Thứ sáu, 26/12/2014, 10h12

Phát huy khả năng sáng tạo của học sinh

HS lớp 9 Trường THCS Chu Văn An (Q.1) thảo luận về bài kiểm tra học kỳ I môn văn vừa qua
Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo sẽ đổi mới đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn ngữ văn từ năm học 2015-2016, nhiều quận/huyện đã tiến hành đổi mới đề kiểm tra học kỳ I môn văn ở lớp 8 và lớp 9.
Theo nhiều giáo viên (GV), mục đích đổi mới này là để tạo tâm thế sẵn sàng cho học sinh (HS) khi gặp những đề thi mang tính gợi mở, gắn liền với cuộc sống.
HS không bất ngờ
Dù hình thức ra đề khá mới nhưng HS không cảm thấy bất ngờ bởi các em đã được GV ôn tập và dự báo kỹ. Em Lê Như Bảo Trâm (học lớp 9A8 Trường THCS Chu Văn An, Q.1), cho biết: “Đề kiểm tra học kỳ I năm nay khác rất nhiều so với các dạng đề kiểm tra của lớp 7, lớp 8 nhưng chúng em không bất ngờ, ngược lại là rất phấn khởi. Đề có 5 câu, không gò bó trong khuôn mẫu mà phát huy khả năng tư duy sáng tạo, vận dụng thực tế của HS. Chúng em không phải học thuộc lòng mà nhớ những ý chính, áp dụng kiến thức giáo viên đã dạy là có thể làm được điểm cao. Em thích nhất là phần tập làm văn vì yêu cầu của đề không giống như các yêu cầu thông thường trong sách giáo khoa, không có trong văn mẫu mà yêu cầu HS phải sáng tạo. Với yêu cầu đó, HS có thể tưởng tượng, đưa suy nghĩ của mình áp dụng vào làm bài”. Được biết, phần tập làm văn trong đề kiểm tra học kỳ I lớp 9 tại Q.1 yêu cầu:“Trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, ông họa sĩ già hứa sẽ quay trở lại thăm anh thanh niên và ông đã thực hiện. Em hãy tưởng tượng kể lại cuộc gặp gỡ ấy”.
Tương tự, tại Q.3, hình ảnh anh bộ đội, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… được đưa vào đề kiểm tra. Với đề này, HS không chỉ có kiến thức tổng hợp, sáng tạo mà còn đòi hỏi những hiểu biết về vấn đề thời sự, xã hội. Nội dung tóm tắt như sau: Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, trường em có tổ chức một chuyến đi ở Trường Sa. HS nhớ lại chuyến đi đó, sử dụng yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm để làm bài. Em Nguyễn Tùng Cao Cường (học lớp 9/5 Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) cho hay: “Đề kiểm tra học kỳ I lần này có khó hơn các lần kiểm tra trước một chút nhưng em nghĩ các bạn sẽ làm được vì đề có tính gợi mở, sáng tạo cao. Đặc biệt, chúng em rất thích câu tập làm văn vì yêu cầu của đề nói về hình tượng anh bộ đội, biển đảo quê hương - một chủ đề “nóng” hiện nay - để chúng em có thể vận dụng sự hiểu biết, sáng tạo của mình vào làm bài. Ngoài ra, với yêu cầu này chúng em cũng phải có các kiến thức văn học, kỹ năng miêu tả nội tâm và nghị luận văn học được học từ các chủ đề về người lính như bài Đồng chí, Tiểu đội xe không kính để làm bài…”.
Ở các quận như: Q.5, Tân Bình, Bình Thạnh…, đề kiểm tra cũng áp dụng theo hình thức mới này nên HS khá phấn khởi. Tại Q.5, phần nghị luận xã hội yêu cầu trình bày suy nghĩ được đưa ra từ một bức ảnh phụ huynh đứng đón con ở trước cổng trường với những câu ghi chú dưới hình ảnh là: “Bạn mặc cảm: “Tại sao mẹ không đón tôi bằng xe tay ga như mẹ đứa bạn khác?”. Nhưng bạn có biết số tiền mà mẹ nuôi bạn từ bé đến nay mẹ đã có thể mua được bao nhiêu chiếc tay ga cho mình?”. Còn phần tập làm văn thì khá đơn giản nhưng cũng không kém phần sáng tạo với yêu cầu “Hãy kể lại một tiết học ngữ văn mà em thấy thích thú và bổ ích”.
Em Nguyễn Lan Anh (HS Trường THCS Hồng Bàng, Q.5) rút ra kinh nghiệm: “Những năm trước, em nghĩ môn văn chỉ cần học bài là có thể làm được tất cả, nhưng từ đề kiểm tra này, em đã thay đổi cách nghĩ và cách học. Theo đó, ngoài kiến thức được GV cung cấp ở lớp, em phải thường xuyên cập nhật kiến thức xã hội trên báo chí, ti vi… thì mới có thể làm tốt bài văn”.
Sẽ thay đổi cách học
“Những năm trước, em nghĩ môn văn chỉ cần học bài là có thể làm được tất cả, nhưng từ đề kiểm tra này, em đã thay đổi cách nghĩ và cách học”, em Nguyễn Lan Anh (HS Trường THCS Hồng Bàng, Q.5), nói.
Với cách ra đề như vậy, hầu hết GV chấm thi đều phấn khởi vì chấm được rất nhiều bài văn hay. “Chúng tôi vừa hoàn thành chấm thi kiểm tra học kỳ I lớp 9 và phát hiện có nhiều bài văn rất hay, đầy cảm xúc, đặc biệt là có tính phân loại rõ ràng. Một trong những lý do làm nên điều này là phần tập làm văn HS không còn học vẹt được nữa mà phát huy hết khả năng cảm thụ của mình. Phần nghị luận xã hội các em làm cũng rất hay khi biết kết hợp lòng dũng cảm từ những nhân vật trong văn học ra liên hệ với thực tế bên ngoài, biết đưa dẫn chứng từ đời thực là các dũng sĩ bắt cướp để áp dụng vào bài làm của mình”, cô Cao Thị Nhẫn, nhóm trưởng nhóm văn lớp 9 Trường THCS Chu Văn An (Q.1), chia sẻ.
Tương tự, cô Đinh Thị Thu, GV môn văn lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho rằng: “Với đổi mới này, nhiều HS làm bài rất tốt, đạt tới 9,5 điểm, qua đó GV cũng thấy được sức sáng tạo của các em rất lớn. Tôi tâm đắc với phần tập làm văn khi yêu cầu các em cảm nhận cuộc sống người lính ở biển đảo, từ đó gieo vào lòng HS tình yêu thương trân trọng của các em đối với người lính. Ngoài kiến thức xã hội, các em phải có kiến thức bổ trợ từ các bài đã học như Đoàn thuyền đánh cá, Tiểu đội xe không kính, Đồng chí… thì mới làm tốt bài thi này”. Khi chấm bài kiểm tra xong, cô Định Thị Thu không quên dặn dò HS rút kinh nghiệm khi học văn là không chỉ học hoàn toàn trong sách giáo khoa mà còn phải mở rộng kiến thức xã hội.
Bài, ảnh: Dương Bình
HS bắt buộc phải có kiến thức xã hội
Cô Đinh Thị Ngọc Nhung, Tổ trưởng môn văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), cho biết trước khi ra đề kiểm tra học kỳ I theo hình thức đổi mới này, các GV đã được tập huấn và ôn tập kỹ cho HS nên các em không ngỡ ngàng. Đề kiểm tra đã phát huy được kỹ năng làm bài, từ câu hỏi nhận biết, thông hiểu đến vận dụng cho HS. Theo đó, đề mở theo 3 phân môn là tiếng Việt và văn bản, nghị luận xã hội và tập làm văn. Những năm trước, đề ra khá cụ thể nhưng với cấu trúc đề mới như năm nay bắt buộc HS phải hiểu bài, có kỹ năng làm bài và có kiến thức xã hội.