Thứ hai, 1/8/2011, 16h08

Một số kinh nghiệm làm chủ nhiệm

Muốn đạt kết quả tốt trong công tác chủ nhiệm, GV phải tạo được sự tin yêu của HS (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh
Để đạt được kết quả tốt trong công tác chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải thực sự yêu mến công việc của mình. Có như thế mới dồn hết công sức, tâm trí để tìm tòi, nghiên cứu và đưa ra các biện pháp giáo dục thích hợp với học sinh (HS) lớp mình chủ nhiệm.
Mối quan hệ giữa GVCN với HS
Đây là mối quan hệ chủ yếu vì đối tượng của người làm công tác chủ nhiệm là HS. Phải rèn luyện, đào tạo các em HS thành những trò ngoan của nhà trường, những công dân tốt cho xã hội. Muốn đạt được kết quả thì GVCN phải tạo được uy tín với HS. Cụ thể, GVCN phải có tác phong nghiêm túc, gương mẫu. Nói và làm đi đôi với nhau. Luôn là tấm gương sáng cho HS noi theo, phải thực hiện đúng những gì đã nói, hứa với HS và giải quyết sự việc có tình có lý. Do GVCN cũng là GV dạy bộ môn nên phải có chuyên môn vững vàng. Khi được HS tin tưởng, thán phục về chuyên môn thì về lĩnh vực chủ nhiệm sẽ thuận lợi hơn. Ngoài ra, GVCN phải tôn trọng HS: Đối với HS THPT, các em đã lớn nên nhận thức hiểu biết sự việc tương đối chín chắn, do đó người GV phải lắng nghe ý kiến của các em, phải phân tích khuyết điểm, lỗi lầm mà các em mắc phải cho đến khi các em chấp nhận một cách tự nguyện, có như thế mới sửa sai được. Luôn tạo cơ hội cho HS sửa đổi nếu các em phạm lỗi. GVCN phải nắm được đặc điểm tâm sinh lý của HS để có thể lường trước những phản ứng bột phát của các em để có biện pháp uốn nắn kịp thời và phải công bằng trong cư xử... Khi trách phạt phải đúng lỗi, đúng người và được HS của lớp đồng tình. Trong nội dung của mỗi buổi sinh hoạt lớp nên đưa vào một gương điển hình về sự vượt khó trong học tập, gương thành đạt trong cuộc sống để các em tự suy nghĩ và vận dụng vào cuộc sống của mình. Đặc biệt luôn tạo điều kiện động viên HS tham gia các hoạt động do nhà trường tổ chức, vì đây là sân chơi bổ ích giáo dục cho các em biết sống tập thể, vì mọi người. Xây dựng lòng tự hào về tập thể lớp trong HS: Nêu bật những mặt tốt mà các em đã làm trong thời gian qua, đồng thời phê phán đẩy lùi những khuyết điểm còn tồn tại. Từ đó các em sẽ ra sức phấn đấu, giữ gìn kỷ luật nề nếp… Cho HS nhận xét những ưu điểm, khuyết điểm của mình và tự đánh giá kết quả (theo mẫu), sau đó GVCN kết lại. Qua đó, các em có trách nhiệm với những việc mình đã làm.
Khi đã tin yêu, kính trọng, HS sẽ xem GVCN là người đáng tin cậy có thể tâm sự, bộc lộ những gì mình còn thắc mắc, mắc mứu trong lòng, từ đó GVCN giải quyết vấn đề của lớp dễ dàng. Muốn được vậy, phải xem HS như con, em mình. Khi đến nhận lớp phải tin tưởng, thương yêu HS, những lỗi lầm mà các em mắc phải ở thời gian trước chỉ dùng để tham khảo, không nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nên động viên khen thưởng kịp thời đối với những HS cá biệt có tiến bộ. Vì với HS, một lời khen, động viên của thầy cô rất quý.
Mối quan hệ với phụ huynh HS
Việc kết hợp phụ huynh (PH) để cùng nhau giáo dục HS cũng không kém phần quan trọng. Phải làm cho PHHS tin tưởng nhà trường, thấy việc gửi con mình vào trường là quyết định đúng đắn. Mối quan hệ này được thể hiện qua các buổi họp giữa GVCN với PHHS - GVCN phải tạo được uy tín, vững vàng, bản lĩnh trong buổi họp đầu năm. Đây là buổi họp rất quan trọng, GVCN sẽ thông báo những văn bản, thông tư, nội quy trường đến PHHS. Họp bàn bạc để đi đến thống nhất ý kiến, từ đó PHHS sẽ đồng tình ủng hộ GVCN trong việc giáo dục con mình; kiên trì giải thích và thuyết phục họ nhận ra những điểm mạnh, yếu của con mình. Đặc biệt phải hình thành trong PHHS thói quen tìm hiểu tình hình học tập của con mình bằng cách liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp (qua giấy thông báo) với GVCN hay thầy cô giám thị.
Để tiếp xúc được với PHHS thì nên chuẩn bị tốt nội dung cần trao đổi, chính xác, rõ ràng, cụ thể. Có như thế, PHHS thấy được GVCN đã quan tâm sâu sắc đến con mình từ đó yên tâm, tin tưởng GVCN, tin tưởng nhà trường.
Mối quan hệ với GV bộ môn
GVCN cần tạo điều kiện hình thành mối quan hệ tốt đẹp giữa GV bộ môn và HS: Thường xuyên nhắc nhở HS tôn trọng tất cả các thầy cô, nhất là các thầy cô trẻ; kiên quyết xử lý những HS vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô, chây lười trong học tập. Khi được thông báo HS vi phạm, GVCN luôn lắng nghe thông tin từ hai phía để có hướng giáo dục tốt; tạo điều kiện để GV bộ môn có thể hiểu được tình hình lớp dẫn đến thông cảm, thương yêu, đối xử công bằng với HS; truyền đạt những nhận xét của GV bộ môn đến học sinh (khen - chê) để các em rút kinh nghiệm, phấn đấu.
Ngoài ra, GVCN phải thường xuyên trao đổi với thầy cô giám thị để nắm tình hình HS lớp mình chủ nhiệm; kết hợp chặt chẽ với các phòng ban của nhà trường để nắm được các hoạt động liên quan đến HS để thông báo cho các em thực hiện kịp thời.
Tóm lại, để đạt được kết quả tốt trong công tác chủ nhiệm thì người GV phải có tấm lòng yêu nghề và yêu HS thật sự.
Nguyễn Thị Thiện Hạnh (Q.Bình Thạnh)