Thứ năm, 12/11/2009, 09h11

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Các biện pháp đổi mới quản lý GDTX

Giám đốc các trung tâm GDTX phải có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên. Một giờ học môn văn tại TTGDTX quận Tân Bình (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, nhất thiết phải đổi mới phương pháp dạy học (PPDH). Một trong những nguyên nhân cản trở đổi mới PPDH là trình độ nghiệp vụ sư phạm của giáo viên không theo kịp yêu cầu đổi mới.
1.Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, nhất là giáo viên giảng dạy có ý nghĩa rất quyết định đối với chất lượng dạy học của trung tâm GDTX (gọi tắt là trung tâm) và đối với bản thân người giáo viên. Hiện nay, do cơ chế quản lý cũ, số lượng cán bộ giáo viên ở các trung tâm mà chúng tôi khảo sát có nơi chưa đủ giáo viên biên chế. Giám đốc các trung tâm phải thỉnh giảng thêm giáo viên ở các trường phổ thông, CĐ hoặc ĐH, số giáo viên này chiếm 3/4 tổng số giáo viên của trung tâm. Đội ngũ này chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ GDTX nên còn nặng sao chép sách giáo khoa phổ thông, cùng một đầu đề bài dạy nhưng giáo viên dạy như bài dạy ở trường phổ thông. Qua khảo sát, chúng tôi thấy các trung tâm thiếu quan tâm đến công tác bồi dưỡng cho giáo viên của mình. Giám đốc chỉ cử được giáo viên cơ hữu của mình tham gia học chương trình bồi dưỡng thường xuyên của Sở GD-ĐT, còn giáo viên thỉnh giảng không tham gia. Bản thân một số cán bộ quản lý còn ngán ngại không tham dự các lớp bồi dưỡng ngành học. Ngoài ra còn một số giáo viên, nhất là giáo viên thỉnh giảng cũng chưa tích cực hưởng ứng các phong trào thao giảng, dự giờ và các biện pháp khác để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong giảng dạy.
2. Như trên đã phân tích, đối tượng theo học tại các trung tâm là những người lớn tuổi đang đi làm tại các cơ quan nhà nước, các đơn vị doanh nghiệp tư nhân, những thanh thiếu niên không có điều kiện học tập ở các nhà trường chính quy. Các học viên này đa dạng về lứa tuổi, trình độ văn hóa, độ tuổi chênh lệch, phát triển tâm lý không đồng đều, hoàn cảnh gia đình khó khăn dẫn đến việc tiếp thu kiến thức không đồng đều. Do tính chất và đặc điểm của học viên, các trung tâm cần phải có đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có kinh nghiệm cũng như phương pháp đặc thù phù hợp với đối tượng học viên của trung tâm. Kết quả dạy học của giáo viên phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản là năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm.
Thực tế hoạt động của các trung tâm trong những năm qua cho thấy, đội ngũ giáo viên ở các nơi này hợp đồng là chính (2/3 số giáo viên hiện đang dạy học). Do đó năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm còn bị hạn chế đặc biệt là năng lực chuyên môn về GDTX và phương pháp dạy học người lớn. Do đó cần thiết phải cung cấp cho đội ngũ giáo viên này những kiến thức về GDTX.
3. Tính chất hoạt động của trung tâm khác với hoạt động của trường học trong hệ thống giáo dục chính quy, cũng khác với trường bổ túc văn hóa trước đây. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, giáo viên của trung tâm vừa phải là nhà chuyên môn, vừa phải là nhà tổ chức. Ngoài những kiến thức nghiệp vụ trong lĩnh vực chuyên môn của mình, họ cần phải có những hiểu biết và những kỹ năng cần thiết khác liên quan đến việc tổ chức các hoạt động của trung tâm nhằm thực hiện các chức năng nhiệm vụ nói trên. Hơn nữa, trong quá trình vận động phát triển, các trung tâm ngày càng mở rộng phạm vi đối tượng người học với các loại hình học tập đa dạng, phong phú, ngày càng tăng cường các hoạt động liên quan đến việc phát triển cộng đồng, do đó cán bộ quản lý và giáo viên cần phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cập nhật và nâng cao năng lực tổ chức của mình.
Tất cả những điều trình bày trên có thể được xem là yêu cầu tất yếu của sự phát triển GDTX đối với việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các trung tâm. Biện pháp này có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng dạy học và đối với chính bản thân người giáo viên. Giám đốc cần đầu tư thích đáng và có trách nhiệm lớn đối với vấn đề này.
4. Trên cơ sở đánh giá trình độ giảng dạy của giáo viên, giám đốc trung tâm cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên bằng các biện pháp sau:
- Tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dạy học bộ môn: bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho đối tượng ở trung tâm như kỹ năng tổ chức, hướng dẫn học viên hoạt động, kỹ năng tạo tình huống có vấn đề, kỹ năng thực hành, thí nghiệm, kỹ năng ra đề theo phương pháp trắc nghiệm; bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào dạy học, kỹ năng sử dụng phần mềm Mind manager 7.0, thiết kế giáo án điện tử, kỹ năng đọc sách, nghiên cứu tài liệu tham khảo…
- Bồi dưỡng các chuyên đề trọng tâm về GDTX: Giáo viên ở trung tâm đa phần từ các trường phổ thông sang làm GDTX, về các mặt đội ngũ giáo viên này chưa được hiểu biết về GDTX, về giáo dục người lớn, về phương pháp dạy học cho đối tượng học viên GDTX nên đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy học… Giám đốc cần phải tổ chức bồi dưỡng các chuyên đề trọng tâm như một số vấn đề chung về GDTX (chức năng, nhiệm vụ, các loại chương trình học,…), phương pháp dạy học người lớn, phương pháp vận động, tổ chức lớp học người lớn, phương pháp dạy học bộ môn, tâm lý học viên GDTX…
- Tổ chức việc bồi dưỡng tại chỗ cho giáo viên: Tổ chức thao giảng, tăng cường dự giờ thăm lớp theo quy định của hội đồng sư phạm. Từ đó giáo viên biết được hoạt động dạy học của nhau, học tập những kinh nghiệm giảng dạy qua trao đổi góp ý nhau dựa trên nội dung và cách tiến hành một bài giảng cụ thể để giúp đỡ lẫn nhau trong chuyên môn, nghiệp vụ.
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên tự học, tự nghiên cứu tài liệu thường xuyên:  Khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên tự học, tự nghiên cứu tài liệu liên quan đến công tác dạy học của mình. Việc tự học có một vai trò quan trọng và có thể vận dụng nhiều hình thức khác nhau (nghiên cứu tài liệu có phân tích, so sánh, tham dự các xêmina khoa học, thuyết minh một vấn đề, dự giờ các giáo viên có nhiều kinh nghiệm…).
Muốn nâng cao chất lượng dạy học trong các trung tâm không có cách nào khác ngoài việc nâng cao năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên. Điều đó đã được khẳng định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh… Cần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của BCHTW Đảng khóa VIII) – TS Ninh Văn Bình
 
 
TS. NINH VĂN BÌNH (Trưởng phòng GD-ĐT Phú Nhuận)