Thứ ba, 28/10/2014, 23h10

Ra đề toán cho tiểu học

Học sinh tiểu học trong tiết học môn toán. Ảnh: Anh Khôi
Học sinh tiểu học học về ngôn ngữ, tính toán, tức là đang học cách tư duy và trong quá trình xây dựng nhận thức. Vì vậy, các em cần được học tập và rèn luyện những điều phù hợp với lứa tuổi bằng phương pháp giáo dục hợp lý.
Thời gian qua, dư luận đã phản ánh về một số đề toán ở bậc tiểu học “rất lạ” khiến phụ huynh “bó tay” vì không thể hiểu được hoặc không thể giải được. Có những bài toán phi logic (kiểu như bài “tuổi ông thuyền trưởng”, “mẹ Nam 12 tuổi, bố Nam 16 tuổi”…), thiên về bạo lực (kiểu “chặt ngón tay”, “diệt giặc Mỹ và ác ôn”…), mơ hồ, mù mờ khiến không hiểu cách giải, không phù hợp với trình độ tiểu học hoặc đề sai hoàn toàn… Cũng có trường hợp đề toán ra đúng nhưng đáp án lại ra sai hoặc giáo viên chấm sai. Những điều đó có thể khiến trẻ cảm thấy môn toán có gì đó không hấp dẫn, thiếu tính thực tế, dẫn đến việc học trở nên nặng nề, đối phó.
Từ đó, chúng tôi xin đề xuất một số ý kiến để các nhà viết sách, các giáo viên ra đề toán quan tâm.
Đề toán phải logic
Tính logic của đề toán thể hiện ở nội dung và hình thức. Về nội dung, các dữ kiện nêu ra phải đảm bảo “đúng” với thực tế vốn có, tức là dù chỉ tính toán, không khẳng định điều đó có thật, nhưng vận tốc chạy bộ của một người không thể đạt đến 40km/h, không thể có mảnh vườn rộng 100cm2… Về hình thức, ở tuổi tiểu học, cơ bản là không nên nặng về “đánh đố” mà cần rõ ràng, chặt chẽ, cho yêu cầu gì thì hỏi về cái có liên quan, các dữ kiện phải được sử dụng đầy đủ và chắc chắn có liên quan đến việc tính toán.
Đề toán phải đúng
Yêu cầu đúng ở đây là đúng về phương pháp và lời giải, đúng với trình độ của lứa tuổi (lớp), đúng chính tả, ngữ pháp… Một đề toán cho học sinh đòi hỏi sử dụng số âm mới có thể tính được thì hoàn toàn không đúng với trình độ tiểu học; đề toán có cách diễn đạt trúc trắc do không đảm bảo về ngữ pháp thì không những khiến học sinh khó giải mà còn gieo cho các em ấn tượng không hay về ngôn ngữ… Ngoài ra còn là sự chặt chẽ, tránh có nhiều đáp án đúng khác so với đáp án đã cho (trong dạng đề trắc nghiệm)…
Đề toán nên thực tế
Các thông tin, dữ liệu trong bài toán nên là những điều gần gũi với cuộc sống, với lứa tuổi học sinh tiểu học. Điều này thường được các bậc phụ huynh chú ý khi ra đề toán để con rèn luyện; chẳng hạn, nêu dữ kiện là cái bánh, cục kẹo, cái ghế, quyển vở… Dù dữ kiện này có thể không ảnh hưởng gì đến việc tính toán nhưng ở tuổi các em, các dữ kiện càng thiết thực thì các em dễ hình dung và dễ tính toán. Do đó, người ra đề nên chú ý chọn những điều gần gũi với cuộc sống, đó cũng là cách giúp các em hình thành một tư duy là học toán thực ra để giải quyết những vấn đề của đời sống hàng ngày, để phục vụ cuộc sống, chứ không phải điều gì quá xa xôi hay cao siêu.
Đề toán có thể “tích hợp” một số môn học khác
Trong đề toán có sử dụng tiếng Việt, vì vậy nên giúp cho trẻ học tiếng Việt, học văn tốt hơn. Bên cạnh đó, đề toán cũng có thể gắn với các môn địa lý, lịch sử… Chẳng hạn, có thể có một đề toán: Cho các dữ kiện về các cuộc xâm lược của nước ngoài, tính trung bình (bình quân) bao nhiêu năm nước ta phải chống ngoại xâm một lần; đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, biết mỗi hải lý là 1,851km, vậy đảo Lý Sơn cách đất liền bao nhiêu km… Đó cũng là điều mà một số đề toán gần đây đã liên hệ với tình hình biển Đông để giáo dục lòng yêu nước cho học sinh.
Đề và đáp án phải khớp nhau
Các thông tin, dữ liệu trong bài toán nên là những điều gần gũi với cuộc sống, với lứa tuổi học sinh tiểu học.
Giáo viên phải hết sức tránh đề đã ra đúng nhưng đáp án lại sai khiến học sinh đã làm đúng nhưng không có điểm. Đây là sự thiếu cẩn trọng của người làm đề, làm đáp án, hoặc đã không đọc kỹ đề hoặc có cách giải sai. Điều này không đơn giản là khiến học sinh bị mất điểm oan mà xa hơn có thể gây ra những nhận thức, tình cảm không đúng về sự công bằng, về chân lý…, khi điều các em làm đúng lại không được công nhận mà lại phải công nhận (chấp nhận) cái sai lầm.
Cân nhắc một số đề toán phi logic
Đề toán “tuổi ông thuyền trưởng” là một dạng đề phi logic, bởi các dữ kiện cho ra không nhằm giải quyết bài toán mà đáp án lại là “đề sai, không thể giải được”. Điều này cần cân nhắc, không nên lạm dụng; bởi đang giáo dục trẻ sự hợp lý, tính logic trong bài toán nói riêng và cách nhìn nhận cuộc sống nói chung, ra một đề như vậy có thể đi ngược lại cách giáo dục đó. Tuy nhiên, cần thiết cho trẻ “làm quen” dần với những vấn đề phi logic, như là một cách để rèn sự nhạy bén, tinh tế và khả năng ứng phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống, với những hình thức phù hợp…
ThS. Nguyễn Minh Hải
Đề toán phải có tính giáo dục cao
Mỗi đề toán nên là một hình thức giáo dục về những điều trẻ cần chú ý, nên thực hiện trong cuộc sống. Tại sao không là “Nam có 7 viên kẹo, Nam nhường/tặng cho bạn 3 viên, hỏi Nam còn mấy viên kẹo?” mà lại là “Nam có 7 viên kẹo, Nam ăn hết 3 viên, hỏi Nam còn mấy viên kẹo?”, khi mà ở đề trên có ý khuyến khích trẻ biết chia sẻ, quan tâm đến bạn, còn đề dưới phải chăng vô tình khuyến khích sự vị kỷ của trẻ? Cũng yêu cầu đó, tuyệt đối tránh những đề toán mang tính bạo lực, thiếu tính nhân văn, thiếu tính chia sẻ với người khác… Người ra đề nên lưu ý, một đề toán, đằng sau việc học cách tính toán thì cũng nên ít nhiều đọng lại một ý tưởng, một tình cảm, một nhận thức tốt đẹp nào đó.