Thứ ba, 29/7/2014, 22h07

Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Một tiết học tiếng Anh do giáo viên bản ngữ đứng lớp. Ảnh: N.Trinh
Vừa qua, phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về thực trạng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam: “Chất lượng thầy cô còn thấp, nhiều em học ở trung tâm về phát âm đúng thì cô lại cho rằng sai” đã gây choáng váng không những cho các thầy cô giáo dạy ngoại ngữ mà cả những ai quan tâm đến việc dạy và học ngoại ngữ.
Như chúng ta đã biết, đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã được thông qua từ năm 2008 và được triển khai rầm rộ với kinh phí gần 9.400 tỷ đồng. Nay Bộ trưởng tuyên bố như vậy hóa ra 6 năm nay tiền của, công sức của nhiều người đổ sông đổ biển.
Đối với việc bồi dưỡng giáo viên để đạt chuẩn châu Âu là một việc làm không hiệu quả và vô cùng tốn kém tiền bạc, công sức. Bộ GD-ĐT nên đề ra một tiêu chuẩn và yêu cầu giáo viên phải tự thực hiện. Thí dụ bộ yêu cầu giáo viên THCS phải đạt chuẩn IELTS 6.0, giáo viên THPT phải đạt 7.0. Khi có một chuẩn như vậy, giáo viên sẽ tự bỏ tiền đi học và đi thi, lúc nào giáo viên nộp giấy chứng nhận kết quả sẽ được Nhà nước trả lại kinh phí đi học. Như chúng ta đã biết, kỳ thi IELTS được tổ chức rất minh bạch, kết quả của nó được dùng để đánh giá cụ thể mức độ, cấp độ sử dụng thành thạo tiếng Anh của người dùng theo chuẩn Liên hiệp Anh (Anh, Úc, New Zealand, Canada, Nam Phi).
Đối với tài liệu dạy, học tiếng Anh, Bộ GD-ĐT nên mạnh dạn sử dụng những bộ sách do tổ chức giáo dục Anh, Mỹ có uy tín biên soạn. Thực tình mà nói, sách học tiếng Anh của Bộ GD-ĐT soạn quá chú trọng về ngữ pháp, ít chú trọng kỹ năng nghe, nói.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng phải thay đổi cách ra đề thi. Đề thi lâu nay hầu như chỉ kiểm tra ngữ pháp. Mà đề thi thế nào thì giáo viên và học sinh dạy - học như thế đó. Kiểu ra đề thi ngoại ngữ như vậy cũng góp phần làm cho một số giáo viên thiếu trau dồi kỹ năng nghe nói.
Tóm lại, việc dạy và học ngoại ngữ ngày nay rất thuận lợi nhờ vào những phương tiện hiện đại như internet, máy tính, điện thoại thông minh… Người ta có thể học ngoại ngữ (với người bản ngữ thông qua các phương tiện nói trên) mọi lúc, mọi nơi một cách dễ dàng mà không tốn kém bao nhiêu. Tại sao một người muốn xin làm phục vụ ở nhà hàng nước ngoài chỉ cần học tiếng Anh giao tiếp trong vài tháng là có thể nghe nói lưu loát, còn học sinh của chúng ta học tiếng Anh 7 năm trời, từ lớp 6 đến hết lớp 12 lại không nghe nói nổi một câu nào?
Đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải mạnh dạn sửa sai, điều chỉnh, đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho hiệu quả hơn.
Nguyễn Phùng Quốc Hùng
Đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải mạnh dạn sửa sai, điều chỉnh, đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho hiệu quả hơn.