Thứ bảy, 10/12/2011, 23h12

Nghệ An dư gần 2.500 giáo viên, nhân viên

Trong số 29.519 biên chế được UBND tỉnh giao thì cấp Trung học cơ sở có 1.409 người dôi dư, trong đó dôi dư chủ yếu ở vùng trung tâm và vùng lân cận thị trấn các huyện. Có tình trạng thừa giáo viên các môn Toán, Lý, Văn, Sử; thiếu giáo viên các bộ môn Hóa học, Âm nhạc, Mỹ thuật… hoặc thừa giáo viên nhưng thiếu nhân viên thư viện, thiết bị. Ở cấp Tiểu học, dôi dư 1.089 người.
Tuy vậy, nếu bố trí đủ giáo viên dạy 2 buổi/ngày và nhân viên (theo Thông tư liên bộ số 35/2008/TTLB-BNV-BGD&ĐT-BTC) thì sẽ có thêm 1.353 biên chế, khi đó bậc tiểu học không dôi dư giáo viên, nhân viên mà ngược lại, còn thiếu 264 người.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nguyên nhân của tình trạng giáo viên, nhân viên dôi dư nhiều ở Nghệ An là do quy mô học sinh tiểu học, trung học cơ sở giảm mạnh, dẫn tới nhu cầu giáo viên giảm.
Mặt khác, thời gian qua tỉnh Nghệ An thực hiện chính sách tăng cường giáo viên cho các huyện vùng cao, giáo viên hoàn thành nghĩa vụ được luân chuyển về xuôi. Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm được đào tạo vượt quá nhu cầu. Công tác dự báo kế hoạch phát triển trường, lớp và kế hoạch biên chế của các huyện còn hạn chế.
Thực tế thời gian qua, tỉnh giao tương đối đủ chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo; ban hành nhiều văn bản về việc tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên, nhân viên; phân loại giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị tiếp nhận những người đủ tiêu chuẩn vào biên chế, ưu tiên sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy loại khá, giỏi; tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh việc tuyển dụng, tiếp nhận, hợp đồng giáo viên, nhân viên.
Thời gian tới, để tiếp tục giải quyết tình trạng giáo viên, nhân viên dôi dư, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thực hiện việc tuyển dụng và quản lý viên chức theo quy định; giao quyền tự chủ cho các đơn vị trường học trong việc tiếp nhận, tuyển dụng và sử dụng ngân sách. UBND các huyện, thành, thị chủ động trong việc quản lý và sử dụng biên chế; xác định đúng số lượng, cơ cấu nhu cầu giáo viên của từng trường để điều động, bố trí hợp lý trong đơn vị, khắc phục tình trạng mất cân đối, thừa thiếu cục bộ.
Tỉnh tăng cường công tác kiểm tra của UBND các huyện, thành, thị và Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính trong việc tuyển dụng, hợp đồng, quản lý và sử dụng cán bộ, viên chức, tài chính ngành giáo dục và đào tạo; kiến nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm.

Theo Bích Huệ
(tintuc)