là cách chạy điểm gần như là điều không ai nghĩ đến.
Đôi khi chạnh lòng thương học sinh bởi sự thiệt thòi ấy khi so sánh cuộc sống, điều kiện học tập của các em với nhiều nơi khác, nhưng chúng tôi thấy rất tự hào với những thành quả mà học trò mình đạt được, đó là cái thực chất sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ, là nội lực của chính các em.
Trần Đức Nam
(Hiệu trưởng Trường PTCS Trấm, Triệu Phong, Quảng Trị)
Đến cả sự quan tâm động viên con em tới trường còn bị phụ huynh “lãng quên” thì việc chạy theo thành tích là hoàn toàn không xảy ra ở vùng xa xôi, hiểm trở này.