Chủ nhật, 21/9/2014, 22h09

Một kỳ thi sao cho khoa học?: Không thể đạt yêu cầu minh bạch, công bằng

Hiện nay HS lớp 12 vẫn chưa yên tâm trong việc lên kế hoạch ôn tập. Ảnh: D.Bình
Đó là khẳng định của thầy Võ Đức Chỉnh (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, Cần Thơ ) trong cuộc trao đổi với Giáo dục TP.HCM xung quanh phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.   
Thầy Võ Đức Chỉnh cho biết: Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, phương án thi “2 chung” mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành chưa là phương án tối ưu nhất, chỉ hay hơn 3 phương án trước đây mà bộ đưa ra lấy ý kiến. Về mặt được: Do Bộ GD-ĐT công bố sớm nên thầy và trò (học sinh (HS) lớp 12) vẫn có thời gian và biện pháp điều chỉnh cách tổ chức dạy học của nhà trường và của mỗi HS (do đã chuẩn bị 2 năm qua theo cách thi cũ). Mặt tích cực còn là có kết quả thi THPT quốc gia rồi mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH. Có kế thừa những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 như có môn tự chọn, cộng điểm trung bình năm lớp 12. Môn ngoại ngữ chỉ thi trắc nghiệm, không có phần tự luận như kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số vấn đề chưa công bằng, chưa tường minh như: Chia 2 loại cụm thi và miễn thi ngoại ngữ cho các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ. Bộ GD-ĐT chưa cho biết loại bằng nào được miễn thi và khi cho biết rồi thì liệu sẽ có hiện tượng chạy bằng xảy ra không? Và miễn thi cho các thí sinh học môn ngoại ngữ trong điều kiện không đảm bảo chất lượng như thế nào? Ngoài ra, thi theo phương án này rất bất lợi đối với HS chọn thi khối A, B. Nếu sau khi có kết quả thi, một số trường ĐH trọng điểm vẫn tổ chức thi hay kiểm tra thêm một số môn thì HS lại “gánh” thêm một kỳ thi, sẽ rất tội nghiệp cho các em.
PV: Để kỳ thi đạt yêu cầu minh bạch, khoa học, công bằng, đáp ứng yêu cầu chất lượng để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ; theo thầy, khâu tổ chức và chấm thi phải như thế nào?
- Theo tôi, khâu tổ chức nếu chia 2 loại cụm thi theo quyết định của Bộ GD-ĐT thì sẽ không thể đạt yêu cầu minh bạch, khoa học, công bằng. Chắc chắn sẽ không công bằng giữa 2 loại cụm thi như thế. Và điều đáng lo nhất ở đây là: Tại những cụm thi do Sở GD-ĐT và địa phương tổ chức, chắc chắn sẽ có nhiều HS đạt điểm đậu rất cao. Như vậy có công bằng và hợp lý không khi những em này dùng phổ điểm đó để xin xét tuyển vào các trường ĐH?
Tôi đề nghị chỉ tổ chức một loại cụm thi do các trường ĐH tổ chức nhưng tăng thêm nhiều điểm để HS không phải di chuyển nhiều. Tôi đặc biệt cho rằng Bộ GD-ĐT không nên tổ chức cụm thi địa phương. Nếu muốn “giúp” các HS “chưa đủ năng lực học ĐH” thì nên quy định: Các sở GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cho số HS không có nguyện vọng thi ĐH (coi như làm cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì, không mâu thuẫn với quyết định của bộ mới ban hành). Kỳ thi này tổ chức trước khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Những HS thi đậu kỳ thi này chỉ được xét tuyển vào các trường trung cấp và chỉ được tham gia kỳ thi THPT quốc gia ở năm sau. Như vậy vừa đảm bảo tính công bằng, vừa góp phần đáp ứng mục tiêu phân luồng mà hiện toàn ngành đang bế tắc.
Tại những cụm thi do Sở GD-ĐT và địa phương tổ chức, chắc chắn sẽ có nhiều HS đạt điểm đậu rất cao. Như vậy có công bằng và hợp lý không khi những em này dùng phổ điểm đó để xin xét tuyển vào các trường ĐH?
Về công tác chấm thi: Chúng ta cần phát huy ưu điểm (đã được thực tiễn kiểm nghiệm và xã hội đồng tình) của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung” bằng cách lập các hội đồng chấm chung cho các cụm thi như chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Hội đồng chấm thi có sự tham gia của giáo viên THPT như trước đây. Tôi cho rằng: Nếu muốn có một kỳ thi đạt yêu cầu minh bạch, khoa học, công bằng thì ngành giáo dục cần tổ chức chấm thi thật nghiêm túc.
Với những vấn đề đặt ra như trên, để kỳ thi đạt chất lượng cao, thầy có những kiến nghị gì với Bộ GD-ĐT?
- Theo tôi, đạt chất lượng cao khác với tỉ lệ đậu cao hay thấp (thí dụ chỉ cần ra đề dễ, tỉ lệ sẽ cao hơn). Đạt tỉ lệ đậu cao không bằng ổn định và tác động tốt đến quá trình dạy và học. Một kỳ thi chỉ đạt chất lượng cao khi ổn định nhiều năm chứ không phải mỗi năm mỗi thay đổi. Nếu được kiến nghị, tôi mong rằng Bộ GD-ĐT không nên mỗi năm mỗi thay đổi phương án thi. Nếu quá trình dạy và học chưa thay đổi thì cứ chờ, nếu cần thay đổi thì ít nhất phải 3 năm mới thay đổi 1 lần.
Năm học này, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng sẽ dạy và ôn thi cho HS lớp 12 như thế nào, thưa thầy?
- Lãnh đạo nhà trường sẽ lập dự thảo “Kế hoạch dạy và ôn tập thi THPT quốc gia”. Cụ thể, trong tháng 9 này, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi tọa đàm lấy ý kiến của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, HS... về kế hoạch này. Tháng 10 sẽ triển khai thực hiện “Kế hoạch dạy và ôn tập thi THPT quốc gia”. Song song đó chúng tôi sẽ điều chỉnh, bổ sung các biện pháp thực hiện khi có những chỉ đạo mới từ bộ, từ sở...
Xin cảm ơn thầy!
Đan Phượng
Thầy và trò đang hoang mang
Hiện nay, HS lớp 12 vẫn chưa thể yên tâm và bị động trong việc lên kế hoạch ôn tập, vì tuy có quyết định sớm về một kỳ thi nhưng việc ra quy chế thi (chưa thông báo chính thức ngày nào), các trường ĐH trước ngày 1-1-2015mới công bố điều kiện xét tuyển (không biết ngày nào công bố? nội dung ra sao?). Ngoài ra, còn phải cụ thể thêm bằng nhiều văn bản mới thực hiện được kỳ thi trên. Có thể nói hiện nay cả thầy và trò lớp 12 vẫn đang hoang mang.