Thứ ba, 16/9/2014, 21h09

Một kỳ thi sao cho khoa học?

Cần những hướng dẫn cụ thể

Thí sinh xem lại đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Ảnh: Anh Khôi
Bộ GD-ĐT đã quyết định phương án một kỳ thi quốc gia năm 2015. Việc đổi mới này nằm trong tiến trình cải tiến căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà và được kỳ vọng là sẽ đạt những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, với một phương án thi quá mới mẻ, chưa có tiền lệ, không khỏi gây ra nhiều băn khoăn cho cả học sinh (HS), phụ huynh mà còn với các chuyên gia và nhà quản lý giáo dục.
Băn khoăn về chất lượng kỳ thi
Thực tế thời gian qua cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT là để xác định HS đến một chuẩn nào đó và chứng nhận tốt nghiệp cho HS đó; còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là một sự sàng lọc để lựa chọn những thí sinh tốt nhất phù hợp với ngành, trường đào tạo. Tức là tính chất, mục tiêu của hai kỳ thi khác xa nhau. Năm 2015, tổ chức chung một kỳ thi thì giải quyết đồng thời hai mục tiêu đó chắc hẳn có nhiều phức tạp, cũng vì vậy mà có sự băn khoăn về chất lượng của kỳ thi này. Chẳng hạn, đề thi sẽ như thế nào, việc chấm thi ra sao (nhất là với các môn tự luận), việc tổ chức thi và coi thi thế nào… Bởi hiện đã có nhiều ý kiến cảm thấy không yên tâm về những điều này, như giám thị là giảng viên các trường ĐH vốn ít có kinh nghiệm ở các kỳ thi tuyển sinh (do phần nhiều được giáo viên phổ thông thực hiện) thì việc xử lý liệu có bất ổn? Hay việc “phân biệt” thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp và thí sinh thi vừa xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển vào trường ĐH, CĐ cũng có thể gây ra những vấn đề tâm lý, thậm chí về chất lượng, hiệu quả; hoặc giả sử HS đăng ký thi hình thức này nhưng rồi đổi qua hình thức khác thì xử lý ra sao…
Chất lượng năm học lớp 12 được đánh giá như thế nào?
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, các em HS phải thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, HS có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Như vậy, có khả năng không ít HS sẽ lơ là những môn không thi; giả sử với HS nào thi khối D, vì cả 3 môn này đều nằm trong số những môn bắt buộc nên có thể em sẽ không đặt nặng việc học các môn khác; với HS dự định thi các khối khác thì có thể sẽ chọn môn tự chọn nằm trong khối thi của mình và “học lệch” các môn khác.
Do đó, nên chăng có quy định cụ thể: Đối với những môn mà HS chọn thi thì cần có một điểm sàn nào đó mới được thi. Chẳng hạn, 4 môn thi tối thiểu phải đạt trung bình lớp 12 từ 5,5 điểm trở lên; các môn không thi phải đạt trung bình từ 5 điểm trở lên mới được tham gia kỳ thi này... Tức là, cần có quy định và hướng dẫn để chất lượng học năm lớp 12 được đảm bảo.
Thi theo cụm sao cho hợp lý?
Bộ GD-ĐT công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực. Theo đó, tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, bộ sẽ thống nhất với UBND tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì. Như vậy có 2 loại cụm: Một cụm do các trường ĐH chủ trì, một cụm là do sở chủ trì, liệu điều này có gây ra những độ chênh nào hay không? Việc sắp xếp số cụm và vị trí các cụm nên theo tiêu chí nào để đảm bảo an toàn, hiệu quả cũng là một vấn đề đáng bàn. Bởi trên danh nghĩa, sẽ có hội đồng thi ở gần thí sinh này và xa thí sinh kia, như vậy sẽ có thí sinh được thi trên “sân nhà”, nhiều thí sinh sẽ phải khăn gói đi xa trong khi ở hội đồng thi việc ăn nghỉ liệu có thuận lợi khi có đột biến nhiều thí sinh và phụ huynh đến hay không... Hay việc sắp xếp giáo viên đi làm giám thị cũng là vấn đề cần tính toán để đảm bảo khách quan, hiệu quả, tiết kiệm.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Ông Lê Trung Chinh (Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng): Khâu tổ chức thi phải đảm bảo tính khách quan    
Sau khi Bộ GD-ĐT quyết định về phương án tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2015, chúng tôi sẽ tiến hành chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX các vấn đề liên quan nhằm thực hiện một kỳ thi trọn vẹn. Theo đó, Sở GD-ĐT chỉ đạo cho các trường có những điều chỉnh trong mục tiêu dạy - học để giúp học sinh bổ sung được đầy đủ lượng kiến thức, đảm bảo đạt kết quả tốt trong kỳ thi. Từ trước đến nay, các trường THPT chủ yếu tập trung cho mục tiêu thi tốt nghiệp THPT. Nay với phương án này, yêu cầu đặt ra là giáo viên sẽ phải dạy theo hướng phân hóa đối tượng vừa phải đảm bảo giáo dục toàn diện, vừa phải đảm bảo chất lượng của cả kỳ thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ. Việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” này, học sinh có thêm nhiều cơ hội trong việc chọn lựa nghề nghiệp. Vấn đề còn lại là các trường học phải đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp. Đổi mới phương thức thi là một sự lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta cần cân nhắc khâu tổ chức kỳ thi phải đảm bảo được tính khách quan.
Phan Vĩnh Yên (ghi)
 
Tính toán kỹ với “ngưỡng điểm” xét tuyển
Bộ GD-ĐT quy định, căn cứ vào kết quả thi, bộ sẽ công bố “ngưỡng điểm” xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên “ngưỡng điểm” này để tuyển sinh theo quy định. Điểm “ngưỡng” này dường như là một hình thức của điểm “sàn” như các năm trước, tức là HS phải đạt đến điểm này trở lên mới được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ (sau khi cộng các điểm ưu tiên). Có vấn đề đặt ra là liệu có nên đặt điểm ngưỡng của 4 môn tối thiểu hoặc điểm bình quân của tất cả các môn HS đã thi không? Chẳng hạn, điểm tối thiểu của 4 môn phải đạt từ 24 trở lên hoặc điểm bình quân của các môn thi phải đạt từ 6 trở lên mới được xét, đồng thời không có môn nào dưới 4? Điều này giải quyết được chất lượng nhất định của thí sinh khi tham gia xét tuyển, nhưng cũng có thể nảy sinh ở chỗ là có trường hợp với 3 môn xét tuyển vào trường ĐH, CĐ khá cao nhưng môn còn lại điểm thấp… Như vậy, cần phải tính toán “điểm ngưỡng” sao cho thật hợp lý, khoa học.