Thứ ba, 25/11/2014, 22h11

Muốn rèn chữ cho trò, giáo viên phải viết đẹp

Cô Nguyễn Thị Kim Trang, GV Trường Tiểu học An Phú 1 (Củ Chi), đang viết bảng. Cô Trang là GV có nhiều kinh nghiệm trong việc rèn chữ viết cho HS

Hiện nay có một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng học sinh (HS) viết chữ quá xấu, lại còn viết bằng ngôn ngữ chat khiến giáo viên (GV) và người khác gặp khó khăn khi đọc. Ở tiểu học, các em HS được thầy cô giáo uốn nắn, chăm chút rèn luyện chữ viết sao cho đúng quy cách, kích cỡ. Nhiều em được GV rèn thường xuyên như vậy nên viết theo kiểu chữ sáng tạo trông rất đẹp, không thua gì chữ in bằng máy tính.
Tuy nhiên, nhiều người không hiểu tại sao HS càng học lên cao thì lại thờ ơ không còn chú ý rèn luyện tính cẩn thận khi viết chữ, các em trở nên viết chữ rất tháo, viết nhanh nên chữ rất xấu. Nhiều HS THCS và THPT cho biết phải viết như vậy bởi lẽ nội dung bài học dài, lại viết nhiều nên các em không có thời gian gò chữ viết nắn nót như ở bậc tiểu học...
Theo tôi, để rèn HS viết chữ đẹp, đúng quy cách thì người đóng vai trò quan trọng trong việc kèm cặp, hướng dẫn không ai khác chính là GV tiểu học, mà cụ thể là GV được phân công trực tiếp giảng dạy dạy lớp 1 - lớp đầu cấp. Thực tế trong nhiều năm trực tiếp giảng dạy và làm công tác quản lý phụ trách chuyên môn bậc tiểu học, tham gia cộng tác viên thanh tra của ngành giáo dục huyện Củ Chi, tôi được biết và tận mắt thấy nhiều GV dạy lớp 1 viết chữ trong tập hay trên bảng đen rất đẹp, đúng mẫu, đúng kích cỡ. Lớp do các GV này dạy có nhiều HS cũng viết chữ rất đẹp vì các em đã “bắt chước” chữ viết của GV. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay trong đội ngũ GV còn có người viết chữ xấu, không nói là quá tệ. Đã vậy đôi khi viết còn sai chính tả thì làm sao họ có thể rèn cho HS viết chữ đẹp, đúng quy cách một cách có hiệu quả. Do đó, theo tôi, muốn rèn HS viết chữ đẹp, đúng quy cách thì trước hết chính GV phải viết đúng và đẹp. Để làm được điều này không phải dễ, phải bắt đầu từ các trường sư phạm. Cụ thể khi tuyển sinh, các trường sư phạm ngoài kiểm tra văn hóa, năng khiếu ra còn phải kiểm tra chữ viết của thí sinh bằng hình thức cho các em trình bày một đoạn ngắn bài văn, khổ thơ trên giấy và cả trên bảng đen. Qua đó mạnh dạn loại bỏ các thí sinh viết chữ xấu, không đúng quy cách. Làm tốt điều này chắc chắn khi GV ra trường họ sẽ thuận lợi nhiều trong chuyên môn, giảng dạy, rèn chữ viết cho HS. Lúc đó chúng ta sẽ không còn có tâm trạng lo lắng con em mình tại sao viết chữ xấu, khó đọc.
Trần Văn Tám 
(Trường Tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)