Thứ ba, 4/8/2009, 14h08

Loạn phí thi tốt nghiệp đại học, cao đẳng

Do chưa có quy chế, quy định cụ thể về việc thu lệ phí thi tốt nghiệp (LPT) cuối khóa với sinh viên (SV) nên thời gian qua một số trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã thực hiện thu phí theo “cách riêng của mình”. Trường thu thấp, trường thu cao, nhiều trường còn thu kèm phí ôn thi, phí làm lễ tốt nghiệp… dẫn đến tình trạng “lạm phí và loạn phí”.
 
Biên lai thu lệ phí thi và lệ phí ôn thi tốt nghiệp của SV Trường CĐ Nguyễn Tất Thành.
Mỗi trường một “phách”
Thông báo về lịch thi, Trường CĐ Nguyễn Tất Thành đồng thời cũng không quên nhắn nhủ SV phải nộp LPT 450.000 đồng, cộng thêm công tổ chức ôn tập với mức phí 600.000 đồng. Nhiều SV trường này không khỏi “xót ruột” than: “LPT như vậy là quá cao, tăng 50% so với LPT năm ngoái”. Cùng cảnh ngộ, SV khóa 2005 – 2009 của khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Mở cũng phải móc hầu bao đóng LPT 600.000 đồng.
Nhưng họ vẫn còn “may mắn” khi chỉ phải đóng LPT mà không kèm theo lệ phí ôn tập hay các chi phí khác. Như SV Trường ĐH Công nghiệp, ngoài việc phải đóng LPT cao ngất ngưởng còn phải nộp kèm phí học ôn, phí làm lễ tốt nghiệp, phí làm bằng, phí bìa bằng … với tổng số tiền là 750.000 đồng.
Tuy nhiên mức LPT mà các trường ĐH, CĐ trên đưa ra vẫn chẳng thấm tháp mấy so với mức LPT Trường ĐH Bình Dương. Vốn đã nổi tiếng là cơ sở có “truyền thống” thu học phí cao, năm nay ĐH Bình Dương còn giật giải “quán quân” trong việc định mức LPT. Theo thông báo của trường, LPT năm 2009 cho cả 2 hệ CĐ và ĐH là 1 triệu đồng/2 môn chuyên ngành (còn lệ phí học ôn và thi môn chủ nghĩa Mác – Lênin là 200.000 đồng thì SV phải đóng riêng).
Sinh viên “xót ruột” vì lệ phí thi
Phải đóng 750.000 đồng cho 3 buổi ôn thi, SV T.M.H, Trường ĐH Công nghệ, tự đặt câu hỏi: Chưa thi mà đã phải đóng cả lệ phí làm bằng tốt nghiệp, phí tổ chức lễ tốt nghiệp là sao? Hay là nhà trường sẽ cho toàn bộ SV đậu hết? Theo lời em, năm ngoái LPT của trường chỉ có 300.000 đồng/SV, nhưng năm nay lên tới 750.000 đồng/SV. Chưa kể có quá nhiều khoản không kể xiết như “tính đúng, tính đủ” đổ dồn vào đầu SV. Hơn nữa tiền nước uống cho giám thị mỗi SV phải đóng 30.000 đồng, một phép tính đơn giản cho thấy nếu nhân với 6.700 SV của trường thì chỉ tiền nước uống trường đã thu hơn 200 triệu đồng. Bài trắc nghiệm hay bài luận chỉ có mấy tờ giấy thi và giấy A4 mà thu phí giấy nháp, giấy thi tới 15.000 SV…
Sinh viên L.H. ĐH Bình Dương, bức xúc nêu ý kiến tại sao lại tính LPT vào trong học phí? Cô thổ lộ: để có tiền đóng LPT bố mẹ em đã phải cắn răng đi vay nóng 1 triệu đồng. Điều vô lý là, trong khi Bộ GD-ĐT đang tìm cách ngăn chặn các hình thức học thêm dạy thêm, ôn thi ĐH, CĐ thì Trường ĐH Bình Dương lại bắt SV học ôn thi tốt nghiệp. Phải chăng trường sợ nếu không học ôn thì SV sẽ không đậu?… Và tại sao trường không công bố LPT cho SV khi nhập học để biết cụ thể hơn về các khoản đóng góp? Hay là có thế trường mới “lách luật” để tận thu?
Trong khi đó, theo kết quả tham chiếu của chúng tôi với Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học, LPT mà sinh viên trường này phải đóng chỉ bằng 1/3 mức phí của Trường CĐ Nguyễn Tất Thành, bằng 1/4 Trường Đại học Mở TPHCM và thấp hơn 1/6 mức phí của Đại học Bình Dương.
Việc thi tốt nghiệp ở các trường đều phải tổ chức theo quy định của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên LPT của các trường lại khác biệt nhau, chênh lệch từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/SV. Nếu lấy số dư này nhân với hàng ngàn sinh viên của các trường thì con số chênh lệch không nhỏ. Ví dụ: đối chiếu tổng LPT của 1.000 SV ĐH Bình Dương với 1.000 sinh viên Trường ĐH Công nghiệp (trường có mức thu LPT đứng thứ 2) thì đã chênh nhau 250 triệu đồng và nếu lấy 1.000 SV Trường ĐH Bình Dương so với 1.000 SV Trường CĐ Nguyễn Tất Thành thì sẽ chênh nhau 550 triệu đồng. Còn nếu so sánh với 1.000 SV của ĐH Bình Dương thì tổng số tiền thu LPT của 1.000 SV Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học sẽ chênh nhau là 850 triệu đồng.
Rõ ràng đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải đưa ra những quy định cụ thể về LPT để tránh tình trạng “loạn thu” như hiện nay.
“Trúng tiền tỷ” từ kỳ tốt nghiệp
“Góp gió thành bão”, theo số lượng sinh viên mà các trường cung cấp và mức lệ phí thi mà trường công bố thì tổng LPT các trường thu được có thể lên tới bạc tỷ.
Trường CĐ Nguyễn Tất Thành năm 2009, trong số gần 5.000 SV hệ trung cấp và CĐ sẽ có trên 2.500 SV thi tốt nghiệp và với mức phí thu là 450.000 đồng/SV thì tổng thu LPT của trường sẽ trên 1 tỷ đồng. Trường ĐH Bình Dương có khoảng 1.000 SV ở 2 hệ ĐH và CĐ thi tốt nghiệp thì số tiền trường thu được cũng khoảng 1 tỷ đồng. Trường ĐH Công nghiệp năm nay có khoảng 6.700 SV hệ CĐ, ĐH chính quy và với LPT là 750.000 đồng thì số tiền trường thu được sẽ hơn 5 tỷ đồng.
Tiến Đạt(SGGP)