Thứ ba, 20/4/2010, 16h04

Nhiều giáo viên “mua” thành tích?

Việc phát huy sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) trong giáo viên (GV) để áp dụng vào thực tế giảng dạy là cần thiết. Song, trong ngành giáo dục tỉnh Thanh Hoá đã và đang xuất hiện thực trạng nhiều người đi mua SKKN của người khác về "xào xáo".
Sáng kiến, kinh nghiệm và các loại khoá luận được bán tràn lan ở nhiều cửa hàng photocopy trên địa bàn TP.Thanh Hoá.
Thậm chí, có người còn để y nguyên rồi nộp lên nhà trường nhằm đối phó với yêu cầu đặt ra của ngành giáo dục và để lấy thành tích.
Mua để đối phó?
Theo quy định của ngành giáo dục thì thường vào tháng 2 đến tháng 4 hàng năm GV có nghĩa vụ nộp SKKN cho nhà trường. Chính vì lẽ đó mà thời điểm này các cửa hàng photocopy sẵn sàng tung ra “món hàng” độc này để bán cho những thầy, cô giáo có nhu cầu.
Lượn một vòng qua các điểm trường học lớn, các cửa hiệu photocopy không khó khăn gì nếu muốn mua SKKN, mức giá chủ hàng đưa ra cũng rất hợp lý.
Người bán SKKN sẵn sàng mời chào và cung cấp sản phẩm; họ dán thông báo, tờ rơi “có bán SKKN, luận văn, giáo án... đủ các cấp học” ở nhiều nơi, dán ở ngay bức tường trước cửa hàng một cách công khai.
SKKN được bán theo hai mức giá: Nếu chỉ copy file vào USB thì giá 20.000 đồng/SKKN, người mua muốn in, photocopy thì giá 30.000đ/SKKN.
Khách hàng ở đây là GV, thoải mái click chuột vào máy tính của cửa hàng để tự chọn đề tài. Một chủ cửa hàng photocopy ở đường Tản Đà, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa, khoe: “Anh cần loại nào chúng em cũng đáp ứng. Anh muốn mua bao nhiêu đề tài đều có cả”.
Cùng xuất hiện trong cửa hàng này còn có 6 phụ nữ, tuổi khoảng ngoài 40 đang dán mắt vào màn hình máy tính để tìm SKKN. Qua trò chuyện mới hay họ là những GV dạy ngữ văn ở một trường THCS thuộc huyện miền núi Cẩm Thuỷ.
Khi được hỏi họ hồn nhiên trả lời rằng: “Quy định của ngành thế, nên mình phải mua nộp cho xong chuyện. Tự viết thì lâu lắm. Vả lại GV giỏi, học sinh giỏi còn chưa ăn ai chứ mấy cái SKKN thì nhằm nhò gì để phải đầu tư công sức cho mệt”.
Chủ cửa hàng chen ngang: “Ngay cả một số thầy hiệu trưởng cũng đến đây mua. Có hôm hiệu trưởng đến mua SKKN thì gặp GV của trường mình, họ cười xòa với nhau là xong”.
Chưa có hướng giải quyết!
Mua bán SKKN không chỉ diễn ra công khai ở TP.Thanh Hoá mà còn “len lỏi” về tới một số huyện khác. Tại cơ sở sản xuất và bán các bản quyền mỹ thuật giáo dục HL, phố Cung, xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương hoạt động khá “chuyên nghiệp”.
Ông chủ cơ sở tự giới thiệu tên L - giáo viên Trường THCS QL. Ông L kể: “Nhiều GV ở các huyện Bá Thước, Quan Hoá, Quan Sơn... đều xuống đây mua”.
Rồi ông L đưa ra tập giấy in tên SKKN, bảng giá đưa cho chúng tôi xem. Ông L quả quyết: “Ở cơ sở này, người mua có thể không cần đến tận nơi mà chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng và chuyển tiền vào tài khoản cho tôi. Sau đó, tôi sẽ chuyển SKKN lên bằng đường ôtô khách hoặc chuyển qua email, vừa nhanh gọn vừa đỡ tốn thời gian. Tôi bán SKKN bốn năm nay rồi, không những bán trong tỉnh mà còn bán ra một số tỉnh khác”.
Nhiều GV tự biện minh rằng: Viết SKKN đối với GV mới ra trường là rất khó khăn, vì chưa có trải nghiệm. Song, do SKKN là điều kiện bắt buộc đối với mỗi GV và nó liên quan đến quyền lợi, thành tích của GV và nhà trường nên để đối phó, nhiều GV đành phải mua để nộp.
Thực trạng này, ngành giáo dục đã biết, nhưng không hiểu sao nó vẫn ngang nhiên tồn tại và phát triển?
Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành GDĐT Thanh Hoá đánh giá: Mỗi năm có gần 5 vạn SKKN của các cấp học (bằng 90% số lượng cán bộ, giáo viên toàn ngành). Song, HĐKH cũng thừa nhận vẫn còn xảy ra tình trạng không ít GV đã sao chép các SKKN cũ của người khác để nộp.
Có những SKKN sao chép giống nhau đã lọt qua các vòng chấm tại cơ sở. Năm học 2007 - 2008, HĐKH phát hiện 12 SKKN giống nhau lọt vào vòng chấm cấp tỉnh.

Ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hoá - cho biết: SKKN là yêu cầu cần có cho mỗi GV trong quá trình đạt danh hiệu thi đua từ cấp cơ sở trở lên. Trên thực tế, tình trạng GV này photocopy lại SKKN của GV khác đã tồn tại từ lâu và khó tránh khỏi.

Gần đây, tình trạng GV đi mua SKKN để nộp như một hình thức chiếu lệ đã trở nên rầm rộ. Sở GDĐT chỉ có thể đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước chứ không thể quản lý về mặt thị trường khi các quán hàng bày bán tràn lan các SKKN, khoá luận, luận văn...

 

Theo Anh Tuấn
Lao Động