Thứ hai, 30/3/2015, 09h03

Nhân rộng tủ sách công cộng

Muốn gieo mầm văn hóa đọc thì phải tạo môi trường - sức hút từ tủ sách hấp dẫn, thư viện thân thiện. Muốn học sinh dành thời gian đọc nhiều hơn, chủ động tự học, tự nghiên cứu tư liệu thì phải giảm áp lực học hành… Làm thế nào để thực hiện điều này và giúp giới trẻ hình thành thói quen đọc sách?

Tủ sách nhỏ, ý nghĩa lớn
Từ khi có nhiều tủ sách công cộng được gắn ở hành lang sân trường, học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn TPHCM thỏa thích đón đọc những cuốn sách mình yêu thích. Những chiếc tủ sách màu hồng được treo trông như những tổ chim luôn được bổ sung các thể loại truyện, sách báo và sách tham khảo. Không chỉ đọc trong giờ ra chơi, học sinh có thể mượn về nhà đọc, rồi mang trả lại tủ sách với điều kiện “lấy một cuốn để vào một cuốn”. “Ngoài sự đóng góp của mạnh thường quân, nhà hảo tâm, để có thêm nhiều đầu sách, nhà trường vận động học sinh quyên góp những cuốn sách, truyện cũ và ghi tên học sinh tặng. Sau đó, thư viện chọn lọc và cung ứng cho tủ sách”, cô Nguyễn Thị Mai, cán bộ thư viện cho biết.

Tủ sách công cộng ở Trường THCS Trần Văn Ơn hấp dẫn học sinh vì có nhiều đầu sách mới, hay.

Nhiều năm qua, phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay” đã khuyến khích học sinh trong trường quyên góp thêm nhiều đầu sách hay. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách nhiều hơn nữa, nhà trường quyết định lắp đặt tủ sách công cộng để tạo sự tiện ích, hấp dẫn học trò. Nói về sáng kiến này, Hiệu trưởng Trần Thúy An cho biết: “Không chỉ giúp học trò thích đọc sách, biết cách chắt lọc những điều bổ ích, làm giàu tâm hồn, trí tuệ từ sách, nhà trường còn muốn rèn cho các em có ý thức giữ gìn tủ sách công cộng”. Cũng theo cô Thúy An, ý tưởng này bắt nguồn từ chuyến tham quan nước ngoài khi nhìn thấy những tủ sách công cộng “Litte Free Labbary” - thư viện nhỏ miễn phí này được dựng khắp mọi nơi, từ bến xe, bến tàu đến các khu dân cư. Thời gian nhàn rỗi, bất cứ ai cũng có thể cầm một cuốn sách để đọc, tham khảo. Chỉ có điều những cuốn sách ấy không bao giờ biết “bay” và luôn được người đọc trân trọng để lại đúng chỗ sau khi đọc. Litte Free Labbry không chỉ khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn mà còn thúc đẩy những người ở khu vực quanh thư viện nhỏ có cơ hội tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Từ đó nâng cao ý thức cộng đồng, phát triển văn hóa đọc ở người dân.

Tiếp nối ý tưởng này, từ tháng 2-2015, Trường THCS Trần Văn Ơn bắt đầu xây dựng hệ thống tủ sách công cộng như nói trên. Mặc dù trên mỗi tủ sách đều có dòng chữ “Lấy một cuốn để vào một cuốn”, nhưng thời gian đầu tủ sách vẫn vơi đi sau khi cán bộ thư viện bỏ vào đầy ắp. “Vì thế, chúng tôi phải nhờ giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở các em trả lại khi đọc xong. Đành phải giáo dục dần ý thức của các em về coi trọng tài sản chung này để những tủ sách luôn lan tỏa niềm vui, lợi ích của văn hóa đọc” - cô hiệu trưởng bộc bạch.
Thư viện phải hấp dẫn
Khảo sát thực tế cho thấy, việc nuôi dưỡng văn hóa đọc ở các trường học chưa hiệu quả vì nhiều lý do. Thứ nhất do áp lực học quá nhiều, học sinh không còn thời gian lên thư viện đọc sách. Thứ hai, thư viện ở nhiều trường nghèo nàn, thiếu kinh phí đầu tư nên ít đầu sách mới, thể loại truyện phù hợp với thị hiếu ở từng độ tuổi nên không hấp dẫn các em. Tuy thư viện trường học đang được mở rộng theo chủ trương của ngành giáo dục, nhưng nhiều trường nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa mở cho có, không có sức lan tỏa. Ở TPHCM, tuy thư viện được đầu tư nhiều hơn, trong đó nhiều trường học đã trang bị thư viện điện tử, máy đọc sách nhưng tỷ lệ học sinh tìm đến cũng còn khiêm tốn.

Vì thế, để gieo mầm và đưa văn hóa đọc đến gần với học trò hơn, nhiều trường học, nhất là bậc tiểu học đã xây dựng tủ sách di động ở sân trường. Những tủ sách này không chỉ nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách mà còn khuyến khích các em giao lưu, trao đổi sách, truyện hay. Thế nhưng, “càng lên bậc học cao hơn, học sinh càng lười đọc sách và ít vào thư viện hơn” - đó là nhận định của nhiều cán bộ thư viện ở các trường THPT. Thực tế không hẳn như vậy, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhiều học sinh ở bậc THPT vẫn thích đọc sách, truyện, nhất là sách truyện bằng tiếng Anh nhưng không thể tìm ở thư viện những cuốn các em cần, thích đọc. Như thế, đừng trách các em không thích đọc sách mà hãy tìm cách kéo các em đến gần với văn hóa đọc bằng sự thân thiện, hấp dẫn. Thay vì bắt học trò nhồi nhét quá nhiều kiến thức không cần thiết và đối phó với thi cử nặng nề, ngành giáo dục nên có quy định giờ lên thư viện, tổ chức những chuyên đề giới thiệu về sách mới, sách hay.

Chúng ta đang yêu cầu đổi mới giáo dục và khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu tìm tòi tư liệu để thực hiện những tiết học tích cực, học theo đề án… Nhưng thử nhìn lại thư viện trường học đã đổi mới đến đâu để có đủ nguồn dữ liệu đáp ứng yêu cầu tự học, khai phá tri thức của học sinh? Sở dĩ học sinh ở các nước có nền giáo dục tiên tiến thích vào thư viện vì ở đó người học được tiếp cận với nguồn tài liệu, sách tham khảo phong phú, có thể mở mang tri thức. Để hướng tới mục tiêu hội nhập giáo dục quốc tế thì phải tạo cơ hội cho học sinh tự học, mở rộng thêm kiến thức từ sách vở và những gì giáo viên truyền đạt. Để tạo thói quen cho giới trẻ yêu sách, đến thư viện thường xuyên thì nhà trường, xã hội cùng chung tay đổi mới thư viện, lập thêm nhiều tủ sách công cộng.

KHÁNH BÌNH

(SGGP)