Thứ tư, 4/11/2009, 22h11

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Mạnh dạn đổi mới và chấp nhận rủi ro

Cơ sở vật chất khang trang cũng là yếu tố để nâng cao chất lượng giáo dục (Trường TH Kim Đồng)

Nhiều năm qua Trường Tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp) đã có nhiều sáng kiến trong công tác đổi mới phương pháp dạy và học. Do đó, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng nâng lên. Năm học 2009-2010 được xác định là “Năm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với cô Phan Thúy Trang - Hiệu trưởng nhà trường về vấn đề này.
Cô Phan Thúy Trang cho biết: Thật ra, đổi mới quản lý là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Những năm học trước ngành GD-ĐT đã có nhiều biện pháp đổi mới quản lý rồi. Tuy nhiên, bước vào năm học này, yêu cầu đổi mới càng cấp thiết hơn. Bộ GD-ĐT đã ý thức được điều này nên đã có những chủ trương như đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục (ĐMQL&NCCLGD)... Trường Tiểu học Kim Đồng tích cực hưởng ứng chủ trương này. Trước hết, muốn thực hiện ĐMQL&NCCLGD, nhà trường tiến hành đổi mới phương pháp dạy và học. Muốn vậy, phải tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Thực hiện chủ trương của Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, nhà trường đã triển khai biện pháp vận động phụ huynh học sinh (PHHS) cho mượn, hỗ trợ tiền và hiện vật để nâng cấp, trang bị trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy bằng giáo án điện tử. Sau khoảng một tháng vận động, nhà trường đã lắp đặt được 21 bộ máy vi tính. Ngoài ra, để đổi mới quản lý, Ban giám hiệu đã dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, phản ánh của PHHS.
Thưa cô, muốn ĐMQL& NCCLGD, người làm công tác quản lý giáo dục cần phải hội đủ những điều kiện gì?
- Theo tôi, ngoài cái tâm, tình yêu nghề, người làm công tác quản lý giáo dục theo tinh thần đổi mới quản lý cần phải có kiến thức, tư duy sáng tạo, mạnh dạn đổi mới và chấp nhận rủi ro. Hiệu trưởng phải là người chủ đạo, phải biết cách vận động PHHS. Hiệu trưởng phải hòa mình vào tập thể để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tôn trọng ý kiến của họ. Không chỉ chăm sóc học sinh, hiệu trưởng cần phải chăm lo đội ngũ giáo viên thật tốt, tạo không khí chân thành, cởi mở. Phải tạo được môi trường thân thiện trong nhà trường. Vì điều này giúp người làm công tác quản lý giáo dục rất nhiều. Ngoài ra, người làm công tác quản lý nên chú ý đến cảnh quan học đường. Tôi cho rằng đây là yếu tố rất quan trọng. Chúng tôi thay các khẩu hiệu khô cứng, nặng nề bằng những khẩu hiệu nhẹ nhàng, tạo cảnh quan sạch, đẹp, gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học trò. Nên trang trí màu sắc, đưa các nhân vật cổ tích, hoạt hình vào cảnh quan học đường nhằm khuyến khích học sinh noi theo.
Bộ GD-ĐT vừa có dự thảo quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. Trong đó có ghi rõ định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, hiệu phó. Cô có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?
Người làm công tác quản lý giáo dục nên dành nhiều thời gian để đến với PHHS, từ đó có những chấn chỉnh trong đội ngũ cán bộ, giáo viên (nếu có) cũng như đưa ra các chủ trương được sự đồng thuận của PHHS hơn. Ban giám hiệu cần chú trọng công tác nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để họ đáp ứng ngày một cao hơn yêu cầu công việc.
- Tôi không đồng tình với chủ trương này của Bộ GD-ĐT. Vì hiệu trưởng, hiệu phó đứng lớp, nếu giáo viên dự giờ đánh giá góp ý không thẳng thắn thì không đúng tinh thần đổi mới. Nếu góp ý thẳng thắn, chỉ ra cái chưa được ngay trước mặt học sinh e rằng uy tín, hình ảnh những cán bộ quản lý này bị ảnh hưởng. Hơn nữa, công tác hành chính hiện nay khá nặng nề, hiệu trưởng tốn rất nhiều thời gian giải quyết việc hành chính. Nếu thêm việc đứng lớp, hiệu trưởng sẽ không còn thời gian làm việc khác. Và hiệu trưởng không còn thời gian để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến phản hồi của PHHS cũng như ít tham gia sinh hoạt cùng cán bộ, giáo viên. 
Thưa cô, Trường Tiểu học Kim Đồng có 2 cơ sở với 2.253 học sinh và cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Để quản lý được tập thể như vậy không dễ dàng. Tuy vậy, Ban giám hiệu đã tạo được sự đồng thuận cao trong các chủ trương, kế hoạch của mình, cụ thể là nhà trường đã đoạt giải tập thể cuộc thi “Giải quyết tình huống giáo dục lần X” do Báo Giáo Dục tổ chức. Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm được không?
- Trước hết, cần giới thiệu, giải thích mục đích, ý nghĩa của các chương trình, kế hoạch đến cán bộ, giáo viên, công nhân viên… Từ đó động viên họ tham gia. Các kế hoạch hoặc chủ trương gì cũng vậy, Ban giám hiệu nên bàn bạc, rồi liên tịch biểu quyết, đưa ra Hội đồng sư phạm thảo luận, biểu quyết, tạo sự đồng thuận trong tập thể giáo viên, PHHS. Ý kiến biểu quyết của tập thể là ý kiến cuối cùng, Ban giám hiệu tôn trọng ý kiến này, không làm theo ý kiến chủ quan của mình nên nhận được sự đồng thuận cao.
 
Bài và ảnh: Công Việt
Định mức tiết dạy đối với giáo viên phổ thông
Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau: giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên THCS là 19 tiết, giáo viên THPT là 17 tiết. Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp THCS. Định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng:hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Theo đó, hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.
P.V (nguồn Bộ GD-ĐT)