Thứ hai, 2/11/2009, 15h11

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Muốn có đội ngũ tốt phải đào tạo giáo viên chuẩn mực

Thông qua các hoạt động mang tính thực tiễn tặng quà, học bổng đẩy mạnh phong trào TDTT… cũng là cách giáo dục hiệu quả cao.  Ảnh: T.Tr

Cán bộ trẻ dám nghĩ dám làm, luôn năng động. Bây giờ giáo viên ở độ tuổi 30 là đã trưởng thành, chuyên môn vững vàng có thể giữ được vai trò tổ trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường. 
1. Tôi thấy đội ngũ cán bộ quản lý nếu lớn tuổi thì có kinh nghiệm nhưng ít chịu tiếp nhận cái mới, thường bảo thủ vì đã làm việc theo thói quen. Còn lớp trẻ, học hành có hệ thống hơn, nguồn tri thức không chỉ có ở trường mà còn có từ bên ngoài. Giới trẻ bây giờ chỉ cần một cái nhấp chuột là biết được mọi thông tin từ trong nước và thế giới. Những thông tin đó cập nhật hàng ngày nên luôn luôn mới, có tính thời sự cao. Họ thích khát khao cái mới, sức làm việc và sức đọc tốt hơn. Nếu gặp phải người ham học thì họ tiến bộ rất nhanh, khi gặp điều kiện tốt sẽ nhanh chóng phát huy được nội lực. Những năm gần đây tỷ lệ thí sinh thi vào các trường sư phạm ngày càng thấp. Đó là điều tôi thấy đáng buồn và đáng báo động. Nói “Giáo dục là quốc sách”, thầy cô là những “kỹ sư tâm hồn”, nghề giáo là “nghề cao quý trong những nghề cao quý”… nhưng thực tế sinh viên lại không gắn bó, kém mặn mà nghề này. Nếu không có sự quan tâm thì dễ đi vào cảnh đìu hiu của chợ chiều, rất đáng lo. Trong lúc đó đội ngũ giáo viên giỏi thường không an tâm giảng dạy, cứ tìm chỗ nào “đất lành thì chim đậu”. Ngay các trường sư phạm bây giờ cũng thành trường đa ngành, khoa sư phạm trước đây chủ đạo bây giờ “rớt” xuống hạng thứ yếu. Đầu vào đã có những tín hiệu xấu không khả quan cho giáo dục. Để có đội ngũ tốt, chúng ta vừa đào tạo mới giáo viên chuẩn mực đồng thời vừa đào tạo lại giáo viên lớp trung niên (độ ngoài 40) còn có nhiều đóng góp. Thế nhưng nhiệm vụ này không hề đơn giản.
2. Ban giám hiệu Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký quản lý chuyên môn bằng việc kiểm tra kế hoạch, giáo án, đề cương, bài giảng trình chiếu của từng giáo viên. Ngoài ra còn dự giờ không cho biết trước, chỉ thông báo cho giáo viên thông qua tổ trưởng trước 1 giờ. Tất cả bài kiểm tra của học sinh đều được lưu lại và cho vào trong túi, một tháng chúng tôi kiểm tra một lần. Mục đích là để xem đề thi có sát và có nằm trong tiến độ chung của chương trình không? Giáo viên chấm điểm như thế nào về độ chính xác, có phê và chữa lỗi cho học sinh hay không? Do có hệ thống màn hình kết nối nội bộ nên ngồi một chỗ chúng tôi vẫn biết các hoạt động của giáo viên trên lớp, coi như một cách dự giờ tại chỗ. Một năm có 2 lần phát phiếu thăm dò giáo viên từng bộ môn. Phải lấy thông tin từ nhiều nguồn, kiểm tra độ chính xác chứ không thể qua loa, chiếu lệ. Ngoài ra chúng tôi còn thăm dò qua học sinh nhưng phải cân nhắc từng chữ, các em không được nhận xét sai, hỗn xược ảnh hưởng đến uy tín của thầy cô.
3. Mục đích chính của việc thăm dò là để giáo viên kịp thời uốn nắn, sửa sai nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy có hơi gắt gao nhưng đó là niềm tin mà phụ huynh học sinh đã trao gửi cho nhà trường. Trước nay trường chúng tôi đầu vào không cao nhưng đầu ra lại bình đẳng với các trường khác. Mô hình tư thục dân lập phải chấp nhận những thách thức lớn trong công tác và quản lý.
Hai năm nay Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký đang xúc tiến xây dựng môi trường thân thiện, một hoạt động rất có ý nghĩa trong việc giáo dục đạo đức và nhận thức cuộc sống cho học sinh. Hàng năm, thầy trò tổ chức các chuyến dã ngoại ra vùng ngoại thành như Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ hoặc đưa học sinh đến các trường bạn trao tặng học bổng, quần áo, tập vở cho các bạn nghèo; tổ chức các hoạt động văn nghệ, TDTT... Các em đi về đều có viết thu hoạch và cảm nhận về chuyến đi nhất là khi thấy bạn mình mặc áo rách đi chân đất, dù gian nan nhưng vẫn đến trường. Đó là cách giáo dục hay nhất, hiệu quả nhất vì chỉ nói bằng lý thuyết thì như nước đổ trên lá chuối, cứ trôi tuồn tuột đi mất.
 
GS.TS Trần Hữu Tá
(Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, TP.HCM)
“Nói “Giáo dục là quốc sách”, thầy cô là những “kỹ sư tâm hồn”, nghề giáo là “nghề cao quý trong những nghề cao quý”… nhưng thực tế sinh viên lại không gắn bó, kém mặn mà nghề này” - GS.TS Trần Hữu Tá
 
Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên
Tiếp tục triển khai Nghị quyết 08/NQ-BCSĐ ngày 4-4-2007 của Ban Cán sự Đảng bộ GDĐT về việc phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2007-2015. Theo đó, tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo giáo viên ở các trường, khoa sư phạm và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường và khoa sư phạm, đặc biệt là đào tạo giáo viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Tất cả các sở GD-ĐT cần xác định nhu cầu giáo viên các cấp học, các môn học giai đoạn 2009-2015, đảm bảo từ sau năm 2012 không còn tình trạng thiếu giáo viên có chất lượng ở tất cả các bậc học và môn học. Chuẩn hóa trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và sử dụng cán bộ quản lý giáo dục. Triển khai đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông thông qua ý kiến giáo viên. Rà soát, thống nhất tiêu chuẩn và danh hiệu tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng, công bố tiêu chuẩn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi các cấp. Tổ chức hội nghị tuyên dương các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, giáo viên giỏi toàn quốc của ngành nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
P.V (Nguồn Bộ GD-ĐT)