Thứ tư, 21/3/2012, 14h03

Ngày tháng Kiều xa Từ Hải

Cô đơn và nỗi đau là hai gánh nặng trong 15 năm lưu lạc của đời Kiều. Đang sánh vai với trai anh hùng nay phận gái lại về với nỗi lẻ loi, đơn chiếc. Trong tình cảnh ấy, đúng với quy luật của tâm lí là buồn và nhớ. Nguyễn Du không nói Thúy Kiều buồn thế này, thế khác. Nỗi buồn ấy tạc nên vóc dáng của Thúy Kiều. Nàng từ chiếc bóng song mai không nói thân hình mà Nguyễn Du nói cái bóng. Lẻ loi, cô quạnh! Bóng song mai, chắc cửa sổ là nơi ngăn cách, một bên Thúy Kiều cô đơn, ngoài sân cây mai cũng lẻ loi, đơn độc. Một thân một mình như chiếc bóng đã là một nỗi buồn, nỗi buồn ấy lại kéo dài theo thời gian: Đằng đẵng, đêm thâu. Vắng Từ, Kiều buồn nhưng càng buồn hơn khi Kiều không dời bước đến với cỏ cây, sân vườn. Một dấu giày trên sân, tìm không thấy. Một đám cỏ mọc tự nhiên cao hơn thước, cây liễu trước sân nhà cũng như chủ nó, gầy hẳn đi…
Sự cô đơn cùng với cách sống khép kín cửa phòng để chờ chồng, hai nỗi ấy càng khiến Thúy Kiều như buồn nhiều hơn, lẻ loi nhiều hơn. Có lẽ cụ Nguyễn viết chiếc bóng song mai là lấy từ ngôn ngữ dân gian: Chăn đơn gối chiếc!
Buồn và nhớ như cặp song sinh của bất cứ ai ở trong tình cảnh ấy, Kiều nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, rồi nhớ và nghĩ đến mối tình với chàng Kim, sau cùng là nhớ Từ Hải. Có người cho rằng lý ra Kiều phải nhớ Từ trước rồi mới nhớ đến chàng Kim, cha mẹ. Có nhiều lý do, Nguyễn Du không chọn trình tự ngược chiều ấy. Bởi dẫu sao, Từ Hải cũng vừa ra đi. Cái ra đi của chí nam nhi không ai ngăn cản được. Từ lại hứa một năm sau, chẳng vội gì. Thúy Kiều an tâm dẫu rằng có thương có nhớ. Khắc họa nỗi cô đơn Nguyễn Du thiên về tả cảnh. Nỗi cô đơn mà Kiều đang gánh chịu với cảnh quê hương gia đình xa vời, vắng lặng, liền một văn mạch. Trong nỗi nhớ muôn dặm tử phần, nhớ quê hương mà không  nhìn được chốn quê bởi mây Tần đã ngăn cách, da diết và buốt nhói nỗi nhớ thương cha mẹ. Nếu khi ở lầu Ngưng Bích, Kiều nhớ cha mẹ, chủ yếu là lo lắng không người quạt nồng ấp lạnh cho cha mẹ đã già, giờ đây là nỗi lo, nỗi thông cảm sâu sắc: Liệu cha mẹ tuổi già vời vợi trông con, trông mong ấy có vơi đi theo năm tháng? Xót thay huyên (mẹ) cỗi xuân (cha) già/ Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi!
Thúy Kiều nhớ chàng Kim với nỗi lòng chân thật. Tuy lúc này Thúy Kiều đã có Từ Hải, chàng Kim đã chắp nối với Thúy Vân dễ chừng đã tay bồng tay mang nhưng Kiều vẫn chưa dứt được mối tơ tình với người ấy. Nguyễn Du đã hình tượng hóa nỗi vương vấn ấy bằng hình ảnh ngó sen tuy bị đứt nhưng vẫn sợi tơ còn vương vấn. Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngỏ ý còn vương tơ lòng. Cái khéo của Nguyễn Du là đem cái vô hình so sánh một chi tiết có thực trong cuộc sống. Ngó sen bị đứt mà thành tơ lòng, ý vừa chặt, hình lại gợi. Phải chăng Kiều đã sống với Từ, tức với người này mà còn nghĩ người khác? Nguyễn Du đã không tránh né, Nguyễn đã viết lại sự thực của cuộc đời dẫu rằng ai đấy lên cơn đạo đức giả.
Sau cùng Kiều mới nhớ Từ Hải: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm. Con chim hồng đã cất cánh bay là bay cao, thoắt đã xa nghìn dặm. Nói Từ Hải ra đi lập nghiệp nơi xa xôi mà câu thơ có hình tượng đẹp đẽ lạ thường. Sau này chúng ta sẽ gặp hai chữ cánh hồng chỉ Thúy Kiều khi tự tử ở sông Tiền Đường, Nguyễn Du đã dùng theo nghĩa khác.
Từ Hải ra đi dưới mắt nhìn của Thúy Kiều không chỉ có tình cảm mặn nồng mà còn cả sự thương yêu, kính trọng. Nghe nói, Tổng thống Xu-các-nô (Indonesia) lên máy bay rời Hà Nội về nước sau chuyến thăm Việt Nam, Bác Hồ đã tiễn Tổng thống tận sân bay, khi máy bay cất cánh Bác đọc: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời.
Lê Xuân Lít