Thứ tư, 14/5/2014, 07h05

Ôn thi tốt nghiệp môn ngữ văn: Luyện kỹ phần đọc hiểu và phần làm văn

Thí sinh xem lại đề thi môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Ảnh: Anh Khôi
So với các môn thi tốt nghiệp THPT khác, ngữ văn được xem là môn thi mà cấu trúc đề có nhiều sự thay đổi nhất. Vì thế, việc tổ chức soạn đề cương ôn tập cho học sinh khá vất vả, trong khi thời gian công bố cấu trúc đề đến ngày thi đã gần kề.
Hai nội dung chính giáo viên cần tập trung ôn tập cho học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng đó là phần đọc hiểu và phần làm văn.
Ở phần đọc hiểu, về kiến thức lý thuyết, chú trọng ôn theo sách giáo khoa các năm lớp 10, 11 và 12. Cụ thể, tập trung ôn tập về ngữ pháp, cấu trúc câu, phong cách ngôn ngữ, kết cấu đoạn văn, các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn văn hoặc đoạn thơ cho sẵn. Do phần bài tập đọc hiểu có thể là một văn bản không nằm trong nội dung sách giáo khoa, vì vậy song song với việc ôn tập lý thuyết, giáo viên cần tìm văn bản cho tất cả các lĩnh vực: Khoa học, chính luận để hướng dẫn học sinh tìm hiểu về nhan đề, chủ đề tư tưởng, cấu trúc câu… Phần thứ hai đó là làm văn. Ở đây, có hai dạng bài, gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Câu nghị luận xã hội thông thường mang tính chất câu hỏi mở, nhằm hướng đến việc rèn luyện học sinh trong các kỹ năng tích hợp kiến thức, góc nhìn đa diện như lịch sử, địa lý, đạo đức, văn hóa, truyền thống. Chủ đề của dạng nghị luận xã hội gồm hai vấn đề chính là tư tưởng đạo lý và hiện tượng đời sống. Giáo viên xoay quanh các vấn đề này với đa dạng bài tập để học sinh nắm vững phương pháp, kỹ năng cảm nhận, xử lý nhanh, đúng hướng. Mỗi tiết ôn tập, cần đề cập đến các vấn đề đang xảy ra xung quanh đời sống hàng ngày, hướng dẫn học sinh cập nhật các thông tin qua kênh thời sự ti vi, báo đài… Nêu các bài tập liên quan cho học sinh thể hiện quan điểm, góc nhìn của mình, cách trình bày, lập luận. Sau đó giáo viên chấm bài và chỉ ra các khiếm khuyết cần bổ sung cho các em, ví dụ như các dạng đề ra về quan điểm của học sinh qua vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em ở Đồng Nai; tình yêu biển đảo và bảo vệ chủ quyền lãnh hải; hay một số vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, bạo lực giới, bạo lực gia đình, hiện tượng sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook... Chú ý ở dạng đề mở, nên đọc kỹ để xem yêu cầu đề ra. Nếu đó là văn bản cụ thể trong sách giáo khoa thì cần nắm vững các vấn đề liên quan đến tác giả, tác phẩm, thời điểm tác phẩm ra đời, lồng ghép vào những vấn đề đó là trình bày quan điểm của chính học sinh. Nếu đó là một vấn đề xã hội đã, đang xảy ra trong cuộc sống (ngoài sách giáo khoa) thì học sinh nên đọc kỹ yêu cầu, trình bày quan điểm của mình chín chắn qua góc nhìn lý tưởng, đạo đức, quan điểm sống một cách tích cực, mang ý nghĩa nhân văn. Tránh viết lan man mà không hiểu chủ điểm yêu cầu của đề là mở ở đâu, mở cái gì.
Học sinh không nên bỏ qua phần đọc hiểu vì đây là phần dễ kiếm điểm, chỉ cần quá trình ôn tập các em chú ý các kỹ năng, kiến thức lý thuyết để vận dụng, tránh viết lan man, dài dòng.
Đối với câu hỏi về nghị luận văn học, dựa vào sách giáo khoa, giáo viên ôn tập kiến thức cho học sinh cộng với một số đề bài cụ thể để các em tập dượt. Ví dụ như câu hỏi nghị luận văn học về một trích đoạn văn xuôi hoặc một đoạn thơ cho sẵn, yêu cầu vận dụng sáng tạo những kiến thức, kỹ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, hoặc bác bỏ một vấn đề văn học bằng lập luận của chính mình. Đây là dạng đề phân hóa đối tượng học sinh cao. Một điểm đáng chú ý là phần này có thể đề ra những văn bản văn học không nằm trong sách giáo khoa, đòi hỏi sự sáng tạo, khả năng thông hiểu và năng lực thực tế của học sinh vận dụng vào bài làm. Trong quá trình ôn tập, giáo viên phải hướng dẫn học sinh đi đúng hướng, thành thạo các kỹ năng, phản xạ nhanh nhạy trước một vấn đề được đặt ra. Cụ thể, giáo viên cần có những dạng bài tập đa dạng về góc nhìn, vấn đề xã hội, văn học, những vấn đề liên quan để cho học sinh tiếp cận làm bài. Sau đó giáo viên chấm bài, sửa và định hướng…
Về kỹ năng làm bài, do cấu trúc đề thi mới, thời gian được rút ngắn lại nên học sinh chú ý phân chia thời gian một cách hợp lý, tránh việc sa đà vào một vấn đề dẫn đến không kịp làm các câu còn lại hoàn chỉnh. Cụ thể, phần đọc hiểu thông thường chiếm 3 điểm trong bài thi thì nên dành ra khoảng thời gian 20 phút để giải câu hỏi này. Phần làm văn chiếm khoảng 7 điểm, nên chia thời gian từ 90 đến 100 phút. Học sinh không nên bỏ qua phần đọc hiểu vì đây là phần dễ kiếm điểm, chỉ cần quá trình ôn tập các em chú ý các kỹ năng, kiến thức lý thuyết để vận dụng, tránh viết lan man, dài dòng.
Trần Thị Thu Thủy
(Tổ trưởng Bộ môn văn, Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)
Ngữ văn là môn thi tự luận, vì thế học sinh chú ý trình bày bài thi sạch sẽ, thể hiện ý kiến một cách logic. Sau khi đọc đề xong nên lập đề cương ghi ra các ý cần cho bài làm theo hệ thống để trình bày chặt chẽ từ mở bài, thân bài đến kết luận.