Thứ tư, 30/9/2009, 17h09

Năm nào cũng thiếu giáo viên!

Cứ đến năm học mới, Sở GD-ĐT TP.HCM luôn đưa ra yêu cầu bậc tiểu học phải tiến tới thực hiện 100% trường học 2 buổi/ngày nhưng đó vẫn luôn là điều trong mơ.
Bởi đơn giản một lẽ, mới có học 1 buổi mà năm nào Sở cũng thông báo tuyển giáo viên vài đợt nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu.
Ở TP.HCM, học sinh bắt đầu tựu trường từ giữa tháng 8 nhưng đến tháng 9 trường Tiểu học P.L (Q.9) vẫn không đủ giáo viên đứng lớp cho dù ngay từ tháng 2, trường đã đăng ký xin chỉ tiêu với Sở GD-ĐT. Không còn cách nào khác, hiệu trưởng, hiệu phó phải chạy đôn, chạy đáo các điểm trường vừa quản lý, vừa đứng lớp và tranh thủ nghe ngóng xem giáo viên nào về hưu có nhu cầu dạy hợp đồng hoặc giáo sinh ngoại tỉnh có nhu cầu ở lại TP thì ký hợp đồng ngay để tránh tình trạng lớp học “trắng” giáo viên.
Thiếu giáo viên, có trường hiệu phó cũng phải đứng lớp để tránh tình trạng lớp học “trắng” giáo viên - Ảnh: B.Thanh
Trước tình trạng trẻ vào lớp 1 khá đông, khoảng 7.200 học sinh trong khi học sinh lớp 5 hoàn thành bậc tiểu học chỉ có 4.100 học sinh nên Q.Tân Phú đã đăng ký với Sở GD-ĐT tuyển 70 chỉ tiêu. Tuy nhiên đến thời điểm này, Phòng Giáo dục mới nhận được khoảng 50 giáo viên. Cũng may, Phòng Giáo dục Q.Tân Phú tuyển theo dạng ký hợp đồng khoán trả lương bằng ngân sách của quận được 22 giáo viên bên cạnh việc đưa giáo viên chuyên trách bộ môn đứng lớp. Ông Tạ Tân - Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú cho biết: “Đội ngũ giáo viên bộ môn chúng tôi sắp xếp vào dạy lớp 3 vì ở bậc tiểu học khối lớp này không đòi hỏi cao về chuyên môn. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết yêu cầu trước mắt, còn về lâu về dài thì e rằng không tối ưu”.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Các quận huyện chủ động tổ chức đào tạo tại chỗ, thông báo tuyển sinh rộng rãi tại địa phương sau đó giảng viên của ĐH Sài Gòn về giảng dạy và giáo sinh sẽ được cấp bằng chính quy”. Thế nhưng, ở các quận huyện, các phòng giáo dục không bị động vào việc đào tạo giáo viên tại chỗ như cách gợi ý của Sở vì “Có đào tạo tại chỗ thì cũng phải 3 năm mới có một khóa tốt nghiệp, học sinh đâu có chờ 3 năm mới đi học được. Chẳng hạn như năm nay, Bình Chánh mở lớp mời giảng viên ĐH Sài Gòn về dạy nhưng đến năm 2011 thì Phòng Giáo dục mới sử dụng được 90 giáo sinh này”, ông Nguyễn Minh Châu - Trưởng phòng Giáo dục huyện Bình Chánh than thở. Còn ông Tạ Tân - Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú không chỉ băn khoăn về mặt thời gian mà còn e ngại: “Đào tạo cấp tốc sợ không đạt chuẩn lại mất công đào tạo lại”. Cũng theo ông Tân: “Hiện nay Q.Tân Phú mới chỉ có 26% trong tổng số hơn 29 ngàn học sinh được học 2 buổi/ngày chứ nếu như 100% thì chuyện thiếu giáo viên còn khủng khiếp hơn”.
Mỗi năm vào khoảng tháng 5 là Sở GD-ĐT TP.HCM đã rục rịch các công tác tuyển dụng giáo viên nhưng năm nào cũng phải tuyển thêm đợt 2, 3 mà vẫn thiếu. Một hiệu trưởng trường tiểu học tại Q.9 bức xúc: “Trường đăng ký chỉ tiêu từ ngay sau Tết nhưng năm nào cũng không đủ giáo viên, trong khi tựu trường sớm, nhà trường biết xoay xở như thế nào? Đã đến lúc Sở không nên ôm đồm trong việc tuyển dụng mà nên trao quyền chủ động cho các phòng giáo dục. Việc quan trọng là chất lượng giáo viên thì Sở chỉ cần thẩm tra lại trình độ là xong”.
Rõ ràng, ngành GD-ĐT TP.HCM đã không dự báo được tình hình học sinh và giáo viên tiểu học nên mới dẫn đến tình trạng khan hiếm giáo viên, mà chuyện này đã xảy ra từ vài năm trước...
Bích Thanh (TNO)