Thứ tư, 21/7/2010, 15h07

Niềm vui đã đến với chàng Kim

Nghệ thuật thường thấy trong Truyện Kiều là tạo thế văn. Một chi tiết quan trọng, một tình thế mới, trước đấy bao giờ Nguyễn Du cũng có bước chuẩn bị. Thường là những nghịch cảnh. Trước khi Kim Trọng có niềm vui được gặp Thúy Kiều là nỗi chờ mong tại ngôi nhà Ngô Việt. Cái cảnh chàng Kim dõi mắt trông sang nhà Thúy Kiều vừa là cảnh rất thực nhưng cũng ẩn giấu một nụ cười thoáng, có bề thông cảm. Hãy xem, cửa phòng của chàng Kim chỉ khép một nửa, khép hờ. Bởi sau cánh cửa ấy là chàng trai đang rình người đẹp: Song hồ nửa khép cánh mây. Sau cánh cửa khép hờ là đôi mắt chăm chú ngày ngày hằng trông. Nhưng người đẹp vẫn tịt mù, chẳng thấy vào ra đâu cả. Mà xa xôi gì cho cam, chỉ trong tấc gang, gần gụi là vậy sao như cửa vào chốn thiên thai!

Sự chờ đợi trông mong ấy lại không phải một vài ngày, tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai. Thời gian ngóng đợi sốt ruột đã tính theo đơn vị tháng!
Dịp may đến. Hôm ấy trời yên ả (êm trời), dưới cành đào có bóng người đẹp thướt tha. Và đây, cái dáng vội vàng mừng rỡ của chàng Kim. Chàng vội vã buông cây đàn, sửa vội quần áo chỉnh tề và… chạy ra. Nhưng đau lòng thay: mùi hương của người đẹp còn đó, bóng dáng nàng đã vắng tanh. May thay Kim Trọng phát hiện trên cành đào có một cành kim thoa! Chàng đã đưa tay với lấy, đem về nhà và nghĩ: “Này trong khuê các đâu mà đến đây?/ Gẫm âu người ấy báu này/ Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm”. Lòng sướng vui cho việc vô tình mà như định mệnh, Kim trân trọng ngắm nghía, tay này chuyền qua tay kia không rời cành kim thoa nọ. Cũng từ cành thoa ấy mùi hương thoang thoảng mà vẫn đậm đà: Liền tay ngắm nghía biếng nằm/ Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai.

Liền một mạch 18 câu thơ (từ câu 283 đến câu 300) là diễn biến khá hấp dẫn của câu chuyện. Nhưng có lẽ cũng nên chú ý đến mấy từ mà Nguyễn Du đã có chủ định hàm sự ẩn ý. Trước hết, cái dụng cụ cài tóc của phụ nữ, từ đầu câu chuyện đến lúc này cụ Nguyễn Du đã dùng ba từ khác nhau. Đầu tiên là từ Kê trong hai chữ cập Kê (đến tuổi cài trâm, tuổi yêu đương khi vào đầu truyện giới thiệu chị em Thúy Kiều). Tiếp theo, tại mả Đạm Tiên, Thúy Kiều dùng cây trâm cài đầu vạch da cây làm thơ tặng Đạm Tiên. Khi ấy Nguyễn Du dùng từ trâm. Rút trâm sẵn giắt mái đầu/ Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần. Lần thứ ba, chiếc trâm xuất hiện dưới mắt và trong tay Kim Trọng bỗng hóa thành cành kim thoa (cái thoa bằng vàng). Ba lần xuất hiện, trâm tham gia nội dung câu chuyện, ba lần khác nhau. Lần đầu (cập Kê) giới thiệu tuổi tác Thúy Kiều, lần thứ hai trâm giúp Kiều liên hệ với cõi Đoạn trường. Lần thứ ba, trâm rơi vào tay người đang mơ ước cuộc nhân duyên, trở nên quý giá: Kim thoa. Rõ ràng chiếc trâm ấy lúc thì giúp Kiều đến với định mệnh, lúc giúp Kiều gặp được người yêu. Hai nẻo đường tuy đối nghịch nhưng một số phận đau lòng!

Mà chiếc trâm ấy lại nguyên gốc có tự Đạm Tiên trong lời kể về chuyện người khách viễn phương của Vương Quan: Thuyền tình vừa ghé tới nơi/ Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ. Hai câu thơ này, Nguyễn Du đã dùng và sửa lại câu thơ cũ: Nhất phiến tình chu tài đáo ngạn/ Bình trâm hoa chiết dĩ đa thì. Trong câu thơ Đường này là hình ảnh của hoa gãy (hoa chiết), cụ Nguyễn đã đổi thành trâm gãy… hẳn không phải chuyện vô tình. Có phải Đạm Tiên đã trao chiếc trâm ngày nào cho Thúy Kiều vào đời con gái?

Có một từ trong 18 câu thơ ấy cũng cần lưu ý. Thúy Kiều dạo trong vườn, dưới những cành đào. Chiếc trâm cài trên đầu Thúy Kiều đã bị vương mắc trên một cành đào. Như vậy, cành cây ấy tính từ mặt đất trở lên tương đương với chiều cao thân hình Thúy Kiều. Tại sao Kim Trọng phải đưa tay với lấy về nhà. Nhà thơ nữ Lệ Thu nói với tôi: Anh nói gì Truyện Kiều kệ anh, tôi chỉ biết Thúy Kiều cao hơn Kim Trọng đến một sải tay! Tôi phải chứng minh: cụ Nguyễn không bao giờ có sơ suất như thế! Không dưới 5 lần cụ Nguyễn xác định Kim Trọng ở bên kia rào với vào vườn nhà Thúy Kiều. Tình nhân chứ phải kẻ gian đâu mà vào vườn người khác? Nhưng sâu xa của chuyện với ấy là gì? Phải chăng Nguyễn Du quan tâm đến vấn đề khoảng cách trong tình yêu?

Lê Xuân Lít