Thứ ba, 13/1/2009, 14h01

Phổ cập giáo dục trung học phổ thông: Hướng đến chất lượng, không chạy theo chỉ tiêu thời gian

Theo lộ trình của TPHCM về phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông (THPT), đến năm 2008 thành phố sẽ hoàn thành phổ cập bậc học này. Tuy nhiên, đến nay đã bước sang năm 2009 nhưng ngành giáo dục vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh về vấn đề này.
* Phóng viên: Tình hình phổ cập bậc THPT của TPHCM đến nay như thế nào, thưa ông?
* Ông HUỲNH CÔNG MINH: Theo tôi là tốt. Phổ cập bậc THPT là một công việc vô cùng khó khăn, nhưng đã được cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể quận, huyện, phường, xã, thị trấn tích cực thực hiện rất hiệu quả. Thực tế, đến nay, chúng tôi đã kiểm tra công nhận được 16/24 quận huyện và đang tiếp tục kiểm tra những đơn vị còn lại.
* Theo như lộ trình đã đặt ra, đến năm 2008, toàn thành phố sẽ hoàn thành phổ cập THPT?

Giờ học môn Giáo dục công dân ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q1. Ảnh: MAI HẢI

* Năm 2008 là thời điểm được tính để công nhận phổ cập bậc trung học toàn thành phố. Về nguyên tắc, công tác kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục phải làm từng năm một. Không phải một đơn vị được công nhận phổ cập giáo dục là đơn vị ấy được phổ cập mãi mãi, mà phải kiểm tra cập nhật hàng năm.

Trong khi đó, phổ cập bậc trung học là một việc làm rất khó khăn, thành phố phải tiến hành trong một thời gian dài nhiều năm, có quận đã được công nhận từ năm 2006 như quận 10, quận Gò Vấp, nhưng cũng có đơn vị đến nay mới được công nhận. Vì thế phải chọn một thời điểm để lấy số liệu chung cho toàn thành phố, thời điểm ấy là năm 2008.

* Đến nay vẫn chưa hoàn thành được như mục tiêu đã đề ra, mục tiêu đang được lùi lại hay sao?
* Như các bạn đã biết, nhiệm vụ phổ cập bậc trung học của thành phố được đề ra là một chỉ tiêu phấn đấu của nhiệm kỳ khóa VIII (2006 - 2010). Thời điểm được chọn để thực hiện thống nhất như đã nói trên là năm 2008. Việc thực hiện ở cơ sở là tốt, vấn đề còn lại hiện nay là công tác kiểm tra công nhận. Hiện nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục kiểm tra để công nhận. Quan điểm chỉ đạo hiện nay là chất lượng thực chất, không đơn thuần chạy theo chỉ tiêu về mặt thời gian.
* Tại sao cho đến nay vẫn chưa hoàn thành, liệu có phải ở các quận, huyện đang gặp khó khăn?
* Như đã nói trên, theo báo cáo của các quận huyện, đến nay các địa phương đã tự kiểm tra đạt chuẩn, vấn đề còn lại là công tác kiểm tra công nhận của thành phố. Phổ cập bậc tiểu học, THCS đã khó, nhưng phổ cập bậc THPT lại càng khó hơn vì khi các em nghỉ học là lao động chính của gia đình nên vận động các em ra lớp là rất khó.
Chúng tôi đang tập trung kiểm tra để công nhận nhưng vào giai đoạn cuối năm nhiều đơn vị đăng ký dồn dập. Công tác kiểm tra công nhận không thể làm ồ ạt dẫn đến thiếu chất lượng được.
* Xin ông cho biết một số tiêu chuẩn để được công nhận hoàn thành phổ cập? Giải pháp nào để thực hiện hoàn thành phổ cập đảm bảo chất lượng?
* Công việc đang tập trung hiện nay là tiếp tục phát huy những hoạt động có kết quả trong thời gian qua. Từng tổ dân phố và ấp nhân dân phải không ngừng động viên các đối tượng phổ cập đến lớp. Ở các lớp phổ cập, giáo viên cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp đỡ mọi học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em không bỏ học, tham gia tốt các kỳ thi tốt nghiệp.
Đây là những công việc sẽ tiếp tục duy trì lâu dài, không phải chấm dứt khi đã được công nhận vì công việc phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí là việc làm thường xuyên, nhất là tình trạng nhập cư rất nhiều hiện nay.
Tiêu chuẩn để được công nhận phổ cập bậc trung học ở TPHCM có nhiều nội dung, trong đó có tiêu chí 80% ở nội thành và 70% ở ngoại thành thanh niên trong độ tuổi (18 - 21) phải có bằng tốt nghiệp THPT. Với tiêu chí này, các đơn vị đã cố gắng đạt ở ngưỡng tỷ lệ công nhận, nhưng theo yêu cầu chất lượng bền vững nói trên, chúng tôi đã động viên các đơn vị phải vượt ngưỡng cao hơn.
* Xin cảm ơn ông! 
LÊ LINH (SGGP)