Thứ năm, 16/4/2015, 22h04

Ôn tập tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh: Học kỹ các dạng bài tập ngữ pháp căn bản

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) trong giờ học môn tiếng Anh. Ảnh: A.Khôi

Xung quanh việc ôn tập môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, thầy Hoàng Thái Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, đã lưu ý học sinh lớp 12 những vấn đề sau:
Cấu trúc đề thi
Đề thi THPT quốc gia môn tiếng Anh đã có sự thay đổi, gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận (thay vì hoàn toàn trắc nghiệm như các năm trước). Cấu trúc đề gồm 64 câu hỏi trắc nghiệm (8 điểm, tương ứng với mỗi câu 0,125 điểm) và bài thi tự luận (2 điểm). Phần trắc nghiệm gồm có 7 loại câu hỏi là: Câu hỏi về ngữ âm, hoàn thành câu, câu hỏi ngữ cảnh, tìm từ đồng nghĩa, tìm lỗi sai, đọc hiểu, ngữ pháp tổng hợp. Trong đó, câu trắc nghiệm về đoạn đối thoại ngữ cảnh có đưa ra tình huống đã có trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ khối A1, D1 năm vừa rồi. Ngoài ra, các đoạn văn trong phần đọc hiểu cũng tăng lên 3 đoạn, gồm một đoạn điền từ (Cloze) và hai đoạn đọc hiểu, thay vì chỉ có 2 đoạn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây.
Nội dung đề thi
Đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT được ra theo hướng mở, vận dụng khả năng tư duy của thí sinh. Đề tương đối khó, học sinh có học lực trung bình, trung bình khá sẽ rất khó để đạt điểm 6 vì có rất nhiều câu đòi hỏi các em phải học tốt môn tiếng Anh và có ý định sử dụng môn tiếng Anh để xét tuyển vào ĐH, CĐ mới làm được. Cụ thể, đề đòi hỏi thí sinh phải nắm vững các kỹ năng như kỹ năng viết, kỹ năng đọc, cách sử dụng từ/cụm từ, chức năng giao tiếp… mới hoàn thành tốt bài thi.
Làm tốt bài thi
Đểlàm tốt bài thi môn tiếng Anh, ngoài kiến thức thông thường trong chương trình, học sinh cần dành nhiều thời gian để ôn tập các dạng bài tập ngữ pháp căn bản. Theo đó, các em cần ôn tập kỹ cách dùng thì (tenses), sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ; các cách so sánh với tính từ, trạng từ; nắm vững cách dùng căn bản của các mệnh đề quan hệ với Who, Whom, Which, That, Whose, Where… (dạng câu này không bao giờ thiếu trong các đề thi, các em có thể học thêm cách giản lược của mệnh đề quan hệ: Dùng “Verb-ing”, dùng quá khứ phân từ (past participle) và dùng “to-infinitive” sau các từ “the only, the first, the last…”); phân biệt các loại mệnh đề hiện tại phân từ và quá khứ phân từ; nắm được một số dạng câu giả định; các dạng đảo ngữ để nhấn mạnh (inversion for emphasis)… Phần ngữ âm cần ôn kỹ 3 cách đọc của “s” và “es” cuối danh từ và động từ, và 3 cách đọc “ed” cuối động từ; cách đọc trọng âm trong các từ đa âm tiết. Lưu ý cách sử dụng và chuyển đổi danh từ số ít, số nhiều, danh từ đếm được và không đếm được, một số cách hình thành danh từ bằng cách thêm các tiếp tố: - tion, - ment, -er…
Ở dạng câu chuyển đổi của phần thi viết, học sinh cần luyện tập thành thạo các dạng câu tường thuật (reported speech), chủ động - bị động, câu điều kiện với mệnh đề If hoặc câu “wish/ If only”.
Lưu ý các cấu trúc câu với các liên từ, giới từ dùng để nối câu như Although/ though; Because/ because of; Despite, In spite of, however, so, therefore, so that, in order to, so as to. Về Modal verbs, học sinh cần nắm được dạng và cách dùng của các Modal verbs: can, may, must, should, could, needn’t… dùng với tình huống hiện tại và quá khứ.
Bài văn tự luận
Đối với phần này các em nên dành nhiều thời gian để tập viết các bài luận. Dù chỉ chiếm 2 điểm trong bài thi nhưng rõ ràng đây lại là câu mà thí sinh có học lực trung bình cho là khó nên hay bỏ qua, còn thí sinh học tốt môn tiếng Anh lại hay chủ quan dẫn đến việc lúng túng trong phòng thi. Thật ra, dạng bài thi này không hoàn toàn khó, cũng không hoàn toàn dễ. Đối với cấu trúc dạng bài thi này, các em nên viết giống như một đoạn văn luận bình thường, có phần mở đầu, phần mở rộng vấn đề và phần kết luận (lưu ý là các em không nên viết dài hơn so với số từ cho phép). Phần mở đầu chỉ nên dài 1-2 câu, phần mở rộng vấn đề đưa ra dẫn chứng, lập luận (8-10 câu), phần kết luận nên đưa ra quan điểm cá nhân (1-2 câu). Những học sinh trung bình nên tập viết câu ngắn gọn, dùng từ đơn giản và quen thuộc, dễ hiểu theo dạng mỗi câu một ý (one idea one sentence). Học sinh khá hơn nên tập sử dụng một số từ, cụm từ, thành ngữ phù hợp với yêu cầu của bài. Khi viết, các em cần chú ý cách trình bày: Chữ viết rõ ràng, các dấu chấm, phẩy đặt đúng chỗ, tránh bỏ lửng câu. Tuy đề thi ra theo hướng mở nhưng đề tài thường sẽ nằm trong vốn kiến thức được học, gần gũi với học sinh và sẽ không đòi hỏi quá cao so với năng lực các em. Căn cứ vào các bài đọc trong SGK, các em có thể chọn viết các đề tài như: Việc học tiếng Anh, tầm quan trọng của tiếng Anh trong thế giới ngày nay, việc chọn nghề nghiệp tương lai, lợi ích của việc đọc sách, vai trò của người phụ nữ xưa và nay, lợi ích của việc tập thể dục và chơi thể thao… Bên cạnh đó, các em cũng có thể tham khảo các đề thi ĐH, CĐ trong những năm gần đây để ôn tập và làm quen với các dạng đề.
Ngọc Anh (ghi)