Chủ nhật, 16/3/2014, 17h03

Làm thế nào để dạy thật - học thật?: Cần có tính tự trọng

Báo Giáo dục TP.HCM mở diễn đàn “Làm thế nào để dạy thật - học thật?” là rất thiết thực góp những tiếng nói tích cực vào việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh và xin góp ý kiến xây dựng.
Trước hết xin lược kể một câu chuyện có thực. Chúng tôi học ở Trường ĐH Sư phạm Vinh vào những năm 1974-1978. Thời ấy, mỗi sinh viên được cấp 15kg lương thực/tháng (với 10kg gạo và 5kg ngũ cốc “độn” như: Ngô răng ngựa hoặc bo bo). Thức ăn thì thiếu thịt cá mà chủ yếu là rau với nước mắm “sáng chế” bằng gạo rang hòa với nước muối. Vậy mà thầy và trò vẫn dạy rất thật, học rất thật. Tất cả đều vượt khó, nỗ lực phấn đấu có chất lượng hai tốt: Dạy tốt - học tốt. Thực tế, các thầy giáo có người nhà ngồi học trong lớp, cùng khoa. Đó là: Chồng dạy vợ, anh dạy em, chú dạy cháu… Mỗi kỳ thi hết học phần hoặc thi tốt nghiệp, ai thiếu điểm đều phải thi lại, không có sự “lợi dụng” hoặc xin điểm của các thầy ở bộ môn khác. Nhà trường - thầy và trò nghiêm túc đến “dễ sợ”. Hiện nay có người nói rằng: “Ngành giáo dục giống như người đang in bạc giả”. Nói vậy không hẳn là đúng nhưng khiến thầy và trò cùng toàn xã hội phải suy ngẫm. Cái giả, cái thật đối kháng thành trận tuyến phải đấu tranh quyết liệt. Cái thật thì khỏi phải bàn. Còn cái giả thì đủ thứ: Giả dối, lừa dối, gian lận, gian dối… làm cho những ai có tâm huyết đều bức xúc, căm phẫn trước hành vi của những kẻ thiếu tự trọng và không biết xấu hổ.
Không ít người học giả nhận bằng thật để thăng tiến trên con đường danh vọng. Các giáo sư “dỏm”, tiến sĩ “giấy” không có công trình khoa học nào đáng giá chứ chưa nói là sáng giá. Tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ trên đầu người của Việt Nam cao hơn so với nước Mỹ thật không đáng tự hào mà nên xem lại.
Tôi nghĩ: Về phía chủ quan thì những người làm công tác giáo dục cần có tính tự trọng. Còn khách quan thì Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thích đáng. Đồng lương của giáo viên đủ sống rồi sẽ không có việc chạy theo thành tích có những ảnh hưởng tiêu cực đến công tác giáo dục.
Đinh Quang Thúy
(đường Phạm Văn Bạch, Q.Tân Bình, TP.HCM)