Chủ nhật, 11/5/2014, 20h05

Ôn thi tốt nghiệp môn hóa học: Nắm vững kiến thức SGK lớp 12

Học sinh lớp 12 trong giờ ôn tập môn hóa học. Ảnh: Anh Khôi
Hóa học là một trong hai môn thi tự chọn được nhiều học sinh đăng kí nhất trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay. Điều này xuất phát từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan là do phần lớn học sinh thi ĐH, CĐ khối A, B.
Có thể nói việc các em chọn môn hóa học thi tốt nghiệp như “một mũi tên trúng hai đích”; mặt khác, đây là môn thi trắc nghiệm, so với các môn tự luận thì môn này có thể dễ kiếm điểm hơn.
Tuy nhiên, dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào thì cũng cần có cái nhìn đúng đắn, nghiêm túc trong việc học. Để hoàn thành tốt môn học mà sự kiểm nghiệm là kì thi tốt nghiệp THPT, đối với môn hóa học, các em cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa (SGK) lớp 12. Vì hầu hết các đề thi tốt nghiệp môn hóa học những năm gần đây cũng như cấu trúc ra đề của Bộ GD-ĐT đều tập trung vào kiến thức SGK của lớp 12. Cụ thể, về lý thuyết, đây là phần chiếm thang điểm từ 60 đến 70% trong đề thi, phần này thường tập trung vào các chương: Este - Lipit; Cacbohiđrat; Amin - Animi Axit - Protein; Polime và vật liệu Polime; Đại cương về kim loại. Phần bài tập thường chiếm khoảng 30% số câu hỏi trong đề thi và phân bố ở tất cả các chương trong SGK lớp 12. Trong quá trình ôn tập, các em học sinh cần nắm vững kiến thức lý thuyết cơ bản. Chú ý các tính chất hóa học, tính chất vật lý, đặc điểm của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống nhau và khác nhau giữa các chất để dễ nhận biết khi bắt gặp một dạng câu hỏi nào đó liên quan. Cụ thể: Phần hóa học hữu cơ, phải nắm được sự liên kết giữa các nhóm chất, gồm Amin, anilin, aminoaxit, liên kết với axít hữu cơ, phenol; Cacbohidrat liên kết với andehit và ancol; Este, lipit cần liên kết với ancol, andehit, axít… để có sự so sánh. Phần polyme phân loại theo nguồn gốc, cấu trúc, tên riêng của chúng. Phần hóa vô cơ - kim loại, nắm kỹ phần tính chất hóa học chung, so sánh các chất này chung trong dãy điện hóa. Phần bài tập chú ý các đại lượng trung bình, bảo toàn điện tích trong phản ứng ôxy hóa - khử hay trong dung dịch; tăng giảm khối lượng, số mol…
Sau khi nắm vững lý thuyết thì áp dụng vào việc làm nhuần nhuyễn bài tập. Các em cần viết đúng các phương trình phản ứng hóa học, và điểm quan trọng nữa là không chỉ viết được phương trình mà phải giải thích được nguyên nhân, hiện tượng của phương trình xảy ra phản ứng đó. Ở đây, giáo viên cần chú ý hỗ trợ học sinh không nên ôn tập qua loa theo kiểu đánh loto (chọn đại một phương án). Bởi vì việc viết được phương trình phản ứng đóng vai trò quan trọng trong việc giải bài toán sau đó. Sau mỗi quá trình ôn tập, các em cần dành thời gian để kiểm tra lại kiến thức mình đã học được như lập sơ đồ mối quan hệ giữa các chất, ghi nhớ lại các dạng phương trình phản ứng; tính chất vật lý, trạng thái tự nhiên, ứng dụng của các chất. Nếu thấy thiếu phần nào phải kịp thời bổ sung.
Hầu hết các đề thi tốt nghiệp môn hóa học những năm gần đây cũng như cấu trúc ra đề của Bộ GD-ĐT đều tập trung vào kiến thức SGK của lớp 12.
Quá trình ôn tập, giáo viên phải lấy nội dung ôn kiến thức lý thuyết, vận dụng bài tập trong SGK làm chuẩn, bám sát chương trình giảm tải của Bộ GD-ĐT; vận dụng sườn ôn thi của Bộ GD-ĐT năm 2014. Ngoài ra, cần xoáy sâu vào từng vấn đề với quan điểm “dạy sâu chứ không dạy rộng” để cho học sinh tiếp cận được càng nhiều bài tập với các thông số khác nhau để các em nhuần nhuyễn các cách làm, phương pháp giải từng dạng đề. Ngoài ra, giáo viên cần cho học sinh kiểm tra theo đề thử ít nhất vài lần trong quá trình ôn tập để nắm được trình độ, khả năng của các em ở mức nào, từ đó có phương pháp ôn tập phù hợp. Với môn hóa học, yêu cầu học sinh 3 kỹ năng cơ bản, đó là biết, hiểu và vận dụng. Tuy nhiên không phải tất cả mọi đối tượng học sinh đều giống nhau ở khả năng tiếp thu và xử lý kiến thức đã học được nên việc thường xuyên củng cố kiến thức cho các em là điều cần thiết trong quá trình ôn tập.
Kiến thức SGK là cái gốc, một khi đã nắm vững kiến thức thì việc trải qua một kì thi không còn là vấn đề rào cản. Đó chỉ là cơ hội để kiểm chứng kiến thức. Tuy nhiên trong quá trình làm bài thi, học sinh cần lưu ý phải bình tĩnh đọc đề thi. Không nên quá vội vã mà phải biết phân chia thời gian một cách hợp lí. Đọc qua đề thi một lượt, chọn câu dễ làm trước, lưu ý lại những câu khó để làm sau. Đối với câu hỏi mà học sinh hoàn toàn không biết được đáp án đúng thì các em nên đọc kỹ đề. Bởi vì, thông thường một câu hỏi được nêu ra nếu để ý kỹ thì chính bản thân câu hỏi đó với sự liên hệ tính chất của chất được cho, các em đã có thể suy luận để loại bỏ được 50%. 50% còn lại các em có thể dùng đến phương pháp loại trừ từ cái hoàn toàn sai để suy ra đáp án đúng. Cũng như nhiều môn thi khác, các em nên cố gắng làm hết đề thi, trình bày gọn gàng, cẩn thận. Với học sinh có học lực trung bình yếu, không thể làm những câu khó thì nên làm chắc chắn đúng những câu hỏi dễ để tránh mất điểm.
Lê Thị Cúc (Tổ trưởng Bộ môn hóa học, Trường THPT Ngô Quyền, Đà Nẵng)
Thông thường một câu hỏi được nêu ra nếu để ý kỹ thì chính bản thân câu hỏi đó với sự liên hệ tính chất của chất được cho, các em đã có thể suy luận để loại bỏ được 50%. 50% còn lại các em có thể dùng đến phương pháp loại trừ từ cái hoàn toàn sai để suy ra đáp án đúng.